Viết bài văn kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em đã đọc, đã nghe.

VIẾT 

Đề bài: Viết bài văn kể lại câu chuyện về một nhân vật lịch sử mà em đã đọc, đã nghe. 

Câu 1. Dựa vào dàn ý đã lập ở trang 33, viết bài văn theo yêu cầu của đề bài.


Bài tham khảo 1: 

Để có một đất nước không có chiến tranh, bộ đội và các chiến sĩ, các vị anh hùng của dân tộc đã phải đổ máu để dành lại tự do. Trong những người chiến sĩ dũng cảm đó, có trẻ nhỏ, có thiếu niên, có người trưởng thành.... Và một trong những người anh hùng nhỏ tuổi mà em rất ngưỡng mộ, đó là anh Kim Đồng.

Một lần, sau khi làm nhiệm vụ dẫn cán bộ vào căn cứ, Kim Đồng đang trên đường trở về nhà thì nghe có tiếng động lạ ở trong rừng. Kim Đồng liền rủ Cao Sơn tìm cách báo động cho các anh cán bộ đang ở trong xóm biết. Sau khi quan sát, Kim Đồng đã nhìn thấy bọn lính đang lợi dụng sương mù phục kích trên đường vào xóm và im lặng đợi bắt người. Kim Đồng bảo Cao Sơn lùi về phía sau, chạy về báo cáo. Đợi cho bạn đi rồi, Kim Đồng ngắm kĩ địa hình, để chạy vọt qua suối, lên phía rừng. Như vậy, bọn lính sẽ phải nổ súng hoặc kêu lên. Chúng nó sẽ bị lộ. Quả nhiên, thấy có bóng người chạy, bọn giặc lên đạn và hô: “Đứng lại!”.

Kim Đồng không dừng chân. Giặc bắn theo. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, ngay bờ suối Lê-nin. Hôm ấy là sáng sớm ngày 15 tháng 02 năm 1943. Em rất ngưỡng mộ anh Kim Đồng. Anh đã nêu lên một tấm gương vì cách mạng quên mình, hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ cách mạng. Sự hy sinh đó là tấm gương sáng chói mở đầu cho nhiều gương cao quí khác trong đội ngũ Đội viên Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

Anh Kim Đồng xứng đáng là một người anh hùng. Một người chết cho đân tộc, đã dâng cả đời mình để cứu lấy sự hoà bình, ấm no. Anh sẽ luôn sống mãi trong tâm trí của mỗi người theo năm tháng không bao giờ phai.

Bài tham khảo 2: 

Trong lịch sử kháng chiến của dân tộc Việt Nam, có rất nhiều tấm gương anh dũng đã nằm xuống để đổi lấy hòa bình của dân tộc. Trong đó, không thiếu những anh hùng tuổi còn rất nhỏ, nhưng công lao bỏ ra lại chẳng kém cạnh ai. Tiêu biểu cho những tấm gương đó chính là anh Kim Đồng, một chiến sĩ đã hy sinh khi tuổi còn rất nhỏ. Câu chuyện về tuổi thơ của anh Kim Đồng đã thể hiện được rõ tuổi trẻ nhưng chí lại chẳng nhỏ. Đặc biệt, hình ảnh cậu bé 14 tuổi ngã xuống đã làm rung động rất nhiều người.

Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, quê ở Cao Bằng, anh là một chiến sĩ nhỏ tuổi, một trong những thành viên đầu tiên của Đội thiếu niên Tiền Phong. Những năm đầu trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc, cuộc sống của nhân dân khắp nơi đều khổ cực. Thương nhà, hận giặc, tuy chỉ mới rất nhỏ tuổi nhưng Kim Đồng đã tham gia hoạt động cách mạng. Anh được giao nhiệm vụ làm giao liên, đưa đón những cán bộ chiến sĩ và gửi thư từ.

Một câu chuyện nhỏ vô cùng thú vị về Kim Đồng được Tô Hoài ghi lại khi anh vẫn còn nhỏ là giai đoạn đầu hình thành nên tinh thần căm hận kẻ thù. Truyện Kim Đồng được Tô Hoài ghi lại dưới dạng tác phẩm truyện ngắn, những câu đối thoại và cả khung cảnh, nhân vật đều vô cùng chân thực. Dường như, Tô Hoài đã chính mắt chứng kiến được câu chuyện về người thanh niên trẻ tuổi và dũng cảm đó. 

Câu chuyện bắt đầu khi vẫn còn sớm, khi ba và má của anh vẫn còn sống và khỏe mạnh. Một ngày, bọn lính vào nhà và bắt bố đi lao động. Ba mẹ con ở nhà, tuy còn bé nhưng hai anh em đã biết làm việc giúp mẹ và quan tâm mẹ. Đợi mãi, nhưng Tết ba vẫn chẳng về. Mẹ mới sai hai anh em mang đôi vịt to ra chợ bán, nếu bố về thì vịt nhỏ lớn lên là vừa. Nghe lời mẹ, hai anh em ôm theo đôi vịt dắt nhau ra chợ bán. Anh hai vào trước, bảo Dền đợi anh ở ngoài. Có hai tên lính tới, bắt mất vịt của Dền, bảo mang đi biếu quan. Dền vừa khóc vừa đánh chúng, nhưng chẳng thể đánh lại được. Vừa lúc anh trai đi ra, hai người liền chạy theo để toan đòi lại vịt. Nhưng chẳng tìm được bọn chúng, khắp nơi đều là bọn lính đi giày da, gọi không ai nghe, kêu không ai thấy. Vậy là, trong lời khuyên của các bá gần đó, hai anh em buồn tủi tay trắng ra về. 

Dền tuổi tuy còn nhỏ nhưng lại có sự dũng cảm mà lứa tuổi đó chẳng có được. Anh sẵn sàng đánh lại bọn lính giặc, biết đề phòng bọn xấu xa từng bắt bố mình đi. Chi tiết này có thể được xem là những nguyên nhân khiến cho người anh hùng nhỏ tuổi nuôi lòng căm hận và biết được rằng, sức mạnh của mình không để đánh lại bọn chúng. Câu chuyện về nhân vật anh Kim Đồng đã khiến cho thế hệ trẻ ngày nay khi đọc truyện ý thức được hoàn cảnh sống khó khăn của người dân, cũng thấy được một anh Kim Đồng dũng cảm và mạnh mẽ. Ngày nay, thử hỏi có ai gan dạ và dũng cảm được như cậu bé mười bốn đó?

Anh Kim Đồng là một nhân vật có thực không phải hư cấu, là một người lính cũng là một tấm gương cho hàng triệu thanh thiếu niên noi theo. Qua đây, ta cũng biết ơn những người lính anh dũng đã hy sinh để bảo vệ nền hòa bình của dân tộc. Thế hệ trẻ cần biết ơn, ghi nhớ công lao của họ.

Bài tham khảo 3: 

Dân tộc Việt Nam trong quá khứ và hiện tại luôn rất anh hùng, dũng cảm, kiên trung xây dựng và bảo vệ đất nước. Có rất nhiều những tấm gương người anh hùng đã không tiếc máu xương để bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc. Anh Kim Đồng là một người như vậy.

Kim Đồng là một người dân tộc Tày. Cha mất sớm, anh sống cùng mẹ - một người phụ nữ đảm đang nhưng ốm yếu. Từ nhỏ, Kim Đồng đã dũng cảm, quyết đoán, mạnh mẽ, có tinh thần yêu nước, căm thù giặc. Tuy tuổi còn nhỏ nhưng anh rất hăng hái làm nhiệm vụ giao liên, đưa đón Việt Minh và chuyển thư từ. Anh được bầu làm đại đội trưởng đầu tiên của Đội Nhi đồng cứu quốc. Anh không ngại khó khăn, thử thách, nguy hiểm trên đường làm nhiệm vụ. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh bị giặc Pháp bắn và hi sinh. Khi ấy, anh mới chỉ 14 tuổi.  Đã có rất nhiều bài thơ, bài hát được sáng tác để ghi nhớ công ơn của anh.

Hình ảnh anh Kim Đồng sẽ luôn sáng mãi, là tấm gương cho thanh thiếu niên Việt Nam về tinh thần yêu nước sâu sắc, sự thông minh, gan dạ.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác