Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Kết nối bài 3: Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiện, Nguyễn Đình Chiểu)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 3: Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiện, Nguyễn Đình Chiểu). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

VĂN BẢN: LỤC VÂN TIÊN ĐÁNH CƯỚP,

 CỨU KIỀU NGUYỆT NGA

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thơ Nôm như: cốt truyện, nhân vật, lời thoại

- Nhận biết và phân biệt được lời người kể chuyện và lời nhân vật.

PHẦN I: TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Tác giả Nguyễn Đình Chiểu

- Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) là một trong những nhà văn Nam Bộ xuất sắc nhất thời trung đại.

- Ông quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế) nhưng sinh ra và lớn lên ở quê mẹ là tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

- Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu trải qua nhiều thăng trầm. Ông là tấm gương về nghị lực sống phi thường, khí tiết thanh cao, lòng yêu nước sâu nặng.

- Nguyễn Đình Chiểu để lại di sản văn chương đồ sộ, gồm nhiều tác phẩm truyện thơ Nôm, văn tế và thơ Đường luật.

- Năm 2021, Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO ra nghị quyết vinh danh và kỉ niệm 200 năm ngày sinh của ông.

2. Tác phẩm “Truyện Lục Vân Tiên"

- Truyện thơ Nôm, có đề tài, cốt truyện từ thực tế cuộc đời tác giả Nguyễn Đình Chiểu.

- Nội dung: kể về cuộc đời Lục Vân Tiên - một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ

song toàn, tài trí, nghĩa hiệp. Gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống nhưng Vân Tiên đã vượt qua, lập được công trạng lớn lao, có kết cục hạnh phúc viên mãn bên nàng Kiều Nguyệt Nga.

- Chủ đề: ngợi ca những tấm gương đạo đức cao đẹp, lên án những kẻ độc ác, tham tàn, gửi gắm khát vọng tình yêu tự do, khát vọng công lí, thể hiện mơ ước của nhân dân về người anh hùng cứu nhân độ thế.

- Nghệ thuật: nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.

3. Định hướng cách đọc hiểu đoạn trích trong truyện thơ Nôm

Đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" nằm ở đầu tác phẩm, giới thiệu nhân vật chính và hành động anh hùng của Lục Vân Tiên khi cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp. Bố cục gồm ba phần: gặp nạn, chiến đấu, và cảm tạ. Nhân vật chính là Lục Vân Tiên (dũng cảm, nghĩa hiệp) và Kiều Nguyệt Nga (hiền lành, biết ơn). Ngôn ngữ giản dị, mộc mạc. Chủ đề ca ngợi tinh thần anh hùng và lòng biết ơn.

PHẦN II: TÌM HIỂU VĂN BẢN

1. Tìm hiểu vị trí, bố cục của đoạn trích và hệ thống nhân vật, sự việc được kể

1.1 Vị trí đoạn trích

Đoạn trích nằm ở phần đầu tác phẩm (phần Gặp gỡ), gồm 44 câu, từ câu 123 đến câu 180 (có lược bớt một số câu).

1.2 .Bố cục

- 14 câu thơ đầu (Vân Tiên ghé lại bên đàng... Bị Tiên một gậy thác rày thân vong): Lục Vân Tiên tả đột hữu xông đánh bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga.

- 24 câu thơ tiếp (Dẹp rồi lũ kiến chòm ong... Lấy chỉ cho phỉ tấm lòng cùng ngươi): Kiều Nguyệt Nga giãi bày tình cảnh, thểhiện lòng biết ơn và mong muon đen ơn Lục Văn Tiên.

- 6 dòng thơ cuối: Lục Vân Tiên đáp lời Kiều Nguyệt Nga, bày tỏ quan niệm về việc nghĩa và về người anh hùng.

1.3 Hệ thống nhân vật và sự việc được kể

- Hệ thống nhân vật:

+ Lục Vân Tiên: người anh hùng đánh cướp

+ Phong Lai và bè lũ: bọn cướp.

+ Kiều Nguyệt Nga, thị nữ Kim Liên: người gặp nạn, được Lục Vân Tiên cứu giúp.

=> Đoạn trích tái hiện mô-típ anh hùng tiêu diệt kẻ cướp cứu mĩ nhân.

- Sự việc được kể: Lục Vân Tiên trừng trị bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga.

