Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Cánh diều bài 1: Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 cánh diều bài 1: Sông núi nước Nam (Nam quốc sơn hà). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 1.1. VĂN BẢN SÔNG NÚI NƯỚC NAM

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Xác định và phân tích được một số đặc điểm của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt như: niêm, luật, vần,... và bố cục, chủ đề của văn bản

- Biết vận dụng kiến thức lịch sử văn học để đọc hiểu văn bản

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Thơ đường luật và thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

a. Khái niệm

  • Thơ đường luật

Thơ đường luật hay còn gọi là thơ cận thể hay thơ cách luật. Là một loại thơ làm theo luật thơ được đặt ra từ thời nhà Đường bao gồm có 3 loại: thơ bát cú (mỗi bài 8 câu), thơ tứ tuyệt (mỗi bài 4 câu), thơ bài luật (dạng kéo dài của thơ Đường luật). Trong đó điển hình nhất là thơ thất ngôn bát cú.

+ Ngôn ngữ thơ đường luật rất cô đọng, hàm súc. Bút pháp tả cảnh thiên về gợi và ngụ tình. Ý thơ gắn với mối liên hệ giữa tình và cảnh, tĩnh và động, thời gian và không gian, quá khứ và hiện tại, hữu hạn và vô hạn….

  • Thơ thất ngôn tứ tuyệt

Là thể thơ mỗi bài có 4 câu và mỗi câu gồm có 7 chữ. Trong đó các câu 1,2,4 hoặc chỉ có câu 2,4 hiệp vần với nhau ở chữ cuối.

+ Bố cục: 4 phần

  • Câu 1: Hay còn gọi là câu khai mở ý bài thơ.

  • Câu 2: Câu thừa thường làm rõ thêm ý và mạch cảm xúc của phần khai.

  • Câu 3: Chuyển. 

  • Câu 4: Kết ý.

+ Về luật: Luật thơ là cách sắp đặt tiếng bằng, tiếng trắc trong các câu của một bài thơ. Luật bằng trắc thường được tóm tắt bằng câu: “nhất - tam - ngũ bất luận, nhị - tứ - lục phân minh” nghĩa là tiếng thứ nhất thứ ba, thứ năm trong câu không cần sắp xếp theo đúng luật bằng trắc, còn tiếng thứ hai thứ tư và thứ sáu trong câu càn thể hiện luật bằng trắc rõ ràng.

+ Về niêm: Thất ngôn tứ tuyệt quy định câu 1 niêm với câu 4 và câu 2 niêm với câu 3.

+ Về vần: Cách gieo vần của thơ đường luật là cả bài thơ chỉ hiệp theo một vần. Vần gieo ở cuối câu thơ đầu và cuối các câu chẵn, vần được sử dụng thường là vần bằng.

+ Nhịp: Cách ngắt nhịp của các câu thơ thường là 2/2/3 hoặc 4/3 đối với thất ngôn.

+ Về đối: Cách đặt câu sóng đôi sao cho. ý và chữ trong hai câu ấy cân xứng với nhau. Thơ tứ tuyệt không có quy định khắt khen và cụ thể như thơ thất ngôn bát cú.

b. Sơ đồ cách gieo vần, niêm luật của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

1

2

3

4

5

6

7

 

T

 

B

 

T

Vần

 

B

 

T

 

B

Vần

 

B

 

T

 

B

 

 

T

 

B

 

T

Vần

2. Đọc văn bản

a. Hoàn cảnh sáng tác

+ Bài thơ hiện chưa rõ tác giả được ghi chép trong sách “Lĩnh Nam chích quái” (Lựa chọn những chuyện quái lạ ở Lĩnh Nam cuối thế kỉ XIV), ghi việc Lê Đại Hành năm 981 trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược đã được hai vị thần sông Như Nguyệt (Sông Cầu) là hai anh hùng dân tộc Trương Hồng, Trương Hát hiển linh phù trợ, ngâm bài thơ giữa không trung khiến quân giặc tan vỡ.

+ Sách “Việt điện u linh tập” sau này được “Đại Việt sử kí toàn thư” chép lại, ghi việc Lý Thường Kiệt năm 1076 khi lập phòng tuyến sông Như Nguyệt chống lại quân Tống, một đêm quân sĩ nghe thấy trong đền tiếng thần ngâm thơ. Quả nhiên quân Tống thảm bại đúng như lời bài thơ.

+ Người xưa gọi đây là bài thơ Thần. Bài thơ vốn không có nhan đề thời hiện đại một số sách ghi tên tác giả là Lý Thường Kiệt và đặt tên bài thơ là “Nam quốc sơn hà.”

+ Bài thơ được coi là “bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên” của dân tộc

+ Gọi là bài thơ Thần vì: Bài thơ không rõ ai sáng tác nhưng lại được ngâm trong đền và tiên đoán trước được kết cục thảm bại của quân địch.

b. Bố cục bài thơ

Bài thơ được chia làm 2 phần chính:

+ Phần 1: 2 câu đầu: Giới thiệu về độc lập chủ quyền và khẳng định tính tất yếu không thể thay đổi của chủ quyền đất nước.

+ Phần 2: 2 câu cuối: Cảnh cáo quân giặc sang xâm lược và khẳng định kết cục không tốt đẹp của quân giặc khi xâm lược lãnh thổ nước Nam.

c. Cảm hứng chủ đạo và chủ đề tác phẩm

- Cảm hứng chủ đạo của tác phẩm: là tình cảm yêu nước mãnh liệt lòng tự tôn dân tộc sâu sắc và ý thức chủ quyền của dân tộc.

- Chủ đề tác phẩm: thể hiện chủ quyền về lãnh thổ của đất nước và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đó trước mọi kẻ xâm lược.

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT1

1. Giới thiệu về độc lập chủ quyền và khẳng định tính tất yếu không thể thay đổi của chủ quyền đất nước.

 “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”

  • Câu thơ đầu giới thiệu vấn đề chủ quyền và khẳng định tính tất yếu không thể thay đổi của chủ quyền đất nước. 

  • Trong câu thơ đầu tác giả dùng từ “Nam quốc” và “Nam đế”. Để khẳng định sự chính danh của quốc gia của các bậc đế vương có chủ quyền trên lãnh thổ của mình. Tác giả dùng “Nam đế” như một cách khẳng định vị thế của nước Nam ngang hàng với phương Bắc. Bởi lẽ theo quan niệm của Trung Hoa chỉ duy nhất vua của Trung Hoa mới được phép xưng hoàng đế, thiên tử còn các nước khác chỉ xứng đáng làm vương, chư hầu mà thôi. Sự khẳng định chắc nịch “Nam quốc”, “Nam đế” cho thấy chủ quyền độc lập của nước Nam là bình đẳng với Trung Hoa. 

  • Câu thơ ngắt nhịp 4/3 tách hai vế “sông núi nước Nam” và “Vua Nam ở” có sự quan hệ mật thiết với nhau. Cho thấy ý thức về không gian lãnh thổ đất nước quan trọng nhưng việc xác định quyền làm chủ đối với lãnh thổ ấy còn quan trọng hơn.

  • Cơ sở xác định chủ quyền dân tộc được thể hiện vô cùng rõ qua câu thơ thứ hai:

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”

Trong câu thơ này tác giả dùng từ “tiệt nhiên” có nghĩa là rành rành, rõ ràng có đạo lí chính đáng mà không ai có thể thay đổi hay chối cãi được. “Định phận” là xác định các phần, trong trường hợp này được hiểu chính là chủ quyền lãnh thổ đất nước thiêng liêng.

Điều này đã được khẳng định ở “thiên thư” (sách trời). Nó giống như một định luật, một điều hiển nhiên về chủ quyền đất nước mà không ai có thể chối cãi được.

  • Nếu câu đầu là sự khẳng định thì câu thơ thứ hai là sự chứng minh. Tuy có phần duy tâm song nó hoàn toàn phù hợp với bối cảnh lịch sử đương thời.

2. Cảnh cáo quân giặc sang xâm lược và khẳng định kết cục không tốt đẹp của quân giặc khi xâm lược lãnh thổ nước Nam.

  • Từ việc khẳng định chủ quyền của đất nước, tác giả đã đi đến lời lên án và khẳng định đanh thép về ý chí quyết tâm chống giặc của con dân Đại Việt.

“Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”

- “Như hà” có nghĩa là làm sao, “nghịch” là trái ngược, “lỗ” là bọn mọi rợ có thể hiểu là bọn giặc ngoại xâm. 

Bọn chúng không chỉ xâm phạm đe dọa nền độc lập hòa bình của dân tộc mà còn giày xéo đất đai  khiến nhân dân phải chịu nhiều đau khổ. 

- Tác giả sử dụng câu hỏi tu từ  vừa thể hiện thái độ ngạc nhiên lại khinh bỉ. Ngạc nhiên bởi chúng dám chống lại ý trời, can thiệp vào sự xoay vần của tạo hóa. Khinh bỉ là bởi một nước vốn cho mình ở vị thế cao hơn nhưng lại ỉ mạnh ăn hiếp nước yếu. 

  • Chính vì lẽ đó nên việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước chính là hợp lòng dân ý trời. Ta bảo vệ đất nước giang sơn mà tổ tiên bao đời gây dựng bảo vệ cuộc sống của những người dân nghèo, ta bảo vệ chính nghĩa.

Vì thế nên đứa nào dám xâm phạm chủ quyền “Nam quốc” đều sẽ chịu trừng phạt thích đáng.

“Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

- “Nhữ đẳng” là đại từ nhân xưng là lũ bây, “khan” là cách đọc khác của xem. “Thủ” là nhận lấy, “bại” là thua. Kết quả này chính là một lẽ tất yếu không hề viển vông cũng không ảo tưởng. Nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố của lòng dân, của tình yêu nước mãnh liệt và của cả ý trời.

=> Hai câu thơ đầu và hai thơ cuối có mối liên hệ mật thiết với nhau. Nếu như hai câu đầu là “tiền đề”, là “cơ sở” để khẳng định chủ quyền thì hai câu cuối được xem là “hệ quả” là “ kết cục” nếu như kẻ nào ngông nghênh dám làm trái “ý trời”. Nước Nam là một, có chủ quyền có ranh giới đã được phân định bởi tự nhiên bởi thiên mệnh vì thế nếu kẻ nào dám “đi ngược” lại điều đó sẽ phải chịu thất bại.

- Cho đến hiện tại ý nghĩa của bài thơ Sông núi nước Nam vẫn còn nguyên giá trị “thời sự” đối với thế hệ trẻ ngày nay và cả mãi về sau. Lịch sử Việt Nam viết lên bằng máu và nước mắt của biết bao thế hệ, biết bao con người đã anh dũng ngã xuống để “nhuộm đỏ” màu cờ dân tộc vì thế mỗi con người sinh ra đều phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ nền độc lập chủ quyền đấy. Không phải là trách nhiệm đối với dân tộc mà là trách nhiệm với chính bản thân mình. Sinh ra trong thời bình, khi đất nước sạch bóng quân thù, mỗi chúng ta cần phải rèn luyện đạo đức, trau dồi tri thức để đưa đất nước sánh ngang với các cường quốc năm châu.

III. Tổng kết

1. Nội dung

  • Đây được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, được coi như bài thơ thần vì đó là sự khẳng định vững chắc quyền tồn tại độc lập và bình đẳng của non sông nam quốc.

  • Đó cũng là quyết tâm sắt đá của Vua tôi Đại Việt nhất định sẽ đập tan mọi âm mưu và hành động liều lĩnh, ngông cuồng của bất cứ bọn xâm lược nào dù chúng mạnh và nham hiểm đến đâu.

2. Nghệ thuật

  • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn.

  • Giọng thơ đanh thép, hùng hồn, dõng dạc.

  • Sử dụng những dẫn chứng lịch sử hùng hồn cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Dồn nén xúc cảm trong hình thức thiên về nghị luận, trình bày ý kiến.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 CD bài 1: Sông núi nước Nam (Nam quốc, kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 cánh diều bài 1: Sông núi nước Nam (Nam quốc, Ôn tập Ngữ văn 9 cánh diều bài 1: Sông núi nước Nam (Nam quốc

Bình luận

Giải bài tập những môn khác