Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 11 kết nối bài 2: Thực hành tiếng Việt ( Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường: đặc điểm và tác dụng)

2. THÔNG HIỂU (5 câu)

Câu 1: Hãy chỉ ra hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường trong ngữ liệu văn học sau và nêu tác dụng: “Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa”.

Câu 2: Hãy chỉ ra hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường trong ngữ liệu văn học sau và nêu tác dụng:

“Đàn cò áo trắng

Khiêng nắng

Qua sông”

Câu 3: Hãy chỉ ra hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường trong ngữ liệu văn học sau và nêu tác dụng:

          “Đã có năm nhà nhận bán. Tiền họ đã nhận ngay từ bây giờ. Nhưng vừa mới lúc nãy đây, họ đến bảo không bán thóc nữa, mà lại bỏ tiền. Mà trả có hai mươi. Thế có giết người ta không! Bây giờ tôi đang chết dở đây.”

Câu 4: Hãy nhận diện và phân tích ý nghĩa của hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường được thể hiện trong hai câu thơ sau (trích Tràng giang):

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Câu 5: Tìm và phân tích hiện tượng phá vỡ trật tự thông thường của từ trong những câu sau:

  1. a) Tình thư một bức phong còn kín, / Gió nơi đâu, gượng mở xem.
  2. b) Lom khom dưới núi, tiều vài chú, / Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
  3. c) Đã hết thời, thứ nghệ thuật khéo léo phấn son mà bên trong mục ruỗng, nghèo nàn.
  4. d) Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới.

 


Câu 1: 

- Hiện tượng đảo trật tự từ ngữ: ngan ngát hương đưa

- Tác dụng: Nếu so sánh hai cách diễn đạt “hương đưa ngan ngát” (trật tự thông thường) và “ngan ngát hương đưa” (trật tự đã thay đổi), chúng ta sẽ thấy cách diễn đạt thứ hai giàu sức biểu cảm hơn đồng thời cũng giàu nhạc tính hơn.

 

Câu 2: 

- Hiện tượng mở rộng khả năng kết hợp của từ: Khiêng nắng

- Tác dụng: Trong đoạn thơ trên, “nắng” được hình dung như một vật thể có hình dạng, khối lượng, có thể khiêng được. Cách kết hợp từ “khiêng nắng” phá vỡ quy tắc kết hợp từ thông thường, tạo ra một ấn tượng đặc biệt cho người đọc.

 

Câu 3: 

- Hiện tượng tách biệt: Mà trả có hai mươi.

- Tác dụng: Việc tách thành phần câu thành câu độc lập trong đoạn trích trên có tác dụng nhấn mạnh sự việc “trả có hai mươi”, đồng thời bộc lộ cảm xúc bối rối, lo lắng của nhân vật.

 

Câu 4:

- Hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường trong hai câu thơ trên là dùng hình thức đảo ngữ. Ở câu đầu, kết hợp thông dụng phải là: cồn nhỏ lơ thơ; câu hai: tiếng làng xa đâu đó. (Lưu ý: câu sau còn có một cách hiểu khác với từ “đâu” có nghĩa là “không”).

- Tác dụng: Nhằm nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng được miêu tả. Ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh sự xơ xác của cỏ cây và sự vắng lặng, não nề của âm thanh.

 

Câu 5:

Gợi ý: Hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường trong các câu trên là dùng hình thức đảo ngữ với mục đích nhấn mạnh đối tượng được miêu tả.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác