Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 9 KNTT bài 2: Tiếng đàn mưa (Bích Khê)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày những hiểu biết của em về tác giả Bích Khê và bài thơ Tiếng đàn mưa.

Câu 2: Nêu bố cục của bài thơ Tiếng đàn mưa.

Câu 3: Nêu đặc điểm của thể thơ song thất lục bát được thể hiện trong bài thơ Tiếng đàn mưa.

Câu 4: Nêu đặc điểm chung của những sự vật, hiện tượng phụ họa cùng mưa trong bài thơ Tiếng đàn mưa.

Câu 5: Nêu giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tiếng đàn mưa.


Câu 1: 

- Tác giả:

+ Bích Khê (1916 - 1946) quê ở tỉnh Quảng Ngãi. Sáng tác của ông thuộc các thể loại như thơ (thơ Đường luật, thơ tự do), tự truyện,...

+ Bích Khê là nhà thơ có nhiều tìm tòi, cách tân trong phong trào Thơ mới (1932 – 1945). Ông được đánh giá cao với những bài thơ đặc sắc, giàu tính nhạc. 

+ Một số tập thơ của ông: “Tinh huyết” (1939), “Mấy dòng thơ cũ” (1988), “Tinh hoa” (1997),...

- Tác phẩm: “Tiếng đàn mưa” nằm trong tập thơ “Tinh hoa” (tập hợp các sáng tác của Bích Khê từ năm 1938 đến năm 1944). Thời điểm tác phẩm ra đời, đất nước ta vẫn nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Chính bối cảnh lịch sử này đã tác động rất nhiều đến cảm xúc nhà thơ và nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Câu 2: 

- Có thể chia bài thơ thành 2 phần:

+ Phần 1 (ba khổ thơ đầu): hoa rụng cùng mưa (cảnh mưa rơi).

+ Phần 2 (khổ thơ cuối): lệ rơi cùng mưa (tâm trạng của khách tha hương).

Câu 3: 

Bài thơ “Tiếng đàn mưa” thuộc thể thơ song thất lục bát với những đặc điểm nổi bật sau:

- Bài thơ gồm các câu thơ đan xen hai câu thơ bảy chữ với cặp câu thơ lục bát.

- Vần lưng được gieo ở tiếng thứ sáu của câu bát (hiệp vần với tiếng cuối của câu lục liền trước nó) và tiếng thứ năm của câu thơ 7 tiếng (hiệp vần với tiếng cuối của câu thơ 7 tiếng liền trước nó). Vần chân được gieo ở tiếng cuối của câu thơ 7 tiếng thứ hai và câu thơ lục bát trong tất cả các khổ thơ.

- Về thanh điệu, các thanh bằng (B) – trắc (T) khớp với sơ đồ được trình bày trong SGK, trang 40.

- Câu thơ 7 tiếng có cách ngắt nhịp lẻ trước chẵn sau (3/2/2 hoặc 3/4). Câu lục bát ngắt nhịp chẵn (2/4, 4/2 hoặc 2/2/2 ở câu lục; 4/4, 2/2/2/2 ở câu bát).

Câu 4:

Các sự vật, hiện tượng phụ hoạ cùng mưa đều ở trạng thái rơi rụng, xu hướng đi xuống (hoa rụng, bóng dương tà,...).

+ Cảnh hoa rụng cùng mưa được khắc hoa qua những hình ảnh “hoa xuân rụng”, “mưa xuống lầu”, “xuống thềm lan”, “rơi khắp nẻo dặm ngàn”.

+ Hoa xuân rụng gợi sự kết thúc của một mùa, gợi sự u buồn bởi vẻ đẹp tươi mới của hoa xuân không còn.

+ Tâm trạng khách tha hương được thể hiện rõ nhất qua câu thơ: “Mưa trong ý khách muôn hàng lệ rơi”. Từ con mưa của tự nhiên biến thành cơn mưa trong tâm hồn, xuất phát từ nỗi nhớ quê hương của nhân vật “khách”. 

+ “Bóng dương” là khoảnh khắc mặt trời sắp lặn, là thời điểm mọi người trở về nhà đoàn tụ với gia đình, “bóng dương với khách tha hương” làm nổi bật sự trống trải, lạnh lẽo của không gian và cô đơn, lạc lõng, buồn bã của con người.

=> Cảnh mưa và tâm trạng của con người có sự thống nhất, không gian bên ngoài và thế giới nội tâm gặp gỡ, đồng cảm.

Câu 5:

- Giá trị nội dung: Bức tranh mưa xuân đầy tinh tế, đẹp nhưng đượm buồn, nhuốm màu tâm trạng cô đơn, xót xa của người khách tha hương với tấm lòng thương nhớ quê hương sâu sắc.

- Giá trị nghệ thuật: 

+ Thể thơ song thất lục bát.

+ Từ ngữ tinh tế, giàu cảm xúc, ý nghĩa.

+ Giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, đượm màu cảm xúc buồn, u sầu.

+ Hệ thống từ láy, biện pháp tu từ đặc sắc, hình ảnh thơ độc đáo, ngôn ngữ giàu nhạc tính.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác