Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích các vai trò của làng nghề. Nêu ví dụ cụ thể

II. PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VÀ CÁC TÁC ĐỘNG

Câu hỏi: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích các vai trò của làng nghề. Nêu ví dụ cụ thể.


- Làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa

Sự phát triển của làng nghề góp phần thúc đẩy các ngành nghề nông thôn phát triển thông qua nhu cầu mở rộng quy mô, địa bàn sản xuất và tăng thêm lao động. Làng nghề phát triển còn tạo điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ ở các địa phương. Các hoạt động du lịch ở làng nghề không chỉ là cách thức giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho các địa phương có làng nghề mà còn góp phần tôn vinh, bảo tồn và quảng bá rộng rãi các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Nhờ vậy, số lượng lao động và số hộ phi nông nghiệp ở các vùng nông thôn không ngừng tăng lên. Năm 2020, cả nước có trên 8,6 triệu hộ phi nông nghiệp, chiếm 50,9% tổng số hộ nông thôn (tăng hơn 13% so với năm 2011). Tỉ lệ hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ các ngảnh phi nông nghiệp cũng tăng lên 59,2% (2020). Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn do đó đã có những chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỉ trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Kinh tế ở các làng nghề không chỉ thay đổi về số lượng mà còn thay đổi về tư duy sản xuất, kinh doanh. Tập quán sản xuất ở những vùng nông thôn đã chuyển dần từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường. Với sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp ở làng nghề, mối liên hệ giữa các hộ gia đình làm nghề trong làng với các doanh nghiệp lớn ở thành thị ngày càng gắn bó. Đây chính là yếu tố cơ bản giúp các địa phương có làng nghề chuyển từ nông thôn thuần nông, nhỏ lẻ, phân tán lên công nghiệp lớn, hiện đại và đô thị hoá.

- Làng nghề tạo ra hàng hoá đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu

Làng nghề đã sản xuất ra hàng trăm, nghìn mặt hàng khác nhau. Sản xuất được đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp hoá với việc đẩy mạnh ứng dụng máy móc và công nghệ mới nên khối lượng sản phẩm ngày càng lớn. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu của gia đình, địa phương mà còn là hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Năm 2020, chỉ tính riêng nhóm hàng thủ công mĩ nghệ, kim ngạch xuất khẩu đã đạt trên 2,4 tỉ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu độc đáo, mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam như: gốm, sứ, mây, tre, cói, thảm, thêu, dệt thủ công....

- Làng nghề góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và hạn chế di cư tự do từ nông thôn ra thành thị

Làng nghề đã tạo việc làm, thu nhập và sinh kế cho người dân, đặc biệt là các vùng nông thôn ở nước ta. Ngay từ khi xuất hiện, làng nghề đã giải quyết tốt vấn đề lao động lúc nông nhàn. Trong những năm gần đây, vai trò này càng được thể hiện rõ. Bình quân mỗi hộ chuyên làm nghề tạo việc làm cho 2 – 3 lao động thường xuyên (năm 2020). Bên cạnh đó, lao động thời vụ, nông dân bị mất ruộng, người về hưu, người tàn tật.... cũng được huy động vào những công đoạn thích hợp trong các cơ sở sản xuất của làng nghề. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong các làng nghề thường cao gấp 2 lần thu nhập của lao động thuần nông trên địa bàn.

Làng nghề không chỉ tạo ra nhiều việc làm cho người lao động của riêng làng đó mà còn giải quyết việc làm cho dân cư của các vùng lân cận. Sự phát triển của làng nghề còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, nghề dịch vụ khác, qua đó tạo thu nhập và giảm nghèo cho người dân nông thôn.

Mở rộng phạm vi, phát triển các làng nghề, thông qua giải quyết việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo còn góp phần giải quyết tình trạng di dân tự do từ nông thôn vào các thành phố lớn.

- Làng nghề truyền thống góp phần bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc

Giá trị văn hoá của các làng nghề truyền thống được thể hiện trong các sản phẩm đặc trưng, không gian kiến trúc, lịch sử hình thành, phong tục, tập quán, luật lệ, lễ hội đặc sắc của làng.

Sản phẩm của làng nghề độc đáo và mang tính nghệ thuật cao vì chúng phản ánh rõ nét cuộc sống hằng ngày ở làng quê, phản ánh quan điểm nhân sinh và sự tài hoa của mỗi người thợ. Vì thế nhiều sản phẩm làng nghề có thể trở thành bảo vật, được coi là biểu tượng của truyền thống văn hoá dân tộc. Thông qua các sản phẩm đặc sắc của làng nghề, văn hoá các dân tộc Việt Nam đã được lưu giữ một cách cụ thể, bến vững và được quảng bá rộng rãi đến nhiều nước trên thế giới.

Mỗi làng nghề truyền thống đều thờ cúng một tổ nghề hoặc một thành hoành làng với lịch sử hình thành và phát triển riêng. Ngày hội làng trở thành dịp sinh hoạt văn hoá cộng đồng đặc sắc của địa phương, có sức hấp dẫn lớn với du khách trong và ngoài nước.

Do đó, làng nghề không chỉ đơn thuần là môi trường kinh tế, xã hội mà còn là môi trường văn hoá độc đáo. Bảo tồn và phát triển các làng nghề góp phần quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị văn hoá của dân tộc trong quá trình công nghiệp hoá và hội nhập quốc tế.

- Làng nghề góp phần phát triển xã hội và xây dựng nông thôn mới

Mỗi làng nghề là một cộng đồng gắn kết mật thiết qua nhiều đời bởi những mối liên hệ khăng khít, nhiều mặt về lãnh thổ, dòng họ, phường, hội nghề nghiệp và nhiều yếu tố tâm linh khác. Sự liên kết cộng đồng bền chặt giúp nâng cao ý thức tự quản và giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở các vùng nông thôn.

Việc phát triển các ngành nghề nông thôn trong các làng nghề còn góp phần nâng cao thu nhập và tích luỹ cho người dân, thông qua đó thực hiện thành công nhiều tiêu chí nông thôn mới, góp phần xây dựng không gian nông thôn văn minh, giàu bản sắc.


Giải những bài tập khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác