Video giảng sinh học 10 kết nối bài 16: chu kì tế bào và nguyên phân

Video giảng sinh học 10 kết nối bài 16: chu kì tế bào và nguyên phân. Các kiến thức được truyền tải nhẹ nhàng, dễ hiểu. Các phần trọng tâm sẽ được nhấn mạnh, giảng chậm. Xem video, học sinh sẽ dễ dàng hiểu bài và tiếp thu kiến thức nhanh hơn. 

Bạn chưa đủ điều kiện để xem được video này. => Xem video demo

Tóm lược nội dung

CHƯƠNG 5. CHU KÌ TẾ BÀO VÀ PHÂN BÀO

BÀI 16. CHU KÌ TẾ BÀO VÀ NGUYÊN PHÂN

Mến chào các em học sinh thân yêu!

Thông qua video này, các em sẽ nắm được các kiến thức và kĩ năng như sau:

  • Nêu được khái niệm chu kì tế bào. Dựa vào sơ đồ, trình bày được các giai đoạn và mối quan hệ giữa các giai đoạn trong chu kì tế bào.
  • Dựa vào cơ chế nhân đôi và phân li của NST để giải thích được quá trình nguyên phân là cơ chế sinh sản của tế bào.
  • Giải thích được sự phân chia tế bào một cách không bình thường có thể dẫn đến ung thư.
  • Trình bày được một số thông tin về bệnh ung thư ở Việt Nam. Nêu được một số biện pháp phòng tránh ung thư.

HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG

Trước khi vào bài, cô có câu hỏi muốn tất cả chúng ta cùng suy nghĩ và trả lời: Theo em, tế bào ung thư được hình thành như thế nào? Các em có biết làm thế nào cơ thể chúng ta nhận biết được các tế bào ung thư?

HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC

Nội dung 1: Tìm hiểu về chu kì tế bào

Để hệ thống lại kiến thức một cách khoa học và rõ ràng nhất, bây giờ chúng ta cùng trả lời những câu hỏi sau:

  • Chu kì tế bào là gì? Mô tả các sự kiện chính của chu kì tế bào. 
  • Kì trung gian là gì? Nêu tên và chức năng của các pha trong kì trung gian. 
  • Hãy cho biết các giai đoạn của chu kì tế bào có mối quan hệ với nhau như thế nào?
  • Điểm kiểm soát chu kì tế bào là gì? Giải thích vai trò của các điểm kiểm soát chu kì tế bào.

Video trình bày nội dung:

- Chu kì tế bào là khoảng thời gian từ khi tế bào được sinh ra, lớn lên và phân chia thành hai tế bào con.

- Các sự kiện chính của chu kì tế bào: Chu kì tế bào gồm hai giai đoạn chính: kì trung gian và quá trình nguyên phân.

- Kì trung gian là giai đoạn sinh trưởng chính của tế bào, được chia thành các pha G1, S và G2. Trong đó, pha G1 có sự tăng kích thước tế bào, tổng hợp các bào quan và tổng hợp, tích lũy các chất. Pha S có sự nhân đôi ADN, dẫn đến nhân đôi NST tạo thành NST kép. Pha G2 là pha gia tăng kích thước tế bào và chuẩn bị cho phân chia.

- Quá trình nguyên phân gồm 2 sự kiện chính là phân chia nhân (trải qua 4 kì: kì đầu, kì giữa, kì sau và kì cuối) và phân chia tế bào chất.

- Các giai đoạn của chu kì tế bào có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, việc chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác được hệ thống kiểm soát chu kì tế bào điều khiển một cách nghiêm ngặt, đảm bảo cho chu kì tế bào diễn ra bình thường.

Nội dung 2: Nguyên phân

Trước khi bắt đầu với nội dung số 2, cô muốn chúng ta cùng trả lời những câu hỏi sau:

  • Nguyên phân là gì? Em hãy trình bày quá trình phân chia nhân.
  • Khi nào có sự phân chia tế bào chất?
  • Kết quả của nguyên phân là gì? Nêu ý nghĩa cơ bản của quá trình nguyên phân.

Video trình bày nội dung:

- Nguyên phân là một trong các kiểu phân chia tế bào ở sinh vật nhân thực, xảy ra ở tế bào sinh dưỡng và các tế bào sinh dục sơ khai.

1. Phân chia nhân

- Trước khi bước vào quá trình phân chia nhân, tế bào phải trải qua kì trung gian để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết cho sự phân bào.

- Diễn biến các kì của nguyên phân:

- Kì đầu (2n kép)

+ Màng nhân và nhân con tiêu biến.

+ NST kép bắt đầu co xoắn.

+ Thoi phân bào hình thành.

- Kì giữa (2n kép)

+ NST xoắn cực đại và xếp thành 1 hàng trên mặt phẳng xích đạo.

+ Thoi phân bào đính về 2 phía của NST tại tâm động.

- Kì sau (4n đơn)

+ Mỗi NST kép tách thành 2 NST đơn tại tâm động và di chuyển theo thoi phân bào về 2 cực của tế bào.

- Kì cuối (2n đơn)

+ Màng nhân và nhân con xuất hiện.

+ NST dãn xoắn.

+ Thoi phân bào biến mất.

2. Phân chia tế bào chất

- Ở tế bào động vật: sau khi phân chia nhân hoàn tất, vùng giữa của tế bào dần co thắt lại, chia tế bào thành hai tế bào con.

- Ở tế bào thực vật, việc phân chia tế bào chất được thực hiện khi vách ngăn xuất hiện ở mặt phẳng xích đạo chai tế bào thành 2 tế bào con.

3. Ý nghĩa của nguyên phân

- Kết quả: Từ một tế bào mẹ ban đầu tạo ra hai tế bào con có bộ NST giống nhau và giống hệt mẹ. 

- Ý nghĩa:

+ Đối với sinh vật đơn bào: Nguyên phân là cơ chế sinh sản.

+ Đối với sinh vật đa bào: 

  • Làm tăng số lượng tế bào, giúp cơ thể sinh trưởng và phát triển.
  • Tạo ra tế bào mới giúp tái sinh các mô, cơ quan bị tổn thương.

+ Ở sinh vật đa bào sinh sản sinh dưỡng: Nguyên phân là cơ chế sinh sản đảm bảo sự duy trì ổn định vật chất di truyền qua các thế hệ.

+ Ứng dụng trong nhân giống vô tính: giâm, chiết, ghép cành, nuôi cấy mô có hiệu suất cao.

………..

Nội dung video bài 16: Chu kì tế bào và nguyên phân còn nhiều phần rất hấp dẫn và thú vị. Hãy cùng đăng kí để tham gia học bài và củng cố kiến thức thông qua hoạt động luyện tập và vận dụng trong video.

 

Xem video các bài khác