Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 11 kết nối bài 3: Một thời đại trong thi ca (Trích Thi nhân Việt Nam) Hoài Thanh

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Hoài Thanh.

Câu 2: Đọc kĩ và nêu dàn ý của đoạn trích.

Câu 3: Tìm hiểu cách lập luận chặt chẽ của tác giả khi định nghĩa về thơ mới.

Câu 4: Hoài Thanh hiểu như thế nào về nội dung của chữ tôi và chữ ta?

Câu 5: Hãy trình bày những hiểu biết của em về phê bình văn học.


Câu 1: 

– Hoài Thanh (1909 – 1982) tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyên. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Trước Cách mạng, thời còn đi học, ông từng tham gia phong trào yêu nước và bị thực dân Pháp bắt giam. Ông viết văn từ những năm 30 của thế kỉ XX. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa và làm Chủ tịch Hội Văn hoá cứu quốc ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám, ông hoạt động chủ yếu trong ngành Văn hoá – Nghệ thuật và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tổng thư kí Hội Văn hoá cứu quốc Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật, Tổng thư kí Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ,...

– Hoài Thanh là nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là tác giả của nhiều công trình có giá trị: Văn chương và hành động (1936), Thi nhân Việt Nam (1942), Có một nền văn hoá Việt Nam (1946), Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1950), Phê bình và tiểu luận (3 tập – 1960, 1965, 1971). Trong đó Thi nhân Việt Nam là công trình được đánh giá xuất sắc nhất. Năm 2000, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

 

Câu 2:

Dàn ý của đoạn trích: luận điểm bao trùm cả đoạn trích này là vấn đề "tinh thần thơ mới". Nó được triển khai thành ba nội dung chính sau đây:

  1. a) Giới thuyết nguyên tắc để xác định tinh thần của hai thời đại thơ:

– Không căn cứ vào cục bộcái dở của thơ mỗi thời.

– Phải căn cứ vào đại thểcái hay của thơ mỗi thời.

  1. b) Xác định tinh thần thơ mới là chữ tôi, tinh thần thơ xưa là chữ ta:

– Giới thuyết chung về điểm giống và khác của chữ ta và chữ tôi.

– Xác định bản chất: ta là ý thức đoàn thể, tôi là ý thức cá nhân.

– Điểm qua về sự xuất hiện của chữ tôi và phản ứng của xã hội trong quá trình tiếp nhận nó.

  1. c) Nhìn nhận sự vận động của thơ mới xung quanh cái tôi và bi kịch của nó:

– Chỉ ra tính chất tội nghiệp của cái tôi trong thời đại mình.

– Các hướng lớn của thơ mới đào sâu vào cái tôi.

– Điểm thiếu hụt trong ý thức của cái tôi.

– Bi kịch thời đại cái tôi và giải pháp cho bi kịch bằng lòng yêu tiếng Việt.

 

Câu 3: 

– Để định nghĩa về thơ mới trong đoạn trích này, Hoài Thanh đã có những bước lập luận chặt chẽ như sau:

Bước 1. Nêu nguyên tắc chung của việc định nghĩa là:

  1. a) Chỉ căn cứ vào cái hay, không căn cứ vào cái dở.
  2. b) Chỉ căn cứ vào đại thể, không căn cứ vào tiểu tiết.

(Cái dởtiểu tiết không đủ tư cách để đại diện cho nghệ thuật và cho những thời đại lớn của nghệ thuật).

Bước 2. Nêu ra định nghĩa về tinh thần thơ mới bằng cách đối sánh:

  1. a) Tinh thần thơ cũ gồm trong chữ ta.
  2. b) Tinh thần thơ mới gồm trong chữ tôi.

(Có nói chỗ giống nhau, nhưng hướng trọng tâm vào chỗ khác nhau của hai chữ này).

Bước 3. Luận giải về nội dung và biểu hiện của hai chữ tatôi.

  1. a) Chữ ta với biểu hiện và số phận của nó trong thời đại thơ cũ trước kia.
  2. b) Chữ tôi với biểu hiện chữ tôi và số phận đầy bi kịch của nó trong thời đại thơ mới này.

