Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một lễ hội của quê hương.
Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương trình Tiếng Việt lớp 5 bộ kết nối tri thức. Có nhiều bài viết hay khác nhau để các em tham khảo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một lễ hội của quê hương.
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bài mẫu 1: Hội Lim.
“Quai thao nâng dải lụa đào / Trầu têm cánh phượng em vào hội Lim”. Hàng năm, cứ vào ngày 13 tháng Giêng, người người lại đổ về Tiên Du (Bắc Ninh) để tham dự một lễ hội đặc sắc ở nơi đây – Hội Lim. Xuân năm nay em vô cùng vui sướng khi được bố mẹ dẫn đi xem hội vì đã đạt được danh hiệu học sinh xuất sắc trong học kì I. Sau khoảng hơn một tiếng di chuyển, gia đình em đã tới được nơi tổ chức lễ hội. Không gian rộng lớn, khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập người qua lại khiến em càng thêm háo hức, mong chờ được tham gia hội Lim. Giờ khai hội vừa điểm, tiếng chiêng tiếng trống nổi lên sôi động, khói hương thắp nghi ngút khắp cả sân đình. Tất cả các bô lão mặc áo thụng xanh, đầu đội khăn đóng cung kính cẩn dâng hương hoa, lễ vật lên thần linh. Náo nhiệt và vui nhất của lễ hội Lim chính là các trò chơi dân gian. Em hào hứng nắm tay bố mẹ theo dõi những trận đấu vật gay cấn, phấn khích cổ vũ các đội thi dệt, thi nấu cơm,...Và ấn tượng với em hơn cả chính là tiết mục hát dân ca giao duyên. Trên một hồ nước nhỏ, chiếc thuyền rồng được trang trí bắt mắt chính là sân khấu của những nghệ sĩ dân gian tài hoa. Các liền chị da trắng má hồng duyên dáng trong chiếc áo tứ thân, liền anh đĩnh đạc với áo the khăn xếp cùng nhau cất cao những câu hát nghĩa tình, ngọt ngào, đằm thắm. Đến tận lúc ra về, em vẫn còn nuối tiếc sao mà thời gian trôi nhanh quá. Hội Lim là truyền thống quý báu được giữ gìn và lưu truyền suốt bao đời nay của tỉnh Bắc Ninh. Qua trải nghiệm đáng giá này, em càng thêm yêu quý văn hoá của đất nước và mong muốn sẽ được quay trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa.
Bài mẫu 2: Lễ hội đua thuyền.
Lễ hội đua thuyền là một lễ hội đặc trưng mang hồn cốt dân tộc Việt Nam. Em đã có lần được xem lễ hội đua thuyền vô cùng đặc sắc. Lễ hội được tổ chức trong khuôn viên có một chiếc hồ lớn phù hợp để diễn ra. Những chiếc thuyền rồng bằng gỗ được điêu khắc tinh xảo và sơn màu rực rỡ. Có chiếc màu vàng, có chiếc màu đỏ, có chiếc màu xanh, tùy vào sở thích của mỗi đội. Những người điều khiển thuyền cũng mặc những bộ quần áo đặc trưng và vô cùng rực rỡ. Khi người phất cờ báo tín hiệu các đội bắt đầu cuộc đua. Thì những cánh tay khỏe mạnh bắt đầu rồng lên để chèo lái chiếc thuyền về phía trước. Thoăn thoắt, những chiếc thuyền lao lên phía trước. Cuộc đua diễn ra vô cùng gay cấn vì các đội vô cùng ngang sức ngang tài. Nhưng cuối cùng cũng có đội nhỉnh hơn và dành chiến thắng. Sau đó, tất cả đều nở nụ cười vì đây chỉ là cuộc chơi và họ đã cố gắng hết mình. Đua thuyền là cần tinh thần đồng đội cao, nỗ lực của tất cả mọi người. Lễ hội đua thuyền không chỉ mang tính giải trí mà nó còn mang giá trị nhân văn và dạy dỗ sâu sắc cho mỗi chúng ta.
Bài mẫu 3: Hội thi thả diều
Cứ tới rằm tháng ba hàng năm, người dân làng Bá Dương Nội quê em lại nô nức tham gia hội thi thả diều. Theo lời bà kể, lễ hội này tổ chức để tưởng nhớ công ơn của tướng Nguyễn Cả, người con của làng đã có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Vì vậy, ngay từ sáng sớm, những người dự thi và khán giả đã đứng chật sân đình. Nhìn lên bầu trời, hàng trăm chiếc diều với nhiều hình dáng và màu sắc đang đua nhau bay lượn. Tiếng sáo diều trầm bổng, hòa quyện tạo thành một bản nhạc vi vút suốt cả ngày. Diều nào bay cao nhất, âm thanh ngân vang nhất sẽ giành chiến thắng. Em rất yêu thích và tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bình luận