Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 Cánh diều: Đề tham khảo số 2

Trọn bộ đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 Cánh diều: Đề tham khảo số 2 bộ sách mới Cánh diều gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ THI CUỐI KÌ 2 NGỮ VĂN 8 CÁNH DIỀU ĐỀ 2

A. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm) 

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi như tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

Riêng những câu thơ còn xanh

Riêng những bài hát còn xanh

Và đôi mắt em như hai giếng nước.

(Theo Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 1996, tr.80)

Câu 1 (1.0 điểm): Hai dòng thơ đầu gợi lên điều gì? Nêu ý nghĩa biểu đạt của hình ảnh chiếc lá.

Câu 2 (1.0 điểm): Các câu “Kỉ niệm trong tôi/ Rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn” dùng biện pháp tu từ gì ? Tác dụng của biện pháp tu từ ấy?

Câu 3 (1.0 điểm): Theo anh/chị, chúng ta cần làm gì khi ý thức được sự trôi chảy của thời gian.

Câu 4 (1.0 điểm): Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ  

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (6.0 điểm): Phân tích bài thơ Mời trầu để làm rõ tư tưởng của Hồ Xuân Hương

Hướng dẫn trả lời

A. PHẦN ĐỌC HIỂU

Câu 1:

- Ý nghĩa của hai dòng thơ đầu: Cảm nhận về dòng chảy của thời gian, tác động nghiệt ngã của thời gian với con người và sự sống. Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng tài tình trong hai câu thơ. Vốn dĩ thời gian là thứ trừu tượng, vô hình nhưng được chuyển đổi thành hình khối, dáng điệu có thể chạy xuyên qua kẽ tay con người

=> Tăng thêm khả năng tưởng tượng của con người về sự chảy trôi của thời gian và tác động của nó tới mọi thứ xung quanh.

- Ý nghĩa biểu đạt của hình ảnh chiếc lá: Biểu tượng cho thiên nhiên và sự sống.

Câu 2:

- Câu thơ sử dụng phép tu từ so sánh “kỉ niệm trong tôi rơi” giống như “tiếng sỏi rơi trong lòng giếng cạn”

- Tác dụng:

+ Gợi hình ảnh: Giếng cạn là giếng không còn nước, chỉ còn trơ lòng giếng, sỏi ném xuống lòng giếng toàn bùn, cát liền bị lấp đầy, không còn nghe thấy hay vang vọng lại điều gì. Những kỉ niệm trong lòng nhân vật tôi theo thời gian cũng vậy, vô tăm tích, không còn âm thanh giống như viên sỏi kia.

+ Gợi cảm xúc: tiếc nuối, bâng khuâng, vô định.

Câu 3:

- Biết quý trọng thời gian, trân trọng những gì đang có.

- Sử dụng quỹ thời gian hiệu quả.

- Sống trọn vẹn, có ý nghĩa trong từng phút giây của cuộc đời.

- Lưu giữ giá trị của bản thân để nó trường tồn và nối tiếp ở thế hệ sau, khuất phục thời gian.

Câu 4:

- Ý nghĩa tư tưởng của bài thơ: sức mạnh của thời gian và giá trị đích thực của những điều vĩnh hằng.

+ Thời gian xóa nhòa tất cả, thời gian tàn phá cuộc đời con người, làm cho vạn vật khô tàn, héo úa.

+ Duy chỉ có văn học nghệ thuật và kỉ niệm về tình yêu là có sức sống lâu dài, không bị thời gian hủy hoại.

B. PHẦN VIẾT

Câu 1:

Nhắc đến thơ Nôm Việt Nam, người ta không thể không nhớ đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương, người được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”. Bà nổi tiếng với những bài thơ về tình yêu, duyên số, và cuộc sống xã hội. Các tác phẩm của bà thể hiện được cá tính mạnh mẽ và sự tinh tế trong cách dùng từ, câu cú. Một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất phải kể đến bài thơ “Mời trầu”. Bài thơ không chỉ là một bức tranh về chuyện tình duyên, mà còn là một cách tiếp cận nhân văn với duyên số của con người, đặc biệt là phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hồ Xuân Hương không chỉ bênh vực phụ nữ mà còn toát lên mạnh mẽ và tự chủ trong cách diễn đạt tâm tư của mình.

Chủ đề của bài thơ được bộc lộ rõ ngay từ nhan đề "Mời trầu mang ý nghĩa về duyên số. Hình ảnh miếng trầu gắn liền với niềm vui và giá trị đạo đức trong văn hóa Việt Nam. Qua đó, Hồ Xuân Hương đã thể hiện khao khát về hạnh phúc lứa đôi. “Mời trầu” không chỉ là một cái tên, mà còn là một cách bộc lộ chủ đề chính của tác phẩm. Bài thơ phản ánh tâm hồn thi sĩ, niềm khao khát hạnh phúc và tình cảm vợ chồng của Hồ Xuân Hương.

Bài thơ mở đầu với hình ảnh miếng trầu:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

Trong câu thơ, nhà thơ lấy cái hồn của dân tộc Việt Nam, là sự thanh cao của quả cau, miếng trầu keo sơn để nói về tình yêu đôi lứa. Miếng trầu, với quả cau và lá trầu, tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp của sự hòa quyện và tinh tế. Hình ảnh của miếng trầu không chỉ là hình ảnh bên ngoài, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Những miếng trầu với là trầu tươi xanh chứa đựng trong đấy tấm chân tình người trao đi. Sự nhỏ bé của quả cau giống như sự nhỏ bé của thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Thế nhưng, nó cũng làm nổi bật vẻ đẹp và sự quý phái của người phụ nữ. Miếng trầu hôi không phải vì nó có mùi hôi, mà bởi lá trầu vốn cay nồng, tạo nên một hương vị đặc trưng. Hình ảnh miếng trầu có ngàn năm tuổi thể hiện nguyện ước và khát khao lứa đôi của nữ thi sĩ. 

“Này của Xuân Hương mới quệt rồi”

Từ "này" như sự mời gọi và xưng danh của nữ sĩ.  Miếng trầu ấy, Xuân Hương quệt rồi. Miếng trầu vừa quệt xong vẫn giữ nguyên vẻ tươi xanh, ngọt bùi, không khác gì miếng trầu bình thường về hình thức, nhưng lại chứa đựng biết bao tâm sự và nỗi lòng của người con gái kia. Từ “quệt” là một động từ độc đáo, được dùng để thể hiện cái tôi mạnh mẽ, đầy cá tính của bà. Chính điều này khiến cho độc giả cảm thấy thích thú, và càng thêm yêu hơn cái quệt dễ thương, thấm đẫm sự tình ý này. Miếng trầu ấy là miếng trầu của sự khao khát hạnh phúc lứa đôi.

Sang hai câu thơ tiếp theo, thi sĩ muốn:

Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá bạc như vôi

Bài thơ "Mời trầu" của Hồ Xuân Hương thể hiện sự khao khát một tình yêu chân thật và hạnh phúc lứa đôi. Câu thơ "Có phải duyên nhau thì thắm lại" phản ánh niềm tin của nhà thơ vào ý nghĩa của duyên phận trong tình yêu. Duyên phận được xem là sức mạnh vô hình, gắn kết những người có yêu nhau, tạo nên những mối liên kết đặc biệt. Không có duyên, tình yêu có thể trở nên phai nhạt và khó khăn. Bằng cách nói về "duyên nhau," Xuân Hương như muốn nhấn mạnh rằng tình yêu thật sự chỉ đẹp và thắm khi có sự kết nối đặc biệt này.

Trong bài thơ “Mời trầu” hình ảnh lá trầu và vôi được sử dụng một cách tinh tế để miêu tả nguyện ước về một tình yêu tốt đẹp và lâu dài. Lá trầu, với màu sắc xanh tươi gắn liền với những niềm vui trong cuộc sống và đặc biệt trong lễ cưới. Trong khi đó, màu trắng bạc của vôi lại thể thể hiện sự già cỗi và nhàm chán. Tuy nhiên, việc bày tỏ mong muốn "bén lại chứ đừng bạc như vôi" là cách Xuân Hương thể hiện niềm hi vọng và khát khao một tình yêu trẻ trung và tươi mới. Trong văn hóa Việt, người ta thường mời trầu trong các dịp lễ cưới để đánh dấu sự hạnh phúc và thắm thiết. Vậy nên, nhà thơ muốn thông qua hình ảnh này bộc lộ mong muốn về sự hạnh phúc và trường tồn.

Hồ Xuân Hương đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong văn hóa Việt để tạo nên một bức tranh tình yêu chân thật. Qua đó, bộc lộ mong muốn được sống trong hạnh phúc và tràn đầy niềm vui, không bị nhạt nhòa và nhàm chán như lá vôi bạc. "Mời trầu" không chỉ là một bài thơ đơn thuần về duyên phận, mà còn là bức tranh tâm hồn của Hồ Xuân Hương với khao khát hạnh phúc và tình yêu chân thật.

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 8 Cánh diều, trọn bộ đề thi Ngữ văn 8 cánh diều, đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 8 Cánh diều:

Bình luận

Giải bài tập những môn khác