Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 8 cánh diều bài 8: Quang Trung đại phá quân Thanh
2. THÔNG HIỂU (05 CÂU)
Câu 1: Em hãy nêu những chi tiết về hành động của Quang Trung thể hiện ông là có hành động mạnh mẽ và quyết đoán?
Câu 2: Em hãy tìm và phân tích những chi tiết thể hiện Quang Trung là một thiên tài quân sự với tài dụng binh như thần?
Câu 3: Ngòi bút của tác giả khi miêu tả cuộc tháo chạy của quân Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống có gì khác biệt? Vì sao có sự khác biệt đó?
Câu 4: Các tác giả vốn là cựu thần nhà Lê nhưng viết rất thực và hay về hình tượng người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung. Vì sao vậy?
Câu 5: Em hãy phân tích lời dụ của vua Quang Trung tại trấn Nghệ An?
Câu 1:
- Là người có hành động mạnh mẽ, quyết đoán: Trong toàn bộ đoạn trích, Nguyễn Huệ là một người luôn hành động mạnh mẽ, xông xáo, nhanh gọn và có mục đích rất quyết đoán.
- Nghe tin giặc đã chiếm Thăng Long, mất cả một vùng đất rộng lớn, ông không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”
- Chỉ trong khoảng hơn một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được rất nhiều việc lớn:
+ Tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế.
+ Đốc suất đại binh ra Bắc.
+ Gặp gỡ người cống sĩ ở huyện La Sơn.
+ Tuyển mộ quân lính, mở cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, truyền lời dụ đến quân lính, định ra kế hoạch hành quân, đánh giặc và cả kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau này.
+ Mở tiếc khao quân, sau đó có năm đạo quân lên đường tiến quân ra Bắc.
Câu 2:
- Cuộc hành quân thần tốc do Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn làm cho chúng ta kinh ngạc.
+ Ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất phát từ Phú Xuân (Huế)
+ Một tuần lễ sau đại quân đã ra đến Tam Điệp (Ninh Bình) – Cách Huế khoảng 500km
+ Đêm 30 tháng chạp đã lập tức lên đường tiến quân ra Thăng Long.
+ Từ Tam Điệp ra đến Thăng Long khoảng 150km, vừa hành quân vừa đánh giặc vậy mà Quang Trung đã định ra kế hoạch mùng 7 tháng giêng sẽ ăn tết ở Thăng Long, trong thực tế đã vượt mức hai ngày.
+ Hành quân xa đi liên tục mà tất cả đều là đi bộ, nhiều nỗi gian khó mà quân lệnh vẫn nghiêm minh, đội ngũ chỉnh tề, giữ được sức chiến đấu, đó là do tài tổ chức của người cầm quân.
+ Hơn một vạn quân mới tuyển, quân tinh nhuệ từ đất Thuận Quảng ra thì bao bọc 4 doạnh tiền, hậu, tả, hữu.
- Quang Trung có mưu kế đanh giặc tài tình: Lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, biết chớp thời cơ, lấy ít địch nhiều, khiến giặc không kịp chống đỡ
- Mọi trận đánh nghĩa quân Tây Sơn luôn có cách đánh phù hợp, thiên biến vạn hóa khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Trận đánh nào cũng thắng lợi vẻ vang.
Câu 3:
- Đoạn văn miêu tả sự tháo chạy của quân tướng nhà Thanh: Với nhịp điệu, nhanh, mạnh, hối hả, ngòi bút miêu tả khách quan của tác giả hàm chứa thái độ hả hê, sung sướng của người thắng trận trước sự thảm hại của lũ cướp nước.
- Đoạn văn miêu tả cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống: Nhịp điệu chậm hơn dường như để làm nổi bật số phận bi đát. Miêu tả tỉ mỉ những giọt nước mắt của người thổ hào, giọt nước mắt tủi hổ của vua tôi Lê Chiêu Thống, cuộc thiết đại thịnh tình của kẻ bề tôi…Âm hưởng ngậm ngùi, chua xót. Là những kẻ cựu thần của nhà Lê, các tác giả không thể không mủi lòng trước sự sụp đổ của vương triều mà mình phụng thờ, tuy đó là kết cục không thể tránh khỏi.
Câu 4:
- Do quan điểm phản ánh hiện thực của các tác giả - những người trí thức của nhóm Ngô gia văn phái:
+ Tôn trọng lịch sử
+ Ý thức dân tộc
- Các tác giả Ngô gia văn phái vốn là những cựu thần, chịu ơn sâu nghĩa nặng của nhà Lê. Nhưng họ không thể bỏ qua sự vật thật là Lê Chiêu Thống – vua nhà Lê đã đớn hèn “cõng rắn cắn gà nhà”, và chiến công lừng lẫy của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc.
Các tác giả Ngô gia văn phái đã vượt qua tư tưởng trung quân mù quáng để viết rất thực và hay như vậy về người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.
Câu 5:
- Khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và lên án hành động xâm lược phi nghĩa trái đạo trời của giặc “Trong khoảng vũ trụ đất nào sao nấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương nam phương bắc chia nhau mà cai trị”
- Vạch trần dã tâm xâm lược của quân giặc “người phương Bắc không phải là giống nước ta, bụng dạ ắt khác..”
- Nhắc lại truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ xa xưa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
- Kêu gọi quân lính đồng tâm hiệp lực để lập nên công lớn.
- Quang Trung đã dự kiến được việc Lê Chiêu Thống về nước có thể làm một số người phù Lê thay đổi lòng dạ nên ông đã có lời dụ với quân lính vừa chí tình vừa nghiêm khắc. Ông đã đề ra kỉ luật nghiêm minh “chớ có quen theo thói cũ ăn ở hai lòng …không tha một ai”
- Lời dụ của vua Quang Trung có thể xem như một bài hịch rất ngắn gọn nhưng ý tứ phong phú sâu xa có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống quật cường của dân tộc, khích lệ quyết tâm chiến đấu của binh lính trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.
Chúng ta nhận ra bài hịch ấy có hồn phách thiêng liêng của một Nam quốc sơn hà, cái giọng khích lệ của một Hịch tướng sĩ, và đặc biệt là âm hưởng rõ ràng tràn ngập lòng tự hào dân tộc của những dòng đầu tiên của những áng thiên cổ hùng văn Bình Ngô đại cáo.
Bình luận