Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Ngữ văn 11 chân trời sáng tạo bài 3: Lời tiễn dặn

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Những từ ngữ, hình ảnh, những cách ví von nào trong đoạn trích thể hiện tình yêu mãnh liệt của đôi trai gái, đồng thời thể hiện rõ màu sắc dân tộc của người Thái?

Câu 2: Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có đoạn diễn tả tâm trạng Kim Trọng trở lại vườn Thuý, khi người yêu đã phải bán mình chuộc cha:

Vật mình vẫy gió tuôn mưa,

Dầm để giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai.

Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi,

Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê...

Em hãy so sánh lối diễn tả tâm trạng Kim Trọng trong Truyện Kiều với lối diễn tả tâm trạng chàng trai trong đoạn trích Lời tiễn dặn (hình ảnh so sánh, hành động của hai nhân vật) để thấy nét đặc sắc khác nhau giữa truyện thơ bác học với truyện thơ dân gian.


Câu 1: 

- Khi thể hiện tình yêu mãnh liệt của đôi trai gái, đoạn trích mượn rất nhiều hình ảnh, cách ví von so sánh với thiên nhiên. Thiên nhiên góp phần phản ánh hoàn cảnh và tâm trạng nhân vật, đồng thời thể hiện rõ màu sắc dân tộc của người Thái. Dùng thiên nhiên như cái nền quen thuộc thể hiện tình cảm, thái độ của con người đó là hình thức phổ biến trong ca dao, dân ca của cả dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số. Trong đoạn trích Lời tiễn dặn, người đọc bắt gặp nhiều hình ảnh thiên nhiên phong phú và các hình ảnh đó theo suốt từ đầu đến cuối đoạn trích.

- Thiên nhiên vừa là những hình ảnh quen thuộc đối với nếp cảm, nếp nghĩ của người Thái, vừa góp phần thể hiện tâm tư, tình cảm của nhân vật trong truyện. Thiên nhiên đó vừa hồn nhiên trong sáng, gần gũi với dân tộc Thái trong từng chi tiết, vừa thể hiện tư duy chất phác, ưa cụ thể, lối diễn đạt hồn nhiên của đồng bào Thái. Những rừng cà, rừng ớt, rừng lá ngón vừa là hình ảnh thiên nhiên cụ thể, vừa ước lệ về những nỗi cay đắng chất chứa trong lòng nhân vật. Hình ảnh so sánh tình yêu với độ bền vững của tự nhiên: vàng, đá, gió, trọn đời gỗ cứng,.... khiến cho tình yêu trở nên vĩnh cửu.

- Thiên nhiên vừa như thử thách con người vừa như khẳng định sự vĩnh cửu của tình yêu. Hình ảnh thiên nhiên và hình ảnh tình yêu hợp lại, đối sánh, cùng tôn nhau lên làm thành vẻ đẹp đặc biệt của lời thơ: sự bền vững của tình yêu được đem so sánh với sự trường tồn của thiên nhiên và ngược lại, sự vô cảm của thiên nhiên được tình yêu thổi vào chất thơ mộng, thành ra có hồn: tình yêu vững bền như vàng, như đá, như gỗ cứng, tàn đời gió không rung chuyển đổi thay.... Tình yêu đó tha thiết mà không bi luỵ, tiềm ẩn sự cứng cỏi, bản lĩnh mà không phô trương, mòn sáo.

=>Thiên nhiên ấy không chỉ thể hiện tâm trạng, tình cảm nhân vật mà còn thấm đẫm màu sắc dân tộc Thái.

Câu 2: 

Tâm trạng của chàng Kim Trọng trong Truyện Kiều cũng tương tự tâm trạng của chàng trai trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu (đoạn trích Lời tiễn dặn). Đó là tâm trạng đau khổ, bất lực vì người yêu bị gả bán cho người khác. Nhưng lối diễn tả tâm trạng đó trong Lời tiễn dặn và trong đoạn trích Truyện Kiều khác nhau. Truyện Kiều dùng rất nhiều hình ảnh ước lệ (chẳng hạn hình ảnh vẫy gió, tuôn mưa để chỉ nỗi đau khổ; giọt ngọc dùng để chỉ giọt nước mắt; thẫn thờ hồn mai dùng để chỉ tinh thần đau đớn, bất an, trong khi tâm trạng của chàng trai ở Lời tiễn dặn lại được diễn tả bằng nhiều hình ảnh cụ thể, gần gũi với lối nghĩ chất phác của người dân tộc thiểu số (như đã phân tích ở phần trên).


Bình luận

Giải bài tập những môn khác