Giải bài tập làm văn nghe - kể: Không nỡ nhìn
Tiếng Việt 3 tập 1, Giải bài tập làm văn nghe - kể: Không nỡ nhìn. Phần dưới sẽ hướng dẫn trả lời và giải đáp các câu hỏi trong bài học. Cách làm chi tiết, dễ hiểu. Hi vọng các em học sinh nắm tốt kiến thức bài học.
Câu 1. Nghe và kể lại câu chuyện Không nỡ nhìn?
Gợi ý:
a. Anh thanh niên làm gì trên chuyến xe buýt ?
b. Bà cụ ngồi bên cạnh hỏi anh điều gì ?
c. Anh trả lời thế nào ?
d. Em có nhận xét gì về anh thanh niên?
Trả lời:
a. Anh thanh niên đã ngồi hai tay ôm mặt trên xe buýt
b. Bà cụ ngồi bên cạnh hỏi anh: Cháu nhức đầu à ? Có cần dầu xoa không ?
c. Anh trả lời:
- Cháu không nỡ ngồi nhìn các cụ già và phụ nữ phải đứng.
d. Em nhận thấy, anh thanh niên:
- Anh thanh niên là đàn ông mà không biết nhường chỗ ngồi cho cụ già và phụ nữ.
- Anh thanh niên ích kỉ, không muốn nhường chỗ ngồi cho người khác lại giả vờ lịch sự.
- Anh không nỡ nhìn người già và phụ nữ đứng thì anh thanh niên nên đứng lên nhường chỗ.
Kể chuyện: Không nỡ nhìn
Hằng ngày, em được thầy cô, bố mẹ kể cho nhiều câu chuyện khác nhau. Mỗi câu chuyện để lại cho em những bài học sâu sắc và ý nghĩa. Và câu chuyện "Không nỡ nhìn" mà cô giáo vừa kể xong cũng là một trong những câu chuyện như vậy. Mời các bạn cùng nghe:
Trên chuyến xe buýt đông người, những hàng ghế đã chật kín hết. Ngay cả người già cũng không có chỗ để ngồi. Bỗng có anh thanh niên ngồi trên ghế, lấy hai tay ra ôm mặt. Thấy lạ, bà cụ ngồi cạnh liền hỏi:
- Cháu nhức đầu à? Cần xoa dầu không? Cụ có mang theo dầu đây.
Anh thanh niên liền nói khẽ:
- Không ạ! Cháu không nỡ ngồi nhìn các cụ già và phụ nữ phải đứng.
Câu chuyện đã nói lên sự thờ ơ của anh thanh niên nọ. Anh thiếu quan tâm và không nhường ghế cho các cụ già, phụ nữ nhưng lại giả nhân, giả nghĩa. Câu chuyện cũng thể hiện lòng nhân ái của bà cụ trên xe.
=> Qua câu chuyện này em rút ra bài học: Chúng ta cần có nếp sống văn minh nơi công cộng
Câu 2. Hãy cùng các bạn trong tổ mình tổ chức một cuộc họp :
Gợi ý về nội dung cuộc họp: trao đổi về trách nhiệm của học sinh trong cộng đồng.
Ví dụ:
- Tôn trọng luật đi đường.
- Bảo vệ của công.
- Giúp người có hoàn cảnh khó khăn
Trả lời:
1. Lí do và mục đích cuộc họp.
Thưa các bạn ! Hôm nay tổ chúng ta họp bàn về việc giúp người có hoàn cảnh khó khăn, và cụ thể đó là gia đình bạn Ngọc Mai của chi đội chúng ta.
2. Tình hình gia đình bạn Ngọc Mai
Như chúng ta đã biết, gia đình ban Ngọc Mai có hoàn cảnh rất khó khăn. Bố bạn bị bệnh tâm thần mấy năm nay, không có sức lao động nuôi gia đình. Mẹ bạn Mai một mình đi lao động thuê để nuôi Mai ăn học và người bố bệnh tật. Nhiều hôm, Mai đã phải nghỉ học để phụ mẹ bắt cua, ốc, cá kiếm thêm tiền.
3. Hình thức giúp đỡ
Trước hoàn cảnh khó khăn của bạn, chúng ta là những người bạn cùng lớp, chúng ta hãy cùng chung tay, giúp đỡ dù một phần nhỏ nhoi để khích lệ bạn vươn lên trong cuộc sống và vươn lên trong học tập. Như vậy:
- Mỗi bạn sẽ trích 50.000 tiền sinh hoạt của mình để ủng hộ bạn
- Lớp trích ra một khoản tiền quỹ để mua một món quà nhỏ tặng gia đình bạn Mai.
- Cán bộ lớp thu tiền đầy đủ từ các bạn và gửi lại cô giáo, cuối tuần đại diện lớp đến nhà Mai trao quà giúp đỡ bạn.
4. Phân công.
Trên đây là toàn bộ kế hoạch giúp đỡ gia đình bạn Mai có hoàn cảnh khó khăn. Mong các bạn trong lớp đều hưởng ứng nhiệt tình để giúp đỡ bạn Mai vượt qua khó khăn.
Bình luận