Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Cánh diều bài 2: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Trích Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 cánh diều bài 2: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (Trích Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 2.2. VĂN BẢN LỤC VÂN TIÊN CỨU KIỀU NGUYỆT NGA

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Xác định và phân tích được chủ đề, tư tưởng, thông điệp mà văn bản truyện thơ Nôm muốn gửi đến người đọc thông qua hình thức nghệ thuật như: cốt truyện, nhân vật, lời thoại.

I. KIẾN THỨC NGỮ VĂN

1. Lời đối thoại và lời độc thoại

- Lời đối thoại là lời các nhân vật trao đổi với nhau trong một cuộc hội thoại. Trong ngôn ngữ viết, lời đối thoại được đặt sau dấu gạch ngang đầu dòng hoặc đặt trong dầu ngoặc kép.

- Lời độc thoại là lời của nhân vật nói với chính mình hoặc nói với một người nào đó trong tưởng tượng. Độc thoại thường diễn tả suy nghĩ, tình cảm đang diễn ra trong nội tâm nhân vật.

+ Nếu văn bản dẫn trực tiếp lời độc thoại thì lời độc thoại được đặt trong dấu ngoặc kép hoặc sau dấu gạch ngang đầu dòng. 

+ Nếu lời độc thoại chỉ được dẫn giản tiếp thì không dùng các dấu ngoặc kép hoặc gạch ngang đầu dòng.

+ Lời độc thoại có thể bao hàm lời đối thoại với chính mình.

+ Trong truyện thơ Nôm, độc thoại thường được thể hiện qua việc miêu tả thiên nhiên với bút pháp tả cảnh ngụ tình nhằm bộc lộ thế giới nội tâm của nhân vật.

- Lời đối thoại và lời độc thoại đều góp phần thể hiện rõ thái độ, tình cảm, đặc điểm và tính cách nhân vật

5. Một số căn cứ để xác định chủ đề

Các yếu tố cơ bản tạo nên tác phẩm (cốt truyện, chi tiết, nhân vật, sự kiện…).

- Đề tài tác phẩm.

- Một số nhan đề cũng có thể là căn cứ xác định chủ đề (Ví dụ: Đoạn trường tân thanh – Nguyễn Du).

II. TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN BẢN

1. Đọc

- Cách đọc: cần thể hiện được sự mạnh mẽ, giọng đanh thép của Lục Vân Tiên khi đối mặt với toán cướp, sự nhẹ nhàng, dịu dàng của Kiều Nguyệt Nga khi trò chuyện.

- Câu hỏi trong hộp chỉ dẫn:

Câu trả lời của tôi

1, Ghé, xông vô, thiệt, tiểu thơ, ví dầu,…

2, Bẻ gậy, xông vô, tả đột hữu xông,…

3, Lạy rồi thưa, xin theo hầu hạ Lục Vân Tiên.

4, Từ chối vì chàng giúp mà không cầu người trả ơn.

2. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

a. Tác giả

- Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) quê gốc ở tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế) nhưng được sinh ra ở quê mẹ là phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).

- Ông đỗ tú tài năm 1843, năm 1849 ra Huế chuẩn bị thi tiếp thì mẹ mất, phải về Gia Định chịu tang. Trên đường về, Nguyễn Đình Chiểu ốm nặng, bị mù cả hai mắt. 

- Ở quê mẹ, ông dạy học và bốc thuốc. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Đình Chiểu đã tham gia phong trào kháng chiến chống giặc. Ông là tấm gương mẫu mực về nghị lực sống phi thường, khí tiết thanh cao và lòng yêu nước tha thiết, mãnh liệt.

- Nguyễn Đình Chiểu để lại một di sản văn chương quý giá, gồm các tác phẩm truyện thơ Nôm: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp; một số bài văn tế và thơ Đường luật. 

- Năm 2021, Nguyễn Đình Chiểu được UNESCO ra nghị quyết vinh danh và kỉ niệm 200 năm ngày sinh của ông.

b. Tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên

- Truyện Lục Vân Tiên là một tác phẩm truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19.

- Truyện Lục Vân Tiên ngợi ca những con người hiếu thảo, nhân hậu, thuỷ chung, nghĩa khí; lên án những kẻ phi nghĩa, bất nhân; thể hiện khát vọng công lí và ước mơ của nhân dân về mẫu người anh hùng “cứu khốn, phò nguy”. Tác phẩm cũng kết tinh nhiều thành tựu nghệ thuật: xây dựng được nhiều nhân vật có tính cách rõ nét, sinh động; ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói của nhân dân; kết hợp tính cổ điển, bác học với chất dân gian và đậm đà màu sắc Nam Bộ.

c. Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

- Nằm ở phần đầu của tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên, kể lại sự việc Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu được Kiều Nguyệt Nga.

III. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Bố cục, lời thoại, hệ thống nhân vật trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga

a. Bố cục

- Mười bốn dòng thơ đầu (từ Vân Tiên ghé lại bên đàng đến Bị Tiên một gậy thác rày thân vong): Lục Vân Tiên ra tay trừng trị bọn cướp, cứu người gặp nạn.

- Hai mươi tư dòng thơ tiếp (từ Dẹp rồi lũ kiến chòm ong đến Lấy chỉ cho phỉ tấm lòng cùng ngươi): Lục Vân Tiên hỏi han, an ủi Kiểu Nguyệt Nga.

- Sáu dòng thơ cuối: Lục Vân Tiên bày tỏ quan niệm sống và quan niệm về người anh hùng.

b. Lời thoại

- Lời người kể chuyện: 

+ “Vân Tiên ghé lại bên đàng/ Bẻ cây làm gậy nhắm làng xông vô”.

+ “Kêu rằng”.

+ “Phong Lai mặt đỏ phừng phừng”.

+ “Vân Tiên tả đột hữu xung/…chòm ong”.

+ “Hỏi”, “Thưa rằng”.

+ “Vân Tiên nghe nói liền cười”.

- Lời đối thoại: 

+ Lục vân Tiên nói với Phong Lai: ““Bớ đảng hung đồ/ Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.

Phong Lai nói: “Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây?/ Trước gây việc dữ tại mầy,/ Truyền quân bốn phía phủ vây bị bùng”.

+ Lục Vân Tiên nói với Kiều Nguyệt Nga: “Ai than khóc trong xe này?, “Làm ơn há dễ trông người trả ơn/…Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

+ Kiều Nguyệt Nga nói với Lục Vân Tiên: “Tôi Kiều Nguyệt Nga,/…Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi”.

c. Sự việc được kể và hệ thống nhân vật trong đoạn trích.

- Hệ thống nhân vật:

+ Lục Vân Tiên: người anh hùng đánh cướp

+ Phong Lai và bè lũ: bọn cướp.

+ Kiều Nguyệt Nga, thị nữ Kim Liên: người

gặp nạn, được Lục Vân Tiên cứu giúp.

=>  Đoạn trích tái hiện mô-típ anh hùng tiêu diệt kẻ cướp cứu mĩ nhân.

- Sự việc được kể: Lục Vân Tiên trừng trị bọn cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga.

2. Hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên

a. Giới thiệu về nhân vật Lục Vân Tiên

- Là con trai của một gia đình nông dân ở huyện Đông Thành, khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ.

- Nghe tin triều đình mở khoa thi, Vân Tiên từ giã thầy xuống núi đua tài, giữa đường chàng đã đánh tan bọn cướp Phong Lai, cứu được Kiều Nguyệt Nga.

b. Lục Vân Tiên khi đánh cướp cứu người

- Lí do khiến Lục Vân Tiên quyết định ra tay trừng trị bọn cướp được thể hiện rõ qua lời nhân vật: Kêu rằng:Bớ đảng hung đồ/ Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”. 

=> Đó là sự phẫn nộ trước hành động ngang ngược, bất lương của bọn cướp, nỗi xót thương cho những người dân lành bị ức hiếp. Đó còn là tinh thần nghĩa hiệp, không thể thờ ơ trước sự bất công, ngang trái.

- Từ ngữ, hình ảnh biểu hiện tính cách nhân vật:

+ Khi Lục Vân Tiên quyết định trừng trị bọn cướp: cử chỉ dứt khoát, hành động mạnh mẽ, quyết đoán, không chút ngập ngừng (ghé lại, bẻ cây, xông vô) mặc dù chỉ là việc “giữa đường” và biết rõ bọn cướp đông đúc, hung hãn, tàn ác như thế nào.

+ Khi Lục Vân Tiên tung hoành giữa vòng vây, đánh tan bọn cướp: tả đột hữu xông, bị Tiên một gậy.... : thể hiện lòng quả cảm và võ nghệ cao cường.

Thái độ, tình cảm của người kể chuyện được thể hiện qua cách kể, cách miêu tả sự việc và nhân vật. Ta thấy được tình cảm yêu mến, trân trọng của người kể chuyện. Qua lời kể, Lục Vân Tiên hiện lên với vẻ đẹp của người anh hùng quả cảm, nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu giúp, bảo vệ dân lành.

c. Lục Vân Tiên ứng xử với Kiều Nguyệt Nga.

- Sau khi đánh cướp, Lục Vân Tiên ân cần hỏi han người gặp nạn: Hỏi: “Ai than khóc ở trong xe nấy?”. => Tính cách tận tâm, chu đáo.

- Trước lời tri ân và mong muốn báo đáp ơn nghĩa của Kiều Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên chỉ cười và từ chối: “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Với chàng, làm việc nghĩa là bổn phận, trách nhiệm của người anh hùng: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”. => Tính cách hào hiệp, không vụ lợi.

d. Quan niệm về người anh hùng

- Sáu dòng thơ cuối thể hiện rất rõ quan niệm về người anh hùng của nhân vật Lục Vân Tiên: 

+ Cứu giúp, làm ơn cho người khác mà không màng tới sự báo đáp (Làm ơn há dễ trông người trả ơn,/ Nào ai tính thiệt so hơn làm gì).

+ Coi việc nghĩa là bồn phận, trách nhiệm của người anh hùng (Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng).

3. Hình tượng nhân vật Kiều Nguyệt Nga

a. Hoàn cảnh xuất hiện

Cha nàng vì muốn con được sống trong giàu sang phú quý nên đã ép nàng lấy một người mà nàng chưa hề biết mặt. Vâng mệnh đấng sinh thành, Nguyệt Nga cùng cô hầu đến nơi cha làm việc. Giữa đường, nàng gặp toán cướp Phong Lai uy hiếp. May thay, Lục Vân Tiên vừa đi tới đã ra tay cứu giúp. Nàng đem lòng mến thương chàng từ đó.

b. Từ ngữ, hình ảnh khắc họa

- Nhân vật Kiểu Nguyệt Nga được xây dựng trong sự sóng đôi với Lục Vân Tiên: trai anh hùng – gái thuyền quyên.

- Nhân vật xuất hiện chủ yếu qua ngôn ngữ đối thoại. Kiểu Nguyệt Nga không lộ diện trực tiếp, chỉ dùng lời nói để bày tỏ suy nghĩ, tình cảm, quan niệm của mình.

- Lối xưng hô (quân tử, chàng – thiếp) và lời nói khiêm nhường, lễ phép, thể hiện thái độ trân trọng ân nhân: Thưa rằng... Xin cho tiện thiếp... Xin theo cùng thiếp...

- Chi tiết xin được lạy tạ ơn cứu mạng và thiết tha mời Lục Vân Tiên đến nơi cha mình đang làm quan để báo đến ân nghĩa.

c. Phẩm chất, tính cách

Nhân vật Kiểu Nguyệt Nga thể hiện quan niệm của Nguyễn Đình Chiểu về mẫu hình người phụ nữ lí tưởng: hiền hậu, nết na, khiêm nhường, trọng tình nghĩa.

4. Tổng kết

a. Nội dung

- Chủ đề: thể hiện khát vọng hành động hành đạo giúp đời của tác giả và khắc hoạ những phẩm chất tốt đẹp của hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình thủy chung. 

=> Căn cứ vào nhan đề đoạn trích và các thành tố tạo nên tác phẩm (nhân vật, sự kiện…).

- Tư tưởng, tình cảm của tác giả:

+ Ca ngợi người anh hùng trí dũng song toàn, diệt bạo trừ gian, bảo vệ cuộc sống yên bình cho nhân dân.

+ Ca ngợi lối sống trọng ân nghĩa.

+ Thể hiện khát vọng công lí, ước mơ về mẫu anh hùng “cứu khốn, phò nguy".

b. Nghệ thuật

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: tập trung khắc hoạ con người ngoại hiện, quan tâm đến ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.

- Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: đậm chất Nam Bộ (đàng, xông vô, bức thơ, hay vây,...), mộc mạc, bình dị, gần gũi; sử dụng từ Hán Việt và điển tích, điển cố khá nhuần nhuyễn.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 CD bài 2: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt, kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 cánh diều bài 2: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt, Ôn tập Ngữ văn 9 cánh diều bài 2: Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt

Bình luận

Giải bài tập những môn khác