Lý thuyết trọng tâm Địa lí 9 Chân trời bài 13: Bắc Trung Bộ

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Địa lí 9 chân trời sáng tạo bài 13: Bắc Trung Bộ. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 13: BẮC TRUNG BỘ

I. Mục tiêu bài học

- Xác định được trên bản đồ vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của Bắc Trung Bộ.

- Trình bày được đặc điểm phân hoá của tự nhiên và giải thích ảnh hưởng của tự nhiên đến sự hình thành cơ cấu kinh tế của Bắc Trung Bộ.

- Trình bày và giải thích được đặc điểm phân bố dân cư ở Bắc Trung Bộ.

- Phân tích được sự phát triển và phân bố kinh tế ở Bắc Trung Bộ.

- Phân tích được thế mạnh về du lịch, vấn đề phát triển kinh tế biến ở Bắc Trung Bộ.

II. Bài học

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Lãnh thổ kéo dài, hẹp ngang, gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Diện tích tự nhiên khoảng 51,2 nghìn km2, chiếm gần 15,5% diện tích cả nước (2021).

- Có vùng biển rộng lớn, đường bờ biển dài, nhiều đảo, một số đảo ven bờ lớn có ý nghĩa về kinh tế và an ninh quốc phòng như hòn Mê (Thanh Hóa), hòn Ngư (Nghệ An), đảo Yến (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị),…

- Giáp vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Nam Trung Bộ và nước láng giềng Lào; phía đông là Biển Đông.

2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

- Địa hình: Bắc Trung Bộ có lãnh thổ và địa hình độc đáo, lãnh thổ trải dài theo chiều bắc - nam, các dạng địa hình từ tây sang đông phổ biến với núi, đồi ở phía tây, đồng bằng ven biển và vùng biển đảo ở phía đông. 

=> Tạo điều kiện hình thành cơ cấu kinh tế đặc trưng lâm nghiệp, nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng hải sản.

- Đất: Bắc Trung Bộ có đất phù sa ở đồng bằng thuộc Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh,...; đất cát phân bố ven biển phía đông; khu vực đồi núi phía tây có đất feralit; thuận lợi phát triển sản xuất lương thực, trồng cây công nghiệp hàng năm, cây công nghiệp lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn và trồng rừng.

- Khí hậu: nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Đầu mùa hạ chịu ảnh hưởng của gió phơn Tây Nam gây ra thời tiết khô nóng, lượng mưa lớn tập trung vào cuối mùa hạ. 

=> Ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động sản xuất, nhất là đến tính mùa vụ, tình hình phân bố và đa dạng hoá cơ cấu cây trồng.

- Nước: Sông ngòi Bắc Trung Bộ thường ngắn và dốc, một số sông lớn trong vùng là sông Mã, sông Cả, sông Gianh,... Thượng lưu các con sông nước chảy xiết, nhiều thác ghềnh tạo giá trị thuỷ điện; hạ lưu sông thuận lợi phát triển giao thông đường thuỷ, du lịch. Một số sông ngòi ở đây gần với giá trị văn hoá, lịch sử của dân tộc. Ngoài ra, Bắc Trung Bộ có nguồn nước ngầm, nước khoáng khá phong phú với một số mỏ lớn như Bang (Quảng Bình), Thanh Tân (Thừa Thiên Huế)....

- Rừng: 

+ Tài nguyên rừng khá lớn với 3,1 triệu ha đất lâm nghiệp có rừng, trong đó có 2,2 triệu ha đất rừng tự nhiên (năm 2021), cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Rừng ở đây phần lớn là rừng phòng hộ ở ven biển và rừng đầu nguồn ở vùng núi phía tây.

+ Có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài quý hiếm như trầm hương, sao la, voọc,... Nơi đây có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Luông, Kẻ Gỗ,...), các vườn quốc gia (Bến En, Pù Mát, Phong Nha - Kẻ Bàng,...) và khu dự trữ sinh quyển thế giới (Tây Nghệ An) đem lại giá trị cao về mặt môi trường.

- Khoáng sản: Bắc Trung Bộ có nguồn khoáng sản phong phú, một số loại có trữ lượng lớn như crôm (Cổ Định, Thanh Hoá); sắt (Thạch Khê, Hà Tĩnh); thiếc (Quỳ Hợp, Nghệ An); đá vôi xi măng ở hầu hết các tỉnh, nhiều nhất ở Thanh Hoá, Nghệ An;... tạo thuận lợi phát triển một số ngành công nghiệp.

- Biển, đảo: đường bờ biển dài và vùng biển rộng lớn với một số đảo, giàu tiềm năng phát triển tổng hợp các ngành kinh tế biển, đảo: giao thông vận tải biển; du lịch; khai thác khoáng sản biển; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản.

- Hạn chế: nhiều thiên tai như bão, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán,... cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu gây khó khăn cho sản xuất và đời sống.

3. Đặc điểm phân bố dân cư

- Năm 2021, số dân Bắc Trung Bộ khoảng 11,2 triệu người, chiếm 11,3% cả nước. Mật độ dân số trung bình là 218 người/km2, cao nhất là Thanh Hóa 335 người/km2, thấp nhất là Quảng Bình với 114 người/km2. Khu vực đồng bằng ven biển phía đông có nhiều điều kiện thuận lợi nên tập trung đông dân, vùng đồi núi phía tây có mật độ dân số thấp do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất.

- Tỉ lệ dân thành thị chiếm 25,5% số dân (2021), xu hướng tăng.

- Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc, trong đó có các dân tộc như Thái, Mường, Tày, HMông, Bru - Vân Kiều,… cư trú với mật độ đông hơn ở phía tây; ở phía đông, người Kinh phân bố đông hơn.

4. Đặc điểm phát triển và phân bố kinh tế

a) Khái quát chung

- Bắc Trung Bộ có quy mô GRDP chiếm 7,1% GDP cả nước (năm 2021) và đang có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ti trọng ngành công nghiệp xây dựng, dịch vụ tăng trong cơ cấu GRDP.

Về phân bố sản xuất, ở Bắc Trung Bộ đã hình thành nên các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung,...

b) Phát triển công nghiệp

- Dần có những bước phát triển mới, phù hợp với chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công nghiệp trong những năm qua có sự phát triển rõ rệt: cơ sở hạ tầng kĩ thuật và công nghệ; việc cung ứng nhiên liệu, năng lượng đang được cải thiện. Các ngành công nghiệp ngày càng hướng đến công nghệ cao, tạo ra sản phẩm chất lượng và giá trị như lọc, hoá dầu; vật liệu xây dựng;...

- Bắc Trung Bộ đã hình thành các khu kinh tế ven biển như: Nghi Sơn (Thanh Hoá), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh),...; các khu công nghiệp như Bỉm Sơn (Thanh Hoá), Hoàng Mai (Nghệ An), Phú Bài (Thừa Thiên Huế)....

c) Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp

– Nông nghiệp

+ Sản xuất nông nghiệp Bắc Trung Bộ được đầu tư theo chiều sâu, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất. Dải đồng bằng ven biển các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành những nơi sản xuất lúa chủ yếu.

+ Một số cây công nghiệp hàng năm như lạc, mía,... được trồng với diện tích khá lớn trên các vùng đất cát pha ven biển, chủ yếu ở Thanh Hoá, Nghệ An và Hà Tĩnh. Cây công nghiệp 0 ( lâu năm như hồ tiêu, cao su, chè,...; cây ăn quả như cam, bưởi,... trồng nhiều ở khu vực gò đồi. Chăn nuôi trâu, bò được phát triển mạnh, đặc biệt là đàn bò sữa ở Thanh Hoá, Nghệ An.

– Lâm nghiệp

+ Là ngành có thế mạnh phát triển ở Bắc Trung Bộ. Năm 2021, diện tích đất có rừng chiếm 57,4% tổng diện tích tự nhiên, cao hơn trung bình cả nước. Hoạt động bảo vệ rừng được tích cực triển khai, cấm khai thác rừng tự nhiên, thành lập các khu bảo tồn, đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay ven biển,... 

+ Hoạt động khai thác, chế biến kết hợp với trồng và tu bổ rừng được chú trọng, đặc biệt ở khu vực đồi núi phía tây của vùng. Lâm nghiệp ngày càng phát triển nhờ mở rộng mô hình nông lâm kết hợp, canh tác trên đất dốc, đem lại lợi ích kinh tế và góp phần phòng chống thiên tai.

d) Phát triển du lịch

- Các tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị nổi bật như hệ thống hang động (Phong Nha - Kẻ Bàng), bãi biển đẹp (Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm,...), các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia với hệ sinh thái đa dạng (Tây Nghệ An, Bến En),... Bên cạnh đó, hệ thống di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, các lễ hội, làng nghề, phong tục tập quán,... phong phú và đa dạng, tạo nguồn tài nguyên du lịch văn hoá có giá trị đặc sắc như Thành nhà Hồ, Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, lễ hội Điện Hòn Chén, làng nghề đúc đồng Trà Đúc,...

- Du lịch Bắc Trung Bộ đã có những bước phát triển nhanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, hợp tác với các vùng trong nước và quốc tế. Năm 2021, số lượt khách nội địa đến Bắc Trung Bộ đạt hơn 7,5 triệu lượt và doanh thu du lịch lữ hành đạt khoảng 127 tỉ đồng. Với xu thế mở cửa và hội nhập, du lịch Bắc Trung Bộ ngày càng phát triển mạnh mẽ.

e) Phát triển kinh tế biển, đảo

- Bắc Trung Bộ giàu tiềm năng để phát triển kinh tế biển, đảo với đường bờ biển dài, nhiều vịnh biển, các bãi biển đẹp và vùng biển có nhiều bãi cá, tôm.

- Các hoạt động khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản; giao thông vận tải biển; du lịch biển; khai thác khoáng sản biển;... ngày càng phát triển.

- Ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản: Hoạt động khai thác và nuôi trồng hải sản có sản lượng ngày càng tăng nhờ áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi tiên tiến; phát triển nghề cá xa bờ, các trung tâm nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá ở Nghệ An, Quảng Bình.

- Giao thông vận tải biển: Dọc bờ biển Bắc Trung Bộ đã hình thành các cảng biển liên vùng, quốc tế như cảng Thanh Hoá, cảng Nghệ An, cảng Hà Tĩnh, cảng Thừa Thiên Huế,... gắn với sự hình thành và phát triển của các khu kinh tế ven biển.

- Khai thác khoáng sản biển: Vùng có tiềm năng về cát thuỷ tinh ở Quảng Bình, Quảng Trị; ti-tan ở Hà Tĩnh.

- Du lịch biển: đang đẩy mạnh phát triển các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển ở các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

- Thách thức, khó khăn: thiên tai, biến đổi khí hậu (nhiệt độ tăng, nước biển dâng,...), vấn đề môi trường biển (rác thải nhựa, chất thải rắn,...).

- Trong tương lai, nhằm khai thác tốt tiềm năng và hướng đến mục tiêu bền vững, phát triển kinh tế biển, đảo ở Bắc Trung Bộ cần khai thác trên quan điểm tổng hợp, chú ý bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng. Một số giải pháp cần tập trung triển khai như: 

+ Phát triển các ngành kinh tế biển, đảo sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ hệ sinh thái như công nghệ sinh học biển, du lịch biển,...

+ Khuyến khích khai thác hải sản xa bờ, phát triển nuôi trồng hải sản ở khu vực ven biển; đầu tư hạ tầng, tăng cường ứng dụng công nghệ kĩ thuật trong khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản. 

+ Đầu tư phát triển hệ thống cảng biển liên vùng, quốc tế; trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; mở rộng giao lưu, hợp tác phát triển các hoạt động kinh tế biển, đảo giữa các vùng trong nước và khu vực.

+ Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo để phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, xây dựng các điểm neo đậu tránh bão ở các vịnh, vùng cửa sông và đảo ven bờ.

+ Tăng cường quản lí tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên ven bờ.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Địa lí 9 CTST bài 13: Bắc Trung Bộ, kiến thức trọng tâm Địa lí 9 chân trời sáng tạo bài 13: Bắc Trung Bộ, Ôn tập Địa lí 9 chân trời sáng tạo bài 13: Bắc Trung Bộ

Bình luận

Giải bài tập những môn khác