Lý thuyết trọng tâm Địa lí 12 Kết nối bài 7: Lao động và việc làm

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Địa lí 12 kết nối tri thức bài 7: Lao động và việc làm. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 7. LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM

Lao động và việc làm có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của cả xã hội. Lao động nước ta có đặc điểm gì? Việc sử dụng lao động hiện nay ra sao? Giải pháp nào để giải quyết việc làm cho người lao động ở nước ta?

I. Đặc điểm nguồn lao động

1. Số lượng

- Nước ta có nguồn lao động dồi dào. Năm 2021, lực lượng lao động (dân số hoạt động kinh tế) của nước ta là 50,6 triệu người, chiếm 51,3% tổng số dân. Mỗi năm, nguồn lao động nước ta tăng thêm khoảng 1 triệu người.

2. Chất lượng lao động

Lao động nước ta cần cù, sáng tạo, có nhiều kinh nghiệm sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp,....

- Chất lượng lao động ngày càng được nâng lên nhờ những thành tựu phát triển kinh tế, y tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo. 

+ Tuy nhiên, so với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, lao động nước ta còn hạn chế về thể lực; trình độ chuyên môn kĩ thuật và tác phong lao động công nghiệp. 

+ Năm 2021, tỉ lệ lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên ở nước ta đạt 26,2%. Chất lượng lao động có sự phân hoá theo vùng. Đồng bằng sông Hồng có tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo cao nhất cả nước (37% năm 2021).

- Lao động Việt Nam năng động, dễ dàng tiếp thu khoa học – công nghệ hiện đại trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và hội nhập với quốc tế.

3. Phân bố lao động

- Năm 2021, lao động ở nông thôn nước ta là hơn 32 triệu người, lao động ở thành thị là hơn 18 triệu người.

- Đồng bằng sông Hồng có số lượng lao động lớn nhất cả nước (chiếm 22,5% tổng số lao động cả nước năm 2021), tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (20,7%), Đông Nam Bộ (19,6%).

II. Sử dụng lao động

1. Theo ngành kinh tế

Cơ cấu lao động nước ta có sự chuyển dịch phù hợp với đường lối phát triển kinh tế - xã hội đất nước: giảm tỉ lệ lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; tăng tỉ lệ lao động trong ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

2. Theo thành phần kinh tế

- Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần kinh tế. 

- Cơ cấu lao động theo thành phần kinh tế có sự thay đổi theo hướng giảm tỉ lệ lao động khu vực kinh tế Nhà nước, tăng tỉ lệ lao động khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

3. Theo thành thị và nông thôn

- Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo ở nông thôn thường thấp hơn ở thành thị (năm 2021, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo ở nông thôn là 17,5% và ở thành thị là 41,1%). 

- Trình độ lao động ở nông thôn nước ta có xu hướng tăng lên nhờ quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

III. VẤN ĐỀ VIỆC LÀM VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

1. Vấn đề việc làm

- Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư tạo việc làm. 

- Hầu hết lao động nước ta có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm khá thấp. Khu vực thành thị thường có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn khu vực nông thôn.

- Các việc làm giản đơn còn phổ biến, những việc làm này có năng suất thấp, thu nhập không cao. Trong những năm gần đây, việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế đem lại cho người lao động ở nước ta nhiều cơ hội việc làm, nâng cao tay nghề và chất lượng lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ tạo ra những thay đổi mang tính đột phá về việc làm.

2. Hướng giải quyết việc làm

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động nhằm khuyến khích, hỗ trợ, huy động mọi nguồn lực đầu tư tạo việc làm.

- Đẩy mạnh việc đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng lao động, bao gồm cả trình độ chuyên môn kĩ thuật, kĩ năng làm việc, tác phong công nghiệp.

- Phát triển hệ thống tư vấn, thông tin về thị trường lao động, việc làm để kết nối thông tin lao động - việc làm nhanh nhất, giao dịch lành mạnh và hiệu quả.

- Xây dựng và thực hiện tốt hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ tích cực để người mất việc sớm trở lại làm việc.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Địa lí 12 KNTT bài 7: Lao động và việc làm, kiến thức trọng tâm Địa lí 12 kết nối tri thức bài 7: Lao động và việc làm, Ôn tập Địa lí 12 kết nối tri thức bài 7: Lao động và việc làm

Bình luận

Giải bài tập những môn khác