Tóm tắt kiến thức ngữ văn 8 kết nối bài 7: Thực hành tiếng việt: Biện pháp tu từ và nghĩa của từ

Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 kết nối tri thức bài 7: Thực hành tiếng việt: Biện pháp tu từ và nghĩa của từ. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

I. LÝ THUYẾT

1. Đặc điểm của biện pháp tu từ nhân hóa, hoán dụ, điệp ngữ

  • Nhân hoá: là phép tu từ gọi hoặc tả đồ vật, cây cối, con vật… bằng các từ ngữ thường được sử dụng cho chính con người như suy nghĩ, tính cách giúp trở nên gần gũi, sinh động, hấp dẫn, gắn bó với con người hơn.

Ví dụ: Chú công khoác lên mình bộ áo lộng lẫy bảy sắc màu

  • Hoán dụ: là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt

Ví dụ:

   Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.

                           (Hoàng Trung Thông)

=> Bàn tay: vốn là một bộ phận mà con người dùng nó để lao động, ở đây dùng để chỉ những người lao động, sức lao động

  • Điệp ngữ: là biện pháp tu từ trong đó tác giả lặp lại một từ, một cụm từ hoặc toàn bộ câu với một dụng ý cụ thể nhằm tăng tính biểu cảm cho đoạn văn, bài thơ.

Ví dụ: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập." (Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh)

=> Cụm từ "Một dân tộc" được lặp lại mang ý nghĩa liệt kê. Thể hiện các đặc điểm đã thực hiện, đã gan góc trong thời kì kháng chiến.

"Dân tộc đó phải" được lặp lại 2 lần mang ý nghĩa khẳng định. Đây là điều chắc chắn, một sự thật hiển nhiên "phải được độc lập" dành cho một dân tộc kiên cường bất khuất. Tự do, độc lập phải được thể hiện mạng ý nghĩa tất yếu cho dân tộc, thể hiện lòng yêu nước, sự dũng cảm đấu tranh giành độc lập.

2. Nghĩa của từ ngữ

Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ....) mà từ biểu thị.

II. HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP SGK

1. BÀI TẬP 1

a. Trong dòng thơ Súng bên súng đầu sát bên đầu, biện pháp tu từ điệp ngữ (“súng”, “đầu” , “bên”) và hoán dụ (súng, đầu) đã được nhà thơ sử dụng để khắc hoạ hình ảnh những người lính kề vai sát cánh bên nhau cùng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Đây cũng là một biểu tượng của tình đồng chí giữa những người lính trong thời kì kháng chiến giành độc lập dân tộc

b. Biện pháp tu từ trong câu Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính

  • Nhân hóa: giếng nước “nhớ”, diễn tả tình thương nỗi nhớ của quê hương, gia đình dành cho người đi xa
  • Hoán dụ: Dùng bộ phận để gọi cái cụ thể "giếng nước", "gốc đa" để nói về quê hương, người thân của những người lính.

Hai dòng thơ làm nổi bật tâm trạng của người lính: Các anh ra đi với một ý chí quyết tâm mạnh mẽ, dứt khoát nhưng trong lòng không thôi xót xa vì người thân vẫn còn sống trong hoàn cảnh nghèo khó. Tâm tư thầm kín đó chỉ có những người đồng chí cùng cảnh ngộ mới có thể thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ

2. BÀI TẬP 2

Từ đồng nghĩa với từ “đôi”: hai, cặp,... Tuy nhiên trong ngữ cảnh cụ thể này, từ hai không thể thay thế cho từ đôi. Vì ngoài nghĩa chỉ số lượng giống từ hai, từ đôi còn có nghĩa chỉ hai cá thể tương ứng với nhau và làm thành một đơn vị thống nhất về vai trò, chức năng, không thể tách rời. Trong ngữ cảnh câu thơ, từ đôi được dùng để chỉ hai người có sự tương đồng (tương đồng về hoàn cảnh, chung chí hướng, lí tưởng), có chung một nhiệm vụ (chiến đấu giành độc lập cho đất nước)

3. BÀI TẬP 3

a. Nét chung về nghĩa của 2 cụm từ in đậm nước mặt đồng chua và đất cày lên sỏi đá: cùng chỉ những miền quê nghèo, thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống con người khó khăn, vất vả

b. Nét chung về nghĩa đó cho thấy sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân giữa những người lính. Đó là một yếu tố giúp người xa lạ gắn bó thành bạn tâm giao tri kỉ bởi sự tương đồng về hoàn cảnh giúp họ thấu hiểu, cảm thông cho nhau. Qua hai cụm từ đó, người đọc cũng cảm thấy sự xúc động, niềm cảm thông của nhà thơ trước hoàn cảnh sống của những người lính vốn là nông dân chân lấm tay bùn

c. Cụm từ đất cày lên sỏi đá gợi liên tưởng đến thành ngữ Chó ăn đá, gà ăn sỏi, ý chỉ nơi đất đai khô cằn, khó canh tác.

4. BÀI TẬP 4

Trong các từ xa lạ, tri kỉ, lung lay, từ lung lay là từ láy.

=> Tác dụng của việc sử dụng từ láy lung lay: lung lay nghĩa là lỏng lẻo, rung lắc, nghiêng bên này nghiêng bên kia, không giữ nguyên thế đứng thẳng. Trong bài thơ Đồng chí, từ lung lay được dùng để miêu tả tình trạng đã cũ, không vững chãi và rung lắc mỗi khi có gió thổi mạnh của gian nhà trống trải, lâu ngày không được tu sửa tại quê nhà của người lính. Từ đó nói lên nỗi niềm xót xa thầm kín của người lính khi đi xa, để lại người thân chật vật lo toan cuộc sống vất vả, thiếu thốn nơi quê nhà.

 

Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức văn 8 KNTT bài 7 Thực hành tiếng việt: Biện pháp tu từ và nghĩa của từ, kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 kết nối bài 7: Thực hành tiếng việt: Biện pháp tu từ và nghĩa của từ, Ôn tập văn 8 kết nối bài Thực hành tiếng việt: Biện pháp tu từ và nghĩa của từ

Bình luận

Giải bài tập những môn khác