Tóm tắt kiến thức địa lý 10 cánh diều bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch
Tổng hợp kiến thức trọng tâm địa lý 10 cánh diều bài 28: Thương mại, tài chính ngân hàng và du lịch. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
I. NGÀNH THƯƠNG MẠI
1. VAI TRÒ, ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀNH THƯƠNG MẠI
- Vai trò:
+ Cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng thông qua việc trao đổi, luân chuyển hàng hoá, dịch vụ giữa người bán và người mua.
+ Điều tiết sản xuất, giúp hàng hoá được trao đổi, mở rộng thị trường và thúc đẩy phát triển sản xuất.
+ Thúc đẩy phân công lao động theo lãnh thổ trong nước và quốc tế, làm cho nền kinh tế của mỗi nước là một bộ phận khăng khít của nền kinh tế thế giới.
+ Hướng dẫn tiêu dùng, tạo ra tập quán tiêu dùng mới, thị hiếu mới.
- Đặc điểm:
+ Hoạt động theo quy luật cung, cầu; gắn liền với giá cả, thị trường và xu hướng trong cung, cầu của các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ.
+ Không gian hoạt động ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia (nội thương) mà còn mở rộng ra thế giới, mang tính toàn cầu (ngoại thương).
+ Hoạt động chủ yếu có hai nhóm là mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.
2. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NGÀNH THƯƠNG MẠI
- Trình độ phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành sản xuất vật chất tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá và dịch vụ phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu trong nước, cung cấp nhiều mặt hàng xuất khẩu.
- Đặc điểm dân số, trong đó số dân và nguồn lao động, cơ cấu dân số, sự phân bố dân cư và mạng lưới điểm quần cư, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố nội thương; đến việc tập trung sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cần nhiều lao động.
- Khoa học – công nghệ và chính sách có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cơ cấu thương mại, mở rộng hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, hình thành nhiều loại hình và phương thức hoạt động mới như thương mại điện tử, các siêu thị và trung tâm thương mại.
3. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NGÀNH THƯƠNG MẠI
Nội thương.
- Nội thương là hoạt động thương mại diễn ra bên trong phạm vi của một quốc gia.
- Nội thương thúc đẩy sản xuất hàng hoá; làm tăng nhu cầu tiêu dùng; đẩy mạnh phân công lao động giữa các vùng; tạo ra thị trường thống nhất trong nước; đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống;...
- Nội thương ngày cảng phát triển cùng với sự phát triển của xã hội. Việc mua bán diễn ra tại các cửa hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Xã hội hiện đại, con người có xu hướng chuyển sang mua sắm ở các siêu thị, trung tâm thương mại, mua bán online.
Ngoại thương.
- Ngoại thương là hoạt động thương mại diễn ra giữa các quốc gia trên thế giới, thông qua việc trao đổi hàng hoá, dịch vụ.
- Ngoại thương góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, khai thác được các lợi thế trong nước và tạo động lực phát triển kinh tế.
- Hoạt động ngoại thương gắn liền với xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ. Quan hệ so sánh giữa trị giá hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu với trị giá hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu gọi là cản cân xuất nhập khẩu.
- Hoạt động ngoại thương ngày càng phát triển. Xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập làm cho hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động và gia tăng nhanh chóng.
II. NGÀNH TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
a. VAI TRÒ. ĐẶC ĐIỂM
- Vai trò:
+ Là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu khác nhau của sản xuất và đời sống.
+ Tạo cơ hội cho nhà sản xuất và người dân thanh khoản trên thị trường, duy trì nguồn cung tài chính thông qua việc hình thành và sử dụng quỹ tiền tệ.
+ Điều tiết và ổn định nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng và phát triển kinh tế.
+ Góp phần hình thành quan hệ tích luỹ và tiêu dùng hợp lí.
- Đặc điểm:
+ Tài chính ngân hàng gồm hai bộ phận khăng khít với nhau là tài chính và ngân hàng. Tài chính liên quan đến vấn đề tiền tệ, còn ngân hàng liên quan đến việc thực hiện các giao dịch tài chính nhằm thanh toán, chỉ trả trong nội địa và quốc tế.
+ Các tổ chức tài chính và các ngân hàng có quy mô khác nhau dựa trên tài sản, doanh thu và đối tượng phục vụ.
+ Tính thuận tiện, nhanh chóng, lãi suất, phí dịch vụ quyết định tới việc lựa chọn các tổ chức tài chính và các ngân hàng của người tiêu dùng.
b. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NGÀNH TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
– Sự phát triển của nền kinh tế: kinh tế càng phát triển sẽ tạo ra nhiều tổng sản phẩm xã hội, cơ sở để tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ, đáp ứng nhu cầu chỉ tiêu hoặc tích luỹ tiền tệ của mọi chủ thể trong xã hội.
- Khoa học công nghệ, mức thu nhập của dân cư,... cũng ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố của tài chính ngân hàng.
- Chính sách tài chính ảnh hưởng đến sự phát triển và hiệu quả của ngành.
c. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NGÀNH TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG
- Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, sự nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống, chính sách tài chính năng động và phù hợp,... nên hoạt động tài chính ngân hàng ngày càng sôi động, nhiều tổ chức tài chính ngân hàng được thành lập trên thế giới và ở mỗi quốc gia.
- Một số trung tâm tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay là: Niu Y-oóc, Luân-đôn, Tô-ky-ô, Thượng Hải, Bắc Kinh, Xin-ga-po, Phran-phuốc, Zu-rích,...
III. DU LỊCH
- 1. VAI TRÒ, ĐẶC ĐIỂM CỦA NGÀNH DU LỊCH
- Vai trò
+ Kích thích sự phát triển của nhiều ngành kinh tế; mang lại nguồn thu ngoại tệ, tăng nguồn thu ngân sách cho quốc gia và địa phương.
+ Tạo nhiều việc làm, giảm nghèo; phục hồi sức khoẻ; tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia.
+ Góp phần khai thác, sử dụng hợp lí và hiệu quả tài nguyên bảo vệ, khôi phục và tôn tạo môi trường (tự nhiên và nhân văn).
- Đặc điểm:
+ Hoạt động du lịch thường gắn với tài nguyên du lịch, khách du lịch phải đến nơi có tài nguyên du lịch nhờ các dịch vụ du lịch để thoả mãn nhu cầu của mình.
+ Nhu cầu của khách du lịch rất đa dạng và phong phú, thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào thu nhập, nghề nghiệp, độ tuổi,...
+ Hoạt động du lịch thường có tính mùa vụ.
- 2. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NGÀNH DU LỊCH
+ Tài nguyên du lịch: Du lịch là một trong những ngành có sự định hướng tài nguyên rõ rệt.
+ Thị trường khách du lịch bao gồm khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế.
+ Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật ngành du lịch ảnh hưởng tới hoạt động.
- 3. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NGÀNH DU LỊCH
- Bước sang thế kỉ XXI, lượng khách du lịch quốc tế tăng lên không ngừng, từ 687,3 triệu lượt năm 2000 lên 1 460,0 triệu lượt năm 2019. Doanh thu từ du lịch cũng ngày càng lớn, tương ứng là 475,0 tỉ USD và 1 481,3 tỉ USD. Các hình thức du lịch ngày càng phong phú, từ truyền thống (du lịch biển, nghỉ dưỡng vùng núi, mạo hiểm,...) đến các hình thức mới (du lịch hội thảo, hội nghị, sự kiện, mua sắm,...). Các tuyến, tour và sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng.
- Những nước đứng hàng đầu thế giới về số lượt khách và doanh thu du lịch là Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Pháp, I-ta-li-a, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,...
Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây
Bình luận