Tóm tắt kiến thức ngữ văn 8 kết nối bài 7: Thực hành tiếng việt: Biện pháp tu từ, nghĩa của từ ngữ, lựa chọn cấu trúc câu
Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 8 kết nối tri thức bài 7: Thực hành tiếng việt: Biện pháp tu từ, nghĩa của từ ngữ, lựa chọn cấu trúc câu. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo
I. LÝ THUYẾT
1. Biện pháp tu từ
- Nhân hoá
- Điệp ngữ
- So sánh: là biện pháp sử dụng cách thức đối chiếu sự việc hay sự vật này với sự việc hay sự vật khác khác có nét tương đồng để làm tăng tính gợi hình, cảm xúc hay sự nhấn mạnh cho người đọc.
Ví dụ:
“ Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”.
(Hồ Chí Minh)
- Đảo ngữ: Đảo ngữ là hiện tượng đảo ngược vị trí động từ, trợ từ lên trước chủ ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh, thể hiện cảm xúc của người viết hoặc tạo hình ảnh, đường nét, chiều sâu cho lời văn, ý thơ
Ví dụ:
"Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà"
(Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan)
=> Nếu theo đúng cấu trúc ngữ pháp thông thường sẽ là "Vài chú tiều lom khom dưới núi" và "Bên sông lác đác rợ mấy nhà". Tuy nhiên ở đây thi nhân đã đảo các tính từ "lom khom" và "lác đác" ở vị trí vị ngữ lên đầu câu để nhấn mạnh cho dáng vẻ nhỏ bé, cảnh vật hiu quạnh giữa không gian núi rừng rộng lớn, bao la nơi đèo ngang. Từ đó mà làm bật ra tâm trạng cô đơn, cô quạnh được giấu kín trong tâm hồn tác giả.
2. Nghĩa của từ ngữ
Nghĩa của từ là nội dung, tính chất, hoạt động, quan hệ,… mà từ đó biểu thị. Hiểu theo cách đơn giản thì nghĩa của từ chính là phần nội dung mà từ đó biểu thị để giúp chúng ta hiểu và nắm bắt được nội dung của từ đó.
Ví dụ:
- Cây: Là một loại thực vật trong thiên nhiên có rễ, thân, cành, lá
- Bâng khuâng: tính từ chỉ trạng thái tình cảm không rõ ràng của con người
- Chạy bộ: danh từ chỉ một hoạt động thể dục thể thao của con người
3. Lựa chọn cấu trúc câu
- Việc lựa chọn cấu trúc có tác dụng thể hiện ý nghĩa của câu nói, nếu thay đổi cấu trúc thì ý nghĩa có thể thay đổi theo
Ví dụ:
1. Từ đằng xa tiến lại hai chú bé.
2. Từ đằng xa hai chú bé tiến lại.
=> 1. Nghĩa là: người nói đang tiến lại gần hai chú bé đang đứng im.
2. Nghĩa là: hai chú bé đang tiến lại gần.
II. HƯỚNG DẪN GIẢI BÀI TẬP SGK
1. BÀI TẬP 1
a.
- Trong hai dòng thơ, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ so sánh
- Tác dụng: Gợi lên hình ảnh người em gái thanh niên xung phong gần gũi, thân thương, mang bóng dáng bình dị của quê nhà. Gặp em, người lính như gặp lại quê hương và vì thế, các anh như được tiếp thêm sức mạnh trong những chặng đường hành quân phía trước
b.
- Tác giả sử dụng biện pháp tu từ so sánh.
- Tác dụng: Gợi lên những hình ảnh đẹp vừa bí ẩn vừa lung linh huyền ảo qua đôi mắt trẻ thơ trong kí ức của Phương Định, một cô gái Hà Nội mộng mơ. Những hình ảnh đó đối lập với hiện tại khốc liệt, gián tiếp tố cáo chiến tranh, đồng thời nói lên ý nghĩa sự dấn thân cao cả của tuổi trẻ trong những năm đầu kháng chiến
c.
- Tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ (từ và xuất hiện 4 lần)
- Tác dụng: Việc lặp lại từ và ở đầu các câu có tác dụng liệt kê, nhấn mạnh sự hiện diện của từng con người, sự vật nhằm khẳng định sự vắng vẻ và tĩnh lặng trên cao điểm, đồng thời tạo không khí hồi hộp và lo lắng về một hiểm nguy đang rình rập.
d.
- Biện pháp tu từ:
- Điệp ngữ: tình yêu được lặp lại 2 lần
- So sánh: Nó cũng đang ở trạng thái như tôi
- Liệt kê: độ lượng, tha thiết, vô tư
- Tác dụng: Nhấn mạnh, tô đậm tình cảm dâng trào mãnh liệt trong trái tim của Nho, của Phương Định dành cho những người lính đang hành quân ra mặt trận; cũng là tình cảm mà những người lính dành cho nhau trong khói lửa chiến tranh
=> Thể hiện tình yêu tha thiết và bùng cháy, cho thấy một khía cạnh tâm hồn tươi trẻ và tràn đầy nhiệt huyết trong tình cảm của các cô gái thanh niên xung phong.
e.
- Biện pháp tu từ nhân hóa: nạo vét sự yên lặng của núi rừng
- Tác dụng: Diễn tả âm thanh sắc lạnh của máy bay trinh sát đang phá tan sự yên lặng, thanh bình của núi rừng, từ đó gợi tính chất khốc liệt của cao điểm- nơi ba cô gái đang làm nhiệm vụ phá bom mở đường
2. BÀI TẬP 2
Ngữ liệu | Từ đồng nghĩa với từ in đậm | Thay từ đồng nghĩa vào vị trí từ in đậm | Nhận xét về giá trị biểu đạt của từ ngữ được tác giả sử dụng |
a. Gặp em trên cao lộng gió Rừng lạ ào ào lá đỏ
| - Gió mạnh, gió lộng - Rào rào | Gặp em trên cao gió mạnh/gió lộng Rừng lạ rào rào lá đỏ => Các từ thay thế không thể hiện được khung cảnh hùng tráng và bạt ngàn lá đỏ trong khu rừng. | - Miêu tả gió thổi mạnh do ở trên cao hoặc nơi trống trải; giúp người đọc cảm nhận được không gian cao rộng, khoáng đạt - Vừa gợi hình vừa gợi thanh: Miêu tả được tiếng gió thổi mạnh trong rừng lá đồng thời gợi hình ảnh lá rụng nhiều, nhanh như thác đổ cộng hưởng với không khí hành quân hối hả |
b. Đoàn quân vẫn đi vội vã Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
| - hối hả, khẩn trương - nhoè | Đoàn quân vẫn đi hối hả/khẩn trương Bụi Trường Sơn nhoè trời lửa => Các từ thay thế không thế hiện được tư thế hiên ngang và anh dũng của đoàn quân trong cảnh khói lửa mù mịt. | - Gợi hình ảnh đoàn quân gắp gáp, tranh thủ từng giây phút cho kịp chiến dịch đồng thời cũng thể hiện tâm trạng có phần căng thẳng, lo âu trước một sự kiện trọng đại - Tái hiện không gian Trường Sơn: bụi cuốn dày đặc hoà vào bầu trời đầy khói lửa, làm nổi bật tính chất khốc liệt của chiến tranh |
c. Cười thì hàm răng trắng lóa trên khuôn mặt nhem nhuốc. | Trắng tinh | Cười thì hàm răng trắng tinh trên khuôn mặt nhem nhuốc | Miêu tả được cả sắc màu và hiệu ứng ánh sáng: màu trắng như tỏa sáng trên nền đen là khuôn mặt lấm bùn đất |
3. BÀI TẬP 3
STT | Câu trong văn bản | Câu thay đổi cấu trúc | Sự khác nhau về ý nghĩa |
1 | Sốt ruột, tôi chạy ra ngoài một tí. | Tôi sốt ruột, chạy ra ngoài một tí. | Câu thay đổi không nhấn mạnh được trạng thái sốt ruột của nhân vật. Câu trong văn bản sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ nhằm nhấn mạnh trạng thái sốt ruột- nguyên nhân chạy ra ngoài của nhân vật “tôi”, từ đó làm nổi bật tâm trạng lo lắng cho sự an toàn của đồng đội của Phương Định |
2 | Xung quanh cao điểm vắng vẻ này có bao nhiêu là người. | Có bao nhiêu là người xung quanh cao điểm vắng vẻ này. | Câu thay đổi cấu trúc nhấn mạnh về số lượng người, trong khi câu gốc trong văn bản nói về không gian trước, con người trong không gian đó sau. Câu gốc có ý nhấn mạnh sự hiện diện của những người đồng chí, đồng đội xung quanh cao điểm vậy nên, các cô gái trên cao điểm không cô đơn |
3 | Chỉ cần chúng tôi bắn một phát súng báo hiệu yêu cầu giúp đỡ là họ sẽ chạy đến ngay. | Họ sẽ chạy đến ngay nếu chúng tôi bắn một phát súng báo hiệu yêu cầu giúp đỡ. | Câu thay đổi nhấn mạnh tới hành động chạy đến khi nghe thấy tiếng súng; câu gốc thì nói tới hành động bắn súng để báo hiệu cần giúp đỡ-> nhấn mạnh tính chất kịp thời trong việc hỗ trợ cao điểm của những người đồng chí |
4 | Uống sữa xong, Nho ngủ. | Nho uống sữa xong rồi ngủ. | Cấu trúc câu trong văn bản và cấu trúc câu đã thay đổi đều phù hợp với thứ tự các hành động của nhân vật (uống sữa, ngủ). Tuy nhiên, trong câu đã thay đổi cấu trúc, chủ thể (Nho) được đưa lên đầu câu, làm cho trọng tâm thông tin không còn là các hành động nối tiếp nhau (uống sữa, ngủ) như câu trong văn bản mà là chủ thể (Nho) |
Bình luận