2. Hình tượng Lục Vân Tiên

2.1. Người anh hùng đánh cướp cứu dân

- Lí do đánh cướp: Lục Vân Tiên trừng trị bọn cướp để bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân. Chàng bất bình trước hành động ngang ngược của bọn cướp, xót thương cho những người dân lành bị ức hiếp: 

Kêu rằng:“Bớ đảng hung đổ

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân".

- Phương tiện khắc hoạ nhân vật: lời kể, miêu tả của người kể chuyện và lời thoại của nhân vật.

- Phẩm chất, tính cách của nhân vật: Lời nói thể hiện tấm lòng nhân hậu, tinh thần nghĩa hiệp. Hành động một mình đối đầu với lũ cướp hung hãn, tay không mà khiến lâu la bốn phía vỡ tan, quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay cho thấy lòng quả cảm, sự mưu trí, tài năng võ nghệ cao cường và tinh thần vì nghĩa quên thân của người anh hùng.

- Tình cảm, thái độ của người kể chuyện với nhân vật: qua cách kể, cách miêu tả sự việc và nhân vật, tác giả thể hiện lòng yêu mến, ngưỡng mộ và ngợi ca đối với Lục Vân Tiên.

2.2. Người anh hùng trọng nghĩa khinh tài, ân cần chu đáo

- Sau khi đánh cướp, Lục Vân Tiên ân cần hỏi han người gặp nạn: 

Hỏi: "Ai than khóc ở trong xe nấy?” 

=> tính cách tận tâm, chu đáo.

- Trước lời tri ân và mong muốn báo đáp ơn nghĩa của Kiều Nguyệt Nga, Luc Vân Tiên chỉ cười và từ chối:

 Làm ơn há dễ trông người trả ơn. 

Với chàng, làm việc nghĩa là bổn phận, trách nhiệm của người anh hùng: 

Nhớ câu kiến nghĩa bất vi

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng. 

=> tính cách hào hiệp, không vụ lợi.

- Qua lời kể, lời miêu tả của người kể chuyện và lời bộc bạch của chính nhân vật, Lục Vân Tiên hiện lên với vẻ đẹp nghĩa hiệp, phóng khoáng, mang bóng dáng trang anh hùng hảo hán thuở xưa. Hình tượng Lục Vân Tiên gửi gắm tâm sự của Nguyễn Đình Chiểu: ước mơ về mẫu hình người anh hùng lí tưởng nhân - trí - dũng kiêm toàn, quang minh chính đại, sẵn sàng xả thân trừ bạo, bảo vệ cuộc sống yên bình của người dân.

3. Hình tượng Kiều Nguyệt Nga

- Nhân vật Kiều Nguyệt Nga được xây dựng trong sự sóng đôi với Lục Vân Tiên: trai anh hùng - gái thuyền quyên.

- Nhân vật xuất hiện chủ yếu qua ngôn ngữ đối thoại. Kiều Nguyệt Nga không lộ diện trực tiếp, chỉ dùng lời nói để bày tỏ suy nghĩ, tình cảm, quan niệm của mình.

- Qua cách xưng hô (quân tử - tiện thiếp, chàng - thiếp), lời kể khiêm nhường (Làm con đâu dám cãi cha/ Ví dầu ngàn dặm đường xa cũng đành), lời bộc bạch chân tình (Xin cho tiện thiếp ... , Xin theo cùng thiếp), ... có thể thấy đây là người con gái hiếu thảo, đoan trang, khiêm nhường, dịu dàng, trọng ân nghĩa.

- Nhân vật Kiều Nguyệt Nga thể hiện quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu về mẫu hình người phụ nữ lí tưởng: hiền hậu, nết na, khiêm nhường, trọng tình nghĩa.

III. TỔNG KẾT

- Chủ đề:

+ Ca ngợi người anh hùng trí dũng song toàn, diệt bạo trừ gian, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.

+ Ca ngợi lối sống trọng ân nghĩa.

+ Thể hiện khát vọng công lí, ước mơ về mẫu anh hùng “cứu khốn, phò nguy".

- Nghệ thuật:

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: tập trung khắc hoạ con người ngoại hiện, quan tâm đến ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.

+ Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: đậm chất Nam Bộ (đàng, xông vô, bức thơ, hay vầy, ... ), mộc mạc, bình dị, gần gũi; sử dụng từ Hán Việt và điển tích, điển cố khá nhuần nhuyễn.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 KNTT bài 3: Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu, kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 3: Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu, Ôn tập Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 3: Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu

Bình luận

Giải bài tập những môn khác