Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Địa lí 10 Kết nối bài 33: Cơ cấu, vai trò, đặc điểm các nhân tố nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố dịch vụ
4. VẬN DỤNG CAO (5 câu)
Câu 1: Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ sản xuất. Giải thích tại sao?
Câu 2: Sự phát triển của dịch vụ gắn liền với dân cư. Giải thích tại sao?
Câu 3: Tại sao tỉ lệ lao động dịch vụ ngày càng tăng ở các nước trên thế giới?
Câu 4: Dịch vụ sản xuất và dịch vụ tiêu dùng ngày càng phát triển mạnh. Giải thích tại sao?
Câu 5: Tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP ở các nước phát triển và các nước đang phát triển có sự khác nhau như thế nào?
Câu 1:
Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển và phân bố ngành dịch vụ sản xuất, vì:
- Dịch vụ sản xuất là ngành phục vụ cho yêu cầu của các ngành sản xuất, đảm bảo và tạo điều kiện để các ngành sản xuất phát triển.
- Các ngành dịch vụ sản xuất (trừ giao thông vận tải) không chịu ảnh hưởng của phân bố tài nguyên thiên nhiên, chỉ chịu tác động của các nhân tố kinh tế – xã hội.
Câu 2:
Sự phát triển của dịch vụ gắn liền với dân cư:
- Quy mô dân số quy định quy mô phát triển dịch vụ.
- Cơ cấu dân số đa dạng (theo tuổi, theo giới, theo lao động, theo trình độ văn hoá,...) tác động đến cơ cấu và sự đa dạng của dịch vụ, nhất là dịch vụ tiêu dùng.
- Gia tăng dân số tác động đến nhịp độ tăng trưởng của dịch vụ.
- Sự phân bố dân cư kéo theo sự phân bố các ngành dịch vụ tiêu dùng: Nơi mật độ dân số cao có dịch vụ phát triển mạnh.
- Truyền thống văn hoá, tôn giáo, văn hoá, phong tục tập quán, nhu cầu, thị hiếu, sức mua,... của dân cư có ảnh hưởng đến loại hình và việc tổ chức dịch vụ.
Câu 3:
Tỉ lệ lao động dịch vụ ngày càng tăng ở các nước trên thế giới:
- Trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước: Trình độ phát triển của nền kinh tế đất nước càng cao, điều kiện và nhu cầu về dịch vụ sản xuất, tiêu dùng, du lịch,... càng lớn, thu hút người lao động tham gia các hoạt động dịch vụ.
- Năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất ngày càng cao, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển một phần lao động sang làm dịch vụ.
- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo sự chuyển dịch lao động, với sự gia tăng lao động ở khu vực dịch vụ.
- Sự phát triển của đô thị hóa (quy mô đô thị lớn lên, số dân đô thị trên thế giới tăng, lối sống đô thị ngày càng được phổ biến rộng rãi) kéo theo sự phát triển của các trung tâm dịch vụ.
Câu 4:
- a) Dịch vụ sản xuất phát triển, do:
. Sản xuất ngày càng phát triển với quy mô lớn, năng suất cao, tốc độ nhanh..., đòi hỏi ngành dịch vụ sản xuất (vận tải và thông tin liên lạc, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, các dịch vụ nghề nghiệp,...) phát triển đáp ứng.
- Sự phát triển của nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ sản xuất phát triển (ví dụ, các phương tiện kĩ thuật hiện đại cùng với toàn cầu hóa kinh tế đã làm cho các hoạt động của dịch vụ sản xuất diễn ra rất thuận lợi).
- b) Dịch vụ tiêu dùng (hoạt động bán buôn, bán lẻ, du lịch,...) phát triển, do:
- Dân số:
+ Quy mô dân số: Quy mô dân số càng lớn, nhu cầu tiêu thụ càng nhiều, quy mô dịch vụ càng lớn.
+ Gia tăng dân số: Dân số tăng nhanh kéo theo tốc độ tăng nhanh của dịch vụ tiêu dùng.
+ Cơ cấu dân số: Cơ cấu dân số theo tuổi, giới, lao động văn hóa,... đòi hỏi sự đáp ứng đa dạng của dịch vụ tiêu dùng, dẫn đến cơ cấu dịch vụ tiêu dùng đa đạng.
+ Phân bố dân cư: Sự phân bố các ngành dịch vụ tiêu dùng gắn bó mật thiết với sự phân bố dân cư; việc phân bố dân cư ngày nay mở rộng phạm vi ở nhiều nơi trên thế giới, kéo theo sự phân bố rộng rãi các ngành dịch vụ tiêu dùng.
- Trình độ phát triển kinh tế, năng suất lao động xã hội:
+ Trình độ phát triển của nền kinh tế càng cao, điều kiện và nhu cầu về dịch vụ càng lớn, thu hút người lao động tham gia các hoạt động dịch vụ.
+ Năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất ngày càng cao, tạo điều kiện thuận lợi để chuyển một phần lao động sang làm dịch vụ.
- Quá trình đô thị hóa trên thế giới: Đô thị hóa phát triển, số dân đô thị ngày càng tăng, lối sống đô thị phổ biến, tạo nhu cầu dịch vụ lớn và đa dạng, hoạt động dịch vụ phát triển mạnh.
Câu 5:
Tỉ trọng dịch vụ trong cơ cấu GDP ở các nước phát triển và các nước đang phát triển có sự khác nhau:
- Các nước phát triển có tỉ trọng dịch vụ cao trong cơ cấu GDP, còn các nước đang phát triển có tỉ trọng thường nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do sự khác nhau về các nhân tố tác động đến phát triển dịch vụ ở hai nhóm nước, như: Trình độ phát triển của nền kinh tế và năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất vật chất; số dân, kết cấu tuổi, giới tính, tỉ lệ gia tăng dân số và sức mua của dân cư; đô thị hóa và công nghiệp hóa....
- Các nước phát triển:
+ Trình độ phát triển của nền kinh tế và năng suất lao động xã hội cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển, ngành công nghiệp và xây dựng phát triển, đô thị hóa phát triển mạnh; chất lượng cuộc sống của dân cư cao, sức mua lớn,... làm cho hoạt động dịch vụ phát triển mạnh và đa dạng.
+ Do sự phát triển của kinh tế, đặc biệt là kinh tế tri thức và chất lượng cuộc sống dân cư cao nên chất lượng dịch vụ tốt và tương ứng giá trị dịch vụ cao, phát triển nhiều ngành có vai trò rất lớn trong nền kinh tế toàn cầu mang lại giá trị lớn (dịch vụ tiền tệ, giao thông vận tải biển, viễn thông, sở hữu trí tuệ,..).
- Các nước đang phát triển:
+ Nhìn chung phần lớn các nước có trình độ phát triển kinh tế đang còn ở mức thấp, năng suất lao động xã hội chưa cao; khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP. Hiện nay, nhiều nước đang tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng thành tựu chưa cao; quá trình đô thị hóa còn nhiều hạn chế,... Từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành dịch vụ.
+ Do sự phát triển của kinh tế và chất lượng cuộc sống dân cư nên chất lượng dịch vụ có giá trị chưa cao; các dịch vụ mang lại hiệu quả cao đang còn nhiều hạn chế.
Bình luận