Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 11 chân trời sáng tạo bài 3: Lời tiễn dặn

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày những hiểu biết của em về văn bản Lời tiễn dặn (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Câu 2: Hãy trình bày những hiểu biết của em về truyện thơ dân gian của dân tộc thiểu số.

Câu 3: Hãy tóm tắt nội dung văn bản.

Câu 4: Lời kể trong đoạn trích là lời của ai? So với một số tác phẩm viết bằng văn xuôi đã học, lời kể ở đây có điểm gì đặc biệt?

Câu 5: Hãy nhận xét về nghệ thuật của đoạn trích.


Câu 1: 

- Tác giả: Không xác định cụ thể. Đây là truyện dân gian của dân tộc Thái.

- Thể loại: truyện thơ

- Văn bản được trích từ truyện thơ Tiễn dặn người yêu.

- Nội dung: Qua hai lời tiễn dặn của chàng trai dành cho cô gái, ta thấy được tậm trạng đau xót khi yêu nhau mà không thể bên nhau của chàng trai và cô gái, cùng với đó là tình yêu mãnh liệt, mãi đi cùng năm tháng, sánh ngang với “trời đất, thiên nhiên” của hai người.

Câu 2:

Tham khảo:

- Truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số là những sáng tác truyền miệng mang đậm bản sắc văn hoá, phong tục tập quán, phản ánh tâm hồn, tình cảm của đồng bào các dân tộc.

- Phần lớn cốt truyện của truyện thơ được lấy từ truyện cổ tích, có tình tiết, nhân vật cụ thể, nhưng nhiều câu thơ trong truyện lại mượn từ những câu ca dao, dân ca quen thuộc của mỗi dân tộc. Nghệ thuật kết hợp tự sự và trữ tình khiến cho truyện thơ vừa có khả năng phản ánh khá sâu sắc hiện thực đời sống vừa thấm đẫm tâm trạng, tình cảm, tâm hồn con người các dân tộc trong hiện thực ấy. Bên cạnh đó, các mối quan hệ giữa con người với con người trên nền tảng xã hội phân hoá giai cấp và việc giải quyết các mối quan hệ này theo quan điểm đạo đức lí tưởng của nhân dân đã được trình bày trong truyện thơ.

- Không phải dân tộc thiểu số nào cũng có truyện thơ. Một số truyện thơ quen thuộc thường được kể trong các dân tộc như: Út Lót – Hồ Liêu, Nàng Ờm – chàng Bồng Hương,... (Mường) ; Chàng Lú – nàng Ủa, Tiễn dặn người yêu,... (Thái) ; Nam Kim – Thị Đan, Vượt biển,... (Tày – Nùng); Tiếng hát làm dâu, Nhàng Dợ – Chà Tăng,... (Mông); Hoàng tử Um Rúp, Chăm Bani,... (Chăm); Tum Tiêu, Si Thạch,... (Khmer). Hiện nay, một số truyện thơ các dân tộc đã được dịch ra tiếng Việt, nhưng có khá nhiều truyện còn lưu truyền trong dân gian, chưa được sưu tầm và biên dịch.

- Truyện thơ có hai chủ đề nổi bật. Ngoài chủ đề thứ nhất phản ánh khát vọng tự do yêu đương và hạnh phúc lứa đôi, còn có chủ đề thứ hai phản ánh số phận đau thương và mơ ước đổi đời của những người nghèo.

- Cũng như truyện cổ tích, nhiều nhân vật trong truyện thơ là người mồ côi, người phụ nữ, người lao động. Các nhân vật này là những người nghèo khổ, bị áp bức bóc lột nặng nề, bị tước đoạt tình yêu và hạnh phúc – kiểu nhân vật bé nhỏ, tội nghiệp nhất trong xã hội phụ quyền. Họ phải làm thuê làm mướn, bị đánh đập hắt hủi như Nàng Con Côi (Mường), hoặc bị ép duyên, phải làm dâu trong những gia đình chồng bạo ngược nhơ cô gái trong Tiếng hát làm dâu (Mông), hoặc là nhân vật dưới đáy của sự nghèo khổ, khốn cùng, bị đày ải, rẻ rúng như người em phu thuyền ở cõi âm trong truyện thơ Vượt biển (Tày),... Họ đã trở thành đối tượng thương cảm, xót xa của những trái tim nhân hậu. Tiếng thơ trong truyện cũng chính là tiếng lòng đồng cảm, tiếng khóc uất hận, tiếng nói đòi giải phóng của nhân dân các dân tộc ngày xưa.

- Cùng với những lời thở than dằng dặc, truyện thơ còn thể hiện thái độ của người lao động nghèo phản kháng những kẻ bóc lột, trừng trị bọn cường hào ác bá, đấu tranh cho chính nghĩa, mong ước được đổi đời, sống ấm no hạnh phúc,... phản ánh tinh thần lạc quan, lòng yêu đời, ham sống của người dân lao động các dân tộc.

Câu 3:

Văn bản gồm hai phần, ứng với hai không gian tâm trạng nối tiếp nhau của chàng trai.

Phần 1 (từ câu 1121 đến câu 1182): Tâm trạng của chàng trai (và gián tiếp là tâm trạng của cô gái qua sự mô tả của chàng trai trên đường tiễn dặn).

  1. a) Đó là tâm trạng đầy mâu thuẫn nửa như buộc phải chấp nhận sự thật đau xót là cô gái đã có chồng, nửa như muốn níu kéo tình yêu, kéo dài giây phút âu yếm bên nhau.
  2. b) Đó còn là lòng quyết tâm giữ trọn tình yêu giữa chàng trai với cô gái.

Phần 2 (từ câu 1375 đến câu 1406): Cử chỉ, hành động và tâm trạng của chàng trai lúc ở nhà chồng của cô gái.

  1. a) Cử chỉ:

− Vỗ về, an ủi cô gái lúc bị nhà chồng đánh đập, hắt hủi.

– Lam thuốc cho cô gái uống.

  1. b) Tâm trạng:

– Nỗi xót xa, niềm thương cảm mà chàng trai dành cho cô gái.

– Ý chí mãnh liệt của chàng trai nhất quyết sẽ giành lại tình yêu để đoàn tụ cùng cô gái.

Câu 4: 

- Lời kể trong đoạn trích là lời của chàng trai.

- So với các tác phẩm văn xuôi thì lời kể ở truyện thơ này khác ở chỗ là được viết thành từng câu thơ, vì viết bằng thơ nên chỉ giữ lại được phần nào tính chất kể. Một điểm nữa là lời kể trong đoạn trích có sự kết hợp mạnh mẽ với yếu tố trữ tình (mang phong cách thơ).

Câu 5: 

Những điểm cần lưu ý:

- Sự kết hợp giữa nghệ thuật trữ tình (mô tả cảm xúc, tâm trạng) với nghệ thuật tự sự (kể sự việc, hành động)

- Truyện thơ đã kế thừa truyền thống nghệ thuật của ca dao trữ tình, sử dụng một cách nghệ thuật lời ăn tiếng nói của nhân dân.

- Các câu thơ sử dụng dày đặc các phép tu từ đặc sắc (như điệp từ, điệp ngữ) vừa tạo nên nhạc tính rắt réo cho câu thơ, vừa góp phần đắc lực tạo hình ảnh thơ.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác