Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Địa lí 10 Kết nối bài 23: Vai trò, đặc điểm, các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển và phân bố nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
3. VẬN DỤNG (5 câu)
Câu 1: Tại sao sản xuất nông nghiệp có tính phân tán và phụ thuộc vào tự nhiên?
Câu 2: Sản xuất nông nghiệp ngày càng có tính tập trung. Giải thích tại sao?
Câu 3: Tại sao sản xuất nông nghiệp lại bấp bênh, không ổn định và có tính mùa vụ?
Câu 4: Các nhân tố tự nhiên là tiền đề quan trọng để phát triển và phân bố nông nghiệp. Giải thích tại sao?
Câu 5: Chứng minh rằng các nhân tố kinh tế - xã hội có ảnh hưởng quan trọng tới phát triển và phân bố nông nghiệp
Câu 1:
Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, có tính phân tán
- Phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, do:
+Tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai.
+ Đối tượng lao động là cây trồng, vật nuôi phát triển theo các quy luật sinh học.
- Có tính phân tán: do tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai, có mặt khắp nơi.
Câu 2:
- Sản xuất nông nghiệp hiện nay đang tiến mạnh lên sản xuất hàng hóa: Nền nông nghiệp hàng hóa là nền nông nghiệp sản xuất lớn, cần quy mô đất đai lớn hơn, sử dụng nhiều máy móc và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, sản xuất theo hướng chuyên môn hoá, thâm canh, để khai thác các lợi thế về điều kiện sản xuất và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.
- Hiện nay điều kiện tập trung thuận lợi: cơ sở vật chất kĩ thuật, hạ tầng; áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, công nghiệp chế biến phát triển,...
Câu 3:
- Thời gian sinh trưởng và phát triển của cây trồng và vật nuôi diễn ra theo các giai đoạn phát triển tự nhiên và chịu tác động rất lớn của quy luật tự nhiên (thời tiết, khí hậu...). Do sự biến đổi của thời tiết và khí hậu mà mỗi loại cây trồng có sự thích ứng khác nhau. Trong năm có các mùa khác nhau, nên có các loại cây trồng khác nhau.
- Do thời gian lao động không trùng với thời gian sản xuất của cây trồng, vật nuôi (đặc biệt cây trồng):
+ Các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng và vật nuôi dài và không giống nhau. Sự tác động của con người vào các giai đoạn sinh trưởng của chúng không hoàn toàn như nhau: lúc cân nhiều lao động, liên tục, lúc lại nhàn rỗi, thậm chí không cần lao động.
+ Như vậy, thời gian sản xuất bao giờ cũng dài hơn thời gian lao động cần thiết để tạo ra sản phẩm. Sự không phù hợp này là nguyên nhân gây ra tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp.
Câu 4:
- Các nhân tố tự nhiên là tiền đề cơ bản để phát triển và phân bố nông nghiệp:
+Mỗi loại cây trồng, vật nuôi chỉ có thể sinh trưởng và phát triển trong những điều kiện tự nhiên nhất định
+ Các điều kiện tự nhiên có tác động mạnh mẽ đến khả năng nuôi trồng các loại cây, con cụ thể trên từng lãnh thổ, khả năng áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp, năng suất,...
+ Các điều kiện tự nhiên quan trọng hàng đầu tác động đến phát triển và phân bố nông nghiệp là đất, nước, khí hậu. Đất là cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất để tiến hành trồng trọt, chăn nuôi; quỹ đất, tính chất, độ phì của đất có ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu, năng suất và sự phân bố cây trồng, vật nuôi. Khi hậu và nguồn nước ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc xác định cơ cấu cây trồng, thời vụ, khả năng xen canh, tăng vụ và hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương.
Câu 5:
Các nhân tố kinh tế - xã hội có ảnh hưởng quan trọng tới phát triển và phân bố nông nghiệp vì:
- Dân cư, lao động: Là lực lượng sản xuất trực tiếp, nguồn tiêu thụ sản phẩm.
- Khoa học - công nghệ: Tiến bộ khoa học – kĩ thuật trong nông nghiệp (cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa, cách mạng xanh và công nghệ sinh học, ứng dụng cách mạng 4.0) tạo ra nhiều giống mới; tăng năng suất, chất lượng nông sản; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước...
- Cơ sở hạ tầng, vật chất kĩ thuật: Thúc đẩy sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp; tăng cường liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
- Chính sách phát triển nông nghiệp, vốn đầu tư và thị trường: Tác động đến phương hướng sản xuất, cơ cấu ngành, quy mô sản xuất; xác định các hình thức tổ chức lãnh thổ nông nghiệp; thúc đẩy nông nghiệp sản xuất hàng hoá.
+ Chính sách phát triển kinh tế nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng có ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp. Ví dụ: Chính sách giao đất, giao rừng ở nước ta đã thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ.
+ Vốn đầu tư tác động đến quy mô sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hoá,...
+ Thị trường tiêu thụ trong nước và ngoài nước tác động tới giá cả nông sản, đến việc điều tiết sản xuất và ảnh hưởng chuyên môn hóa.
Bình luận