Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Kết nối bài 8: Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta (trích Phát biểu của Tổng Thư kí Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, An-tô-ni-ô Gu-tê-rét)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 8: Biến đổi khí hậu - mối đe dọa sự tồn vong của hành tinh chúng ta (trích Phát biểu của Tổng Thư kí Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, An-tô-ni-ô Gu-tê-rét). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU-MỐI ĐE DỌA CHO SỰ TỒN VONG CỦA HÀNH TINH CHÚNG TA

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Nhận biết và phân tích được luận đề, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản; mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề. 

- Biết nhận xét, đánh giá tính chất đúng và sai của vấn đề đặt ra trong văn bản; liên hệ được ý tưởng, thông điệp trong văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội.

- Phân biệt được cách trình bày vấn đề khách quan (chỉ đưa thông tin) và cách trình bày chủ quan (thể hiện tình cảm, quan điểm của người viết).

PHẦN I. TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Tác giả An-tô-ni-ô Gu-tê-rét 

- An-tô-ni-ô Gu-tê-rét sinh năm 1949, là nhà chính trị và ngoại giao người Bồ Đào Nha.

- Năm 2017, ông được bầu làm Tổng Thư kí Liên hợp quốc.

2. Xuất xứ văn bản

Văn bản này là bài phát biểu của An-tô-ni-ô Gu-tê-rét, Tổng Thư kí Liên hợp quốc tại cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ở Niu Oóc, Hoa Kỳ) năm 2018.

3. Định hướng cách đọc hiểu văn bản nghị luận

Khi đọc hiểu văn bản nghị luận, cần phân tích được được mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề.

PHẦN II: TÌM HIỂU VĂN BẢN

1. Đọc và xác định luận đề, luận điểm của văn bản

- Luận đề: Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trở thành mối đe doạ sự tồn vong của hành tinh chúng ta.

- Các luận điểm:

+ Luận điểm 1 (từ đầu đến đang dần teo tóp lại): Một số biểu hiện cụ thể của hiện tượng biến đổi khí hậu trên thế giới và hậu quả của nó.

+ Luận điểm 2 (từ Ngọn núi phía trước chúng ta đến các khí phát thải đó gây ra): Cần có các giải pháp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

+ Luận điểm 3 (từ Đã đến lúc đến để lãng phí nữa): Trách nhiệm lớn lao của lãnh đạo các quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu.

+ Luận điểm 4 (phần còn lại): Tất cả phải hành động, không thể chậm trễ.

Mối quan hệ giữa các luận điểm: Các luận điểm có quan hệ chặt chẽ với nhau. Luận điểm trước là lí do, là cơ sở để nêu luận điểm tiếp đó, tạo thành một hệ thống lô-gíc.

2. Tìm hiểu các luận điểm

2.1. Tìm hiểu luận điểm 1: Một số biểu hiện cụ thể của hiện tượng biến đổi khí hậu trên thế giới và hậu quả của nó

- Tác giả bài phát biểu là ông An-tô-ni-ô Gu-tê-rét - Tổng Thư kí Liên hợp quốc. Ở cương vị này, tác giả có trách nhiệm rất lớn trước những vấn đề toàn cầu.

- Người nghe: nguyên thủ các quốc gia, những nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế, toàn thể nhân dân các nước trên thế giới.

- Lí do ông An-tô-ni-ô Gu-tê-rét phát biểu: Vấn đề biến đổi khí hậu đang là một "quả bom âm thanh SOS", con người phải đối mặt với “một mối đe doạ trực tiếp đến sự tồn vong.

- Tác giả cho rằng: "Chúng ta phải đối mặt với một mối đe doạ trực tiếp đến sự tồn vong" là thỏa đáng. Có thể khẳng định như vậy là bởi tác giả có điều kiện tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, có đủ các cứ liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn trên khắp thế giới. Những cứ liệu đó cho thấy, biến đổi khí hậu không phải là vấn đề riêng của quốc gia nào, mà là vấn đề toàn cầu.

- Một số thông tin khách quan được tác giả nêu: các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ biến đổi khí hậu, nhiều nhà lãnh đạo đã từ chối lắng nghe, băng ở Bắc Cực đang tan nhanh, nạn cháy rừng kéo dài và lan nhanh, các đại dương bị nhiễm a-xít nặng nề, ngày càng nhiều người buộc phải di cư khỏi quê nhà, ...

- Căn cứ để nhận biết thông tin khách quan: Các thông tin nêu trên là những điều đã xảy ra trong thực tế, có thể kiểm chứng, tác giả chỉ là người nêu lên chứ không phải tự nghĩ ra.

=> Việc nêu các thông tin khách quan cho thấy thực trạng nguy hiểm của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

2.2. Tìm hiểu luận điểm 2: Cần có các giải pháp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu

- Một số giải pháp để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu được tác giả nêu lên:

+ Thay đổi nhiên liệu hoá thạch bằng năng lượng sạch từ nước, gió và mặt trời.

+ Ngăn chặn nạn phá rừng, phục hồi rừng bị tàn phá.

+ Gắn kết kinh tế tuần hoàn với việc sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên.

+ Các quốc gia giàu có phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về khủng hoảng khí hậu.

- Theo tác giả, các giải pháp là khả thi vì “Ngọn núi phía trước chúng ta rất cao. Nhưng nó không phải là không thể vượt qua. Chúng ta biết cách để trèo qua nó".

2.3. Tìm hiểu luận điểm 3: Trách nhiệm lớn lao của lãnh đạo các quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu

- Tác giả nhấn mạnh trách nhiệm lớn lao của lãnh đạo các quốc gia về vấn đề biến đổi khí hậu:

+ Đã đến lúc các nhà lãnh đạo của chúng ta thể hiện rằng họ quan tâm đến những người mà họ nắm số phận trong tay.

+ Tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tới hội nghị thượng đỉnh [ ... ].

- Tác giả thúc giục lãnh đạo các quốc gia cần hành động trước vấn đề biến đổi khí hậu: nêu tầm nhìn của mình, thiết lập các liên minh tham gia vào chiến dịch vì tác động khí hậu, ...

- Với tư cách cá nhân và tư cách đại diện tổ chức Liên hợp quốc, Tổng Thư kí Liên hợp quốc cam kết sẽ tham gia vào những nỗ lực hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

2.4. Tìm hiểu luận điểm 4: Tất cả phải hành động, không thể chậm trễ

- Tác giả nhấn mạnh sự cấp thiết phải hành động trước vấn đề biến đổi khí hậu qua một số lí lẽ:

+ Chúng ta đang tiến đến bên bờ vực thẳm.

+ Mỗi ngày qua đi có nghĩa là thế giới lại nóng lên một chút và cái giá chúng ta phải trả cho sự thụ động của mình lại tăng thêm. 

+ Mỗi ngày chúng ta bỏ lỡ không hành động là một ngày chúng ta bước một chút gần hơn tới cái số phận mà không ai trong chúng ta mong muốn.

- Tác giả thể hiện sự lo lắng trước tình trạng biến đổi khí hậu nhưng ông vẫn tin tưởng con người sẽ hành động trước khi quá muộn (Thế giới trông chờ mỗi chúng ta chấp nhận sự thách thức trước khi quá muộn. Tôi trông chờ vào tất cả các bạn.).

PHẦN III. TỔNG KẾT

Thông điệp mà tác giả muốn truyền đi qua văn bản: Mọi người trên Trái Đất này, tuỳ vào vị thế và khả năng của mình, cần khẩn trương hành động để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu cũng như hạn chế những thiệt hại do tình trạng đó gây ra.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 KNTT bài 8: Biến đổi khí hậu - mối, kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 8: Biến đổi khí hậu - mối, Ôn tập Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 8: Biến đổi khí hậu - mối

Bình luận

Giải bài tập những môn khác