Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 11 kết nối bài 3: Một thời đại trong thi ca (Trích Thi nhân Việt Nam) Hoài Thanh

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Lòng yêu nước của các nhà thơ mới và của tác giả Thi nhân Việt Nam thể hiện tập trung nhất ở điểm nào?

Câu 2: Tìm hiểu, nhận xét về cách lập luận của Hoài Thanh khi phân biệt thơ mới và thơ cũ. Tác giả hiểu như thế nào về nội dung của chữ tôi và chữ ta?

Câu 3: Lòng yêu thơ và tình yêu nước của các nhà thơ mới (cũng chính là của tác giả Thi nhân Việt Nam) thể hiện tập trung nhất ở điểm nào? Hãy phân tích đặc sắc của lời văn diễn tả tình cảm này của Hoài Thanh.

Câu 4: Phân tích vì sao tác giả nói “chữ tôi, với cái nghĩa tuyệt đối của nó” lại “đáng thương” và … “tội nghiệp”.

Câu 5: Em hiểu như thế nào ý của Hoài Thanh khi nhận định về thơ mới là “nó đáng thương... nó tội nghiệp quá...”?


Câu 1: 

– Lòng yêu Tổ quốc của con người có những biểu hiện vô cùng phong phú. Có lòng yêu nước gắn liền với đấu tranh. Có lòng yêu nước gắn liền với lao động sản xuất. Lại có lòng yêu nước biểu hiện ở sự thiết tha với những giá trị văn hoá, ở nỗ lực sáng tạo ra những giá trị văn hoá.

– Lòng yêu nước của các nhà thơ mới nghiêng về dạng thứ ba. Tình yêu của họ thể hiện tập trung nhất ở lòng yêu tiếng Việt và nền thơ ca dân tộc, ở niềm say mê sáng tạo ra những giá trị văn hoá, trước hết là thơ ca. Họ muốn làm cho tiếng nói của nòi giống đẹp hơn, giàu hơn, ngày càng trường tồn, bất diệt. Đó cũng là một lòng yêu nước rất đáng ghi nhận và trân trọng.

 

Câu 2: 

– Cần làm rõ: Cách phân biệt thơ cũ, thơ mới của Hoài Thanh, như ông đã nói, không căn cứ vào hình xác thơ mà vào tinh thần thơ. Theo đó, ông đưa ra được một tiêu chí quan trọng để phân biệt: thơ cũ là thơ của cái ta, thơ mới là thơ của cái tôi. Cơ sở phân biệt này càng chắc chắn, thuyết phục khi nó dựa trên nền tảng triết học, mĩ học và tâm lí riêng của thời đại.

– Sau đó em hãy giải thích nội dung chữ tôi và chữ ta theo cách hiểu của Hoài Thanh.

 

Câu 3: 

– Lòng yêu nước của các nhà thơ mới (cũng chính là của tác giả Thi nhân Việt Nam) thể hiện tập trung nhất ở tình yêu tiếng Việt. Lời văn trong đoạn này bộc lộ cảm xúc nồng nhiệt, thiết tha qua hình thức điệp ngữ, điệp cấu trúc câu.

 

Câu 4: 

– Bản thân tâm trạng đau buồn của các nhà thơ mới, của lớp thanh niên bấy giờ cũng chứng tỏ họ bất mãn với thời cuộc, với thực trạng dân tộc đang bị nô lệ. “Xuân Diệu, nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất cho thời đại, chỉ nói cái khổ sở, cái thảm hại của hết thảy chúng ta”. Họ đều có cái “buồn”, “xôn xao” của thời đại trong lòng.

– Bi kịch ở các nhà thơ mới ít nhiều cũng bộc lộ lòng yêu nước của họ. Họ đi tìm một con đường tự giải thoát như lên tiên, trốn vào ái tình, vào điên loạn mê say,... nhưng đều tuyệt vọng.

– Đến với tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ là một cách để họ tỏ bày lòng yêu nước của mình. Họ tìm thấy trong tuyệt vọng chút niềm hi vọng. Họ tự an ủi tiếng Việt còn thì dân tộc còn; các thể thơ dù có biến thiên vẫn bất diệt thì dân tộc mãi mãi vẫn còn. “Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”, họ “tìm về dĩ vãng để vin vào những gì bất diệt đủ bảo đảm cho ngày mai”...

 

Câu 5: 

Lí do theo Hoài Thanh là:

– Thơ mới không còn được cái cốt cách hiên ngang ngày trước: không còn cái khí phách ngang tàng của Lí Bạch, lòng tự trọng để khinh cảnh cơ hàn như Nguyễn Công Trứ. Thơ chất chứa nỗi “buồn”, “xôn xao”, “cùng lòng tự tôn, ta mất luôn cả cái bình yên thời trước”, thiếu “một lòng tin đầy đủ”.  m điệu thơ có

khi “rên rỉ”, “thảm hại”...

– Thơ mới nói lên cái bi kịch của lớp thanh niên không có lối thoát (Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh... Trốn lên tiên thì động tiên đã khép, hay phiêu lưu trong trường tình thì tình yêu không bền, điên cuồng rồi lại tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ,...). Đó là cái bi kịch của lớp người ít nhiều có tâm huyết với dân tộc nhưng không đủ khí phách vùng dậy giành độc lập tự do, đành phải nấp mình “dưới những lớp phù hiệu dễ dãi”.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác