Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 11 kết nối bài 2: Thực hành tiếng Việt ( Một số hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường: đặc điểm và tác dụng)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Để nhận ra những hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường trong sáng tác văn học, ