Tóm tắt kiến thức ngữ văn 10 cánh diều bài 7: Đất nước
Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 10 cánh diều bài 7: Đất nước. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Khái niệm thơ tự do
- Thơ tự do khác với thơ cách luật, không có thể thức nhất định, không bị ràng buộc về số dòng, số chữ, vần,...
- Khác với thơ văn xuôi, thơ tự do là thơ có phân dòng. Bài thơ tự do có thể là sự kết hợp của các đoạn làm theo nhiều thể khác nhau hoặc tự do hoàn toàn.
- Thơ tự do xuất hiện do nhu cầu giải phóng cảm xúc khỏi sự ràng buộc chặt chẽ của các quy tắc về hình thức, phản ánh được những khía cạnh mới của cuộc sống đa dạng, thể hiện những cái nhìn nghệ thuật mới của nhà thơ.
2. Đặc điểm
- Nhân vật trữ tình
- Là người trực tiếp bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ,... trong bài thơ. Đó là một người hoặc một giọng nào đó nói với người đọc những cảm nhận, rung động, suy tư,... của bản thân về con người và cuộc sống.
- Hình ảnh trong bài thơ hiện lên qua việc tác giả sử dụng các từ ngữ (tượng thanh, tượng hình, từ láy,...) và các biện pháp tu từ gợi cho người đọc cảm nhận về bức tranh đời sống thông qua các giác quan (thị giác, thính giác,...); giúp nhà thơ miêu tả sống động hoặc truyền tải cảm xúc, tư tưởng mạnh mẽ.
- Cảm hứng chủ đạo trong thơ là trạng thái cảm xúc, tình cảm mãnh liệt, tràn đầy, bao trùm, xuyên suốt tác phẩm, gắn với một tư tưởng, một cách đánh giá của tác giả. Thường có những dạng cảm hứng chủ đạo như: cảm hứng anh hùng, tự hào, bi thương, trào lộng,...
3. Tác giả, tác phẩm:
a. Tác giả
- Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là một nghệ sĩ đa tài, trưởng thành trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp
- Đặc điểm thơ: vừa tự do phóng khoáng; vừa hàm súc, sâu lắng, suy tư; có những tìm tòi theo xu hướng hiện đại
- Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về VH-NT (1996)
b. Tác phẩm:
- Bài thơ Đất Nước tiêu biểu cho sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Đình Thi
- Hoàn cảnh ra đời: trong kháng chiến chống Pháp, bài thơ được tác giả suy ngẫm, sáng tác từ 1948 – 1955; kết hợp từ hai bài thơ Sáng mát trong (1948) và Đêm mít tinh (1949); đoạn cuối hoàn thành sau chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
3. Đọc văn bản
- PTBĐ: biểu cảm
- Bố cục: chia 2 phần
+ Phần đầu (khổ 1 + 2 + 3): Từ hoài niệm về những ngày thu Hà Nội trong quá khứ đến xúc cảm về mùa thu hiện tại của đất nước
+ Phần sau (khổ 4 – 10): Cảm xúc về đất nước đau thương, anh dũng.
- Cảm hứng chủ đạo: suy ngẫm về đất nước trong chiến tranh đau thương nhưng anh dũng, bất khuất.
II. TÌM HIỂU CHI TIẾT
1. Mùa thu đất nước
a. Mùa thu Hà Nội trong quá khứ:
* Thiên nhiên:
- Hình ảnh: sáng mát trong, gió, hương cốm, lá rơi, thềm nắng
- Biện pháp tu từ: so sánh, liệt kê
- Từ ngữ: từ láy tượng thanh xao xác, từ ngữ gợi hình gợi cảm chớm lạnh, hơi may…
- Những “tín hiệu” gợi nhớ (3 câu đầu): không khí mái trong, làn gió nhẹ và hương cốm đầu mùa đánh thức nỗi nhớ của nhân vật trữ tình về “những ngày thu đã xa”.
=> Đây đều là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, đặc trưng của mùa thu, vừa gợi không gian, vừa gợi màu sắc, hương vị.
+ Hình ảnh mùa thu Hà Nội trong hoài niệm hiện ra thật đẹp, phảng phất nỗi buồn trong sáng, thể hiện những rung cảm tinh tế của nhà thơ.
* Con người
- Hình ảnh "Người ra đi đầu không ngoảnh lại / Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" tạo cho bức tranh “những ngày thu đã xa" của Hà Nội chất chứa tâm trạng bâng khuâng, lưu luyến, dồn nén cảm xúc.
- Hình ảnh con người:
“Người ra đi / đầu không ngoảnh lại
Sau lưng / thềm nắng / lá rơi đầy”
- Tư thế “ra đi", “đầu không ngoảnh lại”, bề ngoài như tỏ ra lạnh lùng, quyết tâm, dứt khoát chia tay với Hà Nội để lên đường vì nghĩa lớn nhưng dường như vẫn nghe thấy tự trong lòng mình, “trong lòng Hà Nội" những “xao xác" vấn vương, vẫn hình dung ra cả Hà Nội đang thu đẹp và buồn vắng đến nao lòng phía “sau lưng”.
=> Lưu luyến, yêu quê hương, quyết tâm ra đi vì lí tưởng. Qua đó thể hiện nỗi buồn trong sáng lặng lẽ về Hà Nội của những “ngày thu đã xa”.
+ Không gian Hà Nội đẹp và buồn vắng đến nao lòng, khép lại kí ức hoài niệm về “những ngày thu đã xa”: “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
=> Câu thơ gợi ra màu sắc, ánh sáng, cũng là tâm cảnh. Màu vàng của nắng thu. Màu vàng của lá thu “rơi đầy” những con phố vắng. Và một phần tâm hồn của “người ra đi” đã gửi lại phía “sau lưng”.
+ Khổ thơ hoài niệm về Hà Nội được viết bằng thể thơ thất ngôn, có nhạc điệu riêng, trầm lắng, lơ lửng, bâng khuâng, với những từ ngữ, hình ảnh đặc trưng, thể hiện sự cảm nhận tinh tế, những gắn bó sâu sắc cùng tình yêu thiết tha dành cho Hà Nội của nhà thơ.
=> mùa thu đặc trưng Hà Nội: thơ mộng, vắng lặng, đượm buồn.
b. Mùa thu Việt Bắc ở hiện tại:
- Cảm hứng mùa thu gắn liền với cảm hứng về đất nước, mùa thu đất trời gắn liền với mùa thu CM.
- Mùa thu CM tươi đẹp, sôi nổi tràn đầy sức sống; mùa thu độc lập, tự chủ…
- Cảm xúc tươi vui, náo nức, phấn khởi, niềm tự hào, ý thức làm chủ, sự suy tư sâu lắng của nhân vật trữ tình về đất nước trong “mùa thu nay”.
+ Cảnh thu hiện lên với những hinh ảnh mới mẻ: núi đồi, rừng tre, bầu trời thu trong biếc, “Những cánh đồng thơm mát", “Những ngả đường bát ngát”, “Những dòng sông đỏ nặng phù sa”. - Tình thu náo nức, tươi vui. Vui trong tiếng reo của nhân vật trữ tình "Mùa thu nay khác rồi". Con người sảng khoái đứng giữa trời đất lồng lộng tự do mà nghe thấy niềm vui dâng lên từ trong lòng người rồi lan tỏa ra cảnh vật: “Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi”. “Vui nghe” là niềm vui tử lòng người, khác với “nghe vui” là từ ngoại cảnh dội lại.
- Niềm vui hoá thành hình ảnh “phấp phới” của rừng tre reo vui trong nắng, mang cái phấn chấn của lòng người. Niềm vui gợi cảm nhận bầu trời thu như được “thay áo mới”, xanh hơn, đẹp hơn, mới mẻ, tươi sáng, “trong biếc” hơn. Tác giả không chỉ gợi tính chất của màu sắc mà còn gợi ấn tượng cà về âm thanh “Trong biếc nói cười thiết tha” của “mùa thu nay".
- Khổ thơ còn thể hiện tình yêu mến, niềm tự hào, ý thức làm chủ và những suy tư sâu lắng về đất nước. à Đây là những xúc cảm rất mới mẻ của thơ ca kháng chiến.
- Nghệ thuật:
+ Điệp ngữ: Những câu thơ mang ý khẳng định mạnh mẽ, các điệp ngữ “của chúng ta” vang lên dõng dạc, tự tin, nhân vật trữ tình xưng “chúng ta”, các từ chỉ định gắn với các hình ảnh của đất nước (trời xanh đây, núi rừng đây) cho thấy ý thức làm chủ của con người.
=> Đây cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ ca kháng chiến nói chung.
+ Biện pháp liệt kê cùng các từ ngữ miêu tả đi kèm (“Những cánh đồng thơm ngát", "Những ngả đường bát ngát”, “Những dòng sông đỏ nặng phù sa”) như còn muốn mở ra vô vàn những vẻ đẹp trù phú, xanh tươi của đất nước nay đã thuộc về ta, “của ta”.
+ Sự phối hợp của các câu thơ dài ngắn với nhịp điệu biến đổi, các phối hợp vần (a/ a/ aư at/ a/ a) tạo nên âm hưởng tự hào như ngân lên, mở ra không dứt.
Nhận xét:
- Ở phần đầu bài thơ, cảm nhận về đất nước của nhân vật trữ tình gắn với hình ảnh “những ngày thu đã xa” của Hà Nội trong quá khứ, đẹp mà đượm buồn và “mùa thu này” nơi núi rừng Việt Bắc say sưa niềm vui, niềm tự hào và ý thức làm chủ, tinh thần trách nhiệm với non sông. Bắt đầu từ mùa thu nay để nhớ về mùa thu xưa nhưng cảnh thu và tình thu đều rất khác.
Bức tranh thu: đẹp, tươi vui, tràn đầy sức sống.
⇒ Cảm xúc tác giả: vui sướng, tự hào về quyền làm chủ đất nước tươi đẹp và giàu truyền thống lịch sử.
*Sự chuyển biến cảm xúc của nhân vật trữ tình:
- Mùa thu xưa: trầm lắng, bâng khuâng hoài niệm, buồn
- Mùa thu nay: sôi nổi, say sưa, vui sướng tự hào.
=> Gắn với sự chuyển biến tất yếu của hiện thực CM, của lịch sử đất nước: từ đất nước mất chủ quyền đã trở thành đất nước độc lập
2. Đất nước trong đau thương mà quật cường anh dũng
a. Đất nước trong đau thương
- Hình ảnh: Cánh đồng quê – chảy máu’ Dây thép gai – đâm nát trời chiều; Bát cơm chan đầy nước mắt; Đứa đè cổ – đứa lột da.
=> Hình ảnh chọn lọc, vừa tả thực vừa khái quát
+ Biện pháp: Liệt kê, nhân hóa, đối lập
+ Giọng điệu: xót xa
=> Cảm xúc tác giả: đau buồn, xót xa căm hờn, gửi gắm tình yêu tha thiết đối với đất nước.
b. Đất nước quật khởi:
- Hình ảnh: Ôm đất nước, người áo vải- thành anh hùng: gốc lúa, bờ tre- tiếng căm hờn
“Từ những năm đau thương chiến đấu…Đã bật lên những tiếng căm hờn”
“Xiềng xích chúng bay…Lòng dân ta yêu nước thương nhà”- Biện pháp tu từ: Liệt kê, nhân hóa, ẩn dụ
- Giọng điệu: mạnh mẽ, hào hùng
=> Đất nước đầy uất hận, bật lên nỗi căm hờn, biết vượt qua đau thương để chiến đấu và chiến thắng. Cảm xúc tác giả: tự hào, tràn đầy niềm tin và tinh thần lạc quan.
* Hình tượng đất nước trong khổ thơ cuối: Bức tượng đài hiên ngang, hào hùng, rạng rỡ:
+ Hình thức thể hiện: thơ 6 chữ cô đúc, rắn rỏi.
+ Hình ảnh thực tế được nhân hoá, khái quát hoá, kết hợp với sự linh hoạt, nhuần nhị trong việc đưa thành ngữ “tức nước vỡ bờ” vào thơ.
+ Giọng điệu hào hùng, sảng khoái, tràn đầy niềm tự hào
=> Tạo nên vẻ đẹp hào hùng, tráng lệ về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đoạn thơ đã khái quát được sức vươn dậy thần kỳ của dân tộc Việt Nam chúng ta.
III. TỔNG KẾT
1. Nội dung – ý nghĩa
- Bài thơ đã dựng lên một tượng đài Đất nước gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam.
- Từ mùa thu của thiên nhiên, nhà thơ thể hiện niềm vui sướng và tự hào của con người được làm chủ đất nước và khẳng định sức sống của dân tộc. Đất nước thật hùng vĩ, thiêng liêng trang trọng vĩ đại và anh hùng.
2. Nghệ thuật
- Hình ảnh thơ vừa cụ thể vừa khái quát cao, mang đậm lối tư duy và màu sắc hiện đại.
- Ngôn ngữ lắng đọng, cô đúc
- Sử dụng sáng tạo, phong phú các biện pháp tu từ.
- Thể thơ tự do, nhịp điệu khi nhanh chi chậm. Kết hợp với việc lựa chọn sử dụng hình ảnh có tính khái quát cao phù hợp với việc diễn tả nội dung tư tưởng và mạch cảm xúc của tác giả.
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bình luận