– Như vậy qua ba bước trên, người ta thấy Hoài Thanh đã tuân theo trật tự: từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ khái quát đến cụ thể, từ diện mạo (trong không gian) đến diễn biến lịch sử (trong thời gian). Các bước, với trật tự ấy, rất đảm bảo tính lô gích của tư duy. Vì vậy mà khả năng thuyết phục rất cao. Đây là một ưu thế của văn nghị luận.

 

Câu 4: 

– Nội dung của chữ tôi là ý thức cá nhân trong đời sống tinh thần con người.

– Nội dung của chữ ta là phần ý thức cộng đồng (chữ dùng của Hoài Thanh là "đoàn thể") trong đời sống tinh thần của con người.

– Hai ý thức này là hai tiếng nói tồn tại trong đời sống tinh thần của mỗi người. Ở thời trước, cái ta lấn át hoàn toàn, cái tôi không có cơ để nảy nở. Còn thời đại này, cái tôi trỗi dậy giành quyền sống. Phong trào Thơ mới nảy sinh từ sự trỗi dậy của cái tôi đó.

 

Câu 5: 

Tham khảo:

– Phê bình văn học là một bộ phận của văn học, có chức năng phẩm bình, đánh giá và lí giải các hiện tượng văn học như tác phẩm, tác giả, khuynh hướng, trào lưu văn học. Do đó, phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học, thể hiện trình độ ý thức của một nền văn học. Phê bình văn học phải dựa trên cơ sở những cảm thụ tinh tế, phong phú trước những giá trị văn chương; nhưng cải đích của phê bình văn học là phải đưa ra được những nhận định đúng đắn về các hiện tượng văn học. Vì đối tượng của phê bình văn học là sản phẩm nghệ thuật, nên phải có sự rung cảm với nghệ thuật thì mới đánh giá đúng được. Vì thế, mỗi bài phê bình văn học đích thực bao giờ cũng vừa là công trình khoa học, vừa có tính nghệ thuật nhất định. Trong diễn đạt, văn phê bình cũng thường kết hợp được cả hai yêu cầu: vừa chính xác, chặt chẽ, vừa giàu cảm xúc, hình ảnh.

– Trong thực tế, có những bài phê bình văn học nghiêng về trình bày những cảm xúc, ấn tượng cả nhân đậm chất chủ quan của người viết, gần gũi với văn sáng tác (chẳng hạn, các bài tựa cho các tập thơ văn, bài bình văn, bình thơ hay chân dung văn học,...). Lại có bài nghiêng về luận giải, cắt nghĩa một cách khách quan các hiện tượng văn học, gần gũi với văn lí luận nghiên cứu (chẳng hạn, những bài phân tích toàn bộ sự nghiệp của một tác giả, phản tích các khuynh hướng, các trào lưu văn học....). Lịch sử phê bình từ xưa đến nay đã xuất hiện nhiều khuynh hướng phê bình. Có lối phẩm bình tuỳ hứng, dựa hoàn toàn vào ấn tượng chủ quan, có lối phê bình tuân theo những phương pháp khoa học: phê bình theo lổi triết học, xã hội học, ngôn ngữ học, kí hiệu học, văn hoá học,.... Những khuynh hướng và phương pháp ấy đã làm cho đời sống phê bình thật phong phú, đa dạng.

– Phê bình văn học có vai trò tích cực đối với đời sống văn học. Trên cơ sở khám phá và khẳng định những giá trị chân chính, phê phán những mặt yếu kém trong văn học, phê bình bao giờ cũng góp phần bồi dưỡng và nâng cao trình độ thẩm mĩ cho người đọc, góp phần tác động tích cực đến hoạt động của người sáng tác. Không phải vô cớ mà người ta đã coi phê bình là bạn đồng hành của sáng tác. Có thể kể đến nhiều nhà phê bình văn học tên tuổi như Xanh-tơ Bơ-vơ (Pháp), Bi-ê-lin-xki (Nga), Kim Thánh Thần, Viên Mai (Trung Quốc), Hoài Thanh (Việt Nam)....


Bình luận

Giải bài tập những môn khác