Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 11 chân trời sáng tạo bài 3: Lời tiễn dặn

3. VẬN DỤNG (2 câu)

Câu 1: Trong phần 1 của đoạn trích (từ "Quảy gánh qua đồng rộng" đến "khi goá bụa về già"), chàng trai đã dặn cô gái những gì? Hãy so sánh những lời dặn dò ở phần 2 (sau khi bị người chồng hành hạ) với những lời dặn dò ở phần 1 của đoạn trích.

Câu 2: Tại sao có thể nói những lời tiễn dặn tha thiết của chàng trai trong truyện chính là những lời phản kháng tập tục hôn nhân của dân tộc Thái xưa?


Câu 1:

  1. a) Lời tiễn dặn ở phần đầu nổi bật một chữ đợi. Lời dặn dò đó cũng là lời hẹn ước của chàng trai.

– Thời gian chờ đợi được tính bằng mùa vụ: "đợi tới tháng năm lau nở", "Đợi mùa nước đỏ cá về", "Đợi chim tăng ló hót gọi hè",...

– Thời gian chờ đợi được tính bằng cả đời người: "Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông - Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già".

Chàng trai đã ước hẹn chờ đợi cô gái trong mọi thời gian, mọi tình huống. Bước đi của thời gian được diễn tả bằng những hình ảnh quen thuộc, bình thường, thuần phác của cuộc sống dân tộc: tháng năm lau nở, mùa nước đỏ cá về, chim tăng ló hót gọi hè,... Những hình ảnh đó đã phần nào phác hoạ tình cảm chân thực, bền chắc của chàng trai dân tộc Thái.

Tuy nhiên, đợi có nghĩa là chấp nhận thực tại không thể gần gũi, gắn bó; đợi nghĩa là chỉ còn hi vọng ở tương lai. Lời dặn dò đó thể hiện tình nghĩa thuỷ chung, tình yêu sâu sắc, bất tử của chàng trai, đồng thời cũng thể hiện thái độ bất lực, đành chấp nhận tập tục, chấp nhận cuộc hôn nhân do cha mẹ hai bên định đoạt.

  1. b) Những lời tiễn dặn ở phần 2 của đoạn trích

- Theo phong tục hồn nhiên và giàu nhân văn của người Thái, nếu đôi nam nữ yêu nhau mà không lấy được nhau, họ sẽ thành anh em bè bạn, gần thì thỉnh thoảng thăm nhau, xa xôi thì hằng năm có những phiên chợ tình, họ tìm về chơi chợ, gặp gỡ chia sẻ vui buồn cùng nhau. Chàng trai trong truyện thơ này tiễn người yêu về tận nhà chồng, ở lại đó một thời gian, dặn dò cô "hết lời hết lẽ" để mong cô thành người dâu thảo:

Bậc thang cuối nhà chồng, chớ ngồi, Ghế chị chồng ngồi, chớ đụng,

Anh chồng đẹp, đừng lả lơi,

Không phải bạn tình, đừng ngấp nghé,

Giã gạo đừng chửi lợn,

Chăn lợn đừng chửi gà...

- Nhưng đến thăm nhà chồng cô gái, anh bị đặt vào hoàn cảnh thật trớ trêu, đau khổ. Yêu mà không thể lấy được nhau, hơn nữa, yêu mà phải bó tay nhìn người yêu bị đánh đập, hành hạ. Đó chính là hoàn cảnh dẫn đến lời tiễn dặn của chàng trai ở phần cuối đoạn trích.

- Nếu lời tiễn dặn ở phần đầu nổi bật một chữ đợi, thì lời tiễn dặn ở phần cuối nổi bật chữ cùng với mong muốn thoát khỏi tập tục để gắn bó: đôi ta cùng gỡ, ta vuốt lại, ta trôi nổi ao chung, chung một mái song song, ta thương nhau, ta yêu nhau,...

- Chứng kiến cảnh người yêu bị hành hạ, anh cảm thông, săn sóc cô bằng lời lẽ và hành động chia sẻ hết mực yêu thương: "Dậy đi em", "Đầu bù anh chải cho", "Tóc rối đưa anh búi hộ!", "Lam ống thuốc này em uống khỏi đau",... Trong lời nói đó còn ẩn chứa nỗi xót xa, đau đớn dường như hơn cả nỗi đau mà cô gái phải chịu. Yếu tố tự sự đã kết hợp chặt chẽ với yếu tố trữ tình, lời lẽ chứa đầy cảm xúc khiến câu chuyện có sức biểu cảm lớn.

=>Tuy hai lời tiễn dặn ở hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng cả hai lời đều thể hiện tình yêu sâu sắc, thuỷ chung và quyết tâm vượt mọi trở ngại để gắn bó.

=>Lời chàng trai cũng là lời truyện thơ, lời các tác giả dân gian Thái, thấm nhuần tình cảm nhân đạo, đầy yêu thương, thông cảm với số phận của cô gái cũng như của những người phụ nữ Thái xưa.

Câu 2: Tại sao có thể nói những lời tiễn dặn tha thiết của chàng trai trong truyện chính là những lời phản kháng tập tục hôn nhân của dân tộc Thái xưa?

Trả lời:

Thái độ phản kháng tập tục hôn nhân và khát vọng tự do yêu đương của chàng trai, cô gái Thái:

- Cùng với tình cảm xót thương, anh muốn phá tung sợi dây trói buộc của tập tục Thái, để cùng người yêu sống chết bên nhau. Trong nguyên bản tiếng Thái có đoạn:

Tai xam pi lón cãng mã hỏi

Tai xáp xỏi pên nặm tạng cóp mã kin

Tai pên đin puk pũ mã kẹo

Tại pên hẻo chí xốn hồm nong

Tai pên chong lính chuỗn huồm thuổi

Tai puối xảu xóp lẹo chắng dú hưỡn điêu.

- Tai dịch sang tiếng Việt là "chết", tai pên là "chết thành". Hình ảnh cái chết được lặp lại sáu lần, cũng là sáu lần anh khẳng định sự gắn bó. Không thể sống xa nhau, hãy sống cùng nhau cho đến chết, dù phải chết cũng nguyện được chết cùng nhau. Cái chết là sự thử thách tột cùng đối với con người, tình yêu mãnh liệt của anh vượt qua cả thử thách đó. Nói đến cái chết chính là nói đến khát vọng mãnh liệt được sống cùng nhau.

- Nguyên nhân chia li và những nỗi đau khổ của chàng trai, cô gái trong truyện chính là do tập tục hôn nhân gả bán, cha mẹ có quyền định đoạt duyên phận cho con cái. Vì vậy, những lời tiễn dặn đầy đau khổ của họ chính là những lời tố cáo, phản kháng tập tục hôn nhân Thái ngày xưa, tập tục đã bóp chết tình cảm yêu thương tự nhiên của con người, khiến cho họ phải suốt đời đau khổ.

- Trong lời tiễn dặn nổi bật mong muốn được "cùng chết" của chàng trai. Điều đó thể hiện tình yêu nồng nàn, mãnh liệt của anh, cũng chính là thái độ phản kháng lại hoàn cảnh. Xã hội không để cho những người yêu nhau được sống bên nhau là một xã hội bất công, vô lí, cần phải thay đổi.

- Những lời tiễn dặn cũng đồng thời thể hiện khát vọng tự do, khát vọng được giải phóng, được sống trong tình yêu của các chàng trai, cô gái Thái:

Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng,

Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già,

Ta yêu nhau tàn đời gió, không rung không chuyển,

Người xiểm xui, không ngoảnh không nghe.

- Câu thơ gọn, chắc, nghệ thuật sử dụng từ láy có tác dụng khẳng định khát vọng tự do yêu đương và quyết tâm trước sau như một, không gì thay đổi được của chàng trai. Khát vọng đó như được khắc vào gỗ, tạc vào đá.

- Kết thúc truyện thơ là sự trở về đoàn tụ trong hạnh phúc của hai người sau bao trắc trở, đó là bằng chứng về thắng lợi của tình yêu chân chính, của tự do, đối lập với những luật lệ khắt khe, hà khắc trói buộc con người.

Những kết thúc có hậu như vậy trong truyện thơ các dân tộc và truyện thơ Thái không nhiều, nhưng nó mang lại niềm tin tưởng, lạc quan, tiếp thêm sức mạnh cho những đôi lứa yêu nhau vượt qua trở ngại để được sống hạnh phúc, nó đã rọi chiếu ánh sáng hi vọng và niềm tin vào cuộc sống vốn ảm đạm của đồng bào dân tộc Thái ngày xưa. Đó là lí do khiến truyện thơ Tiễn dặn người yêu được người Thái các thế hệ yêu quý và tự hào.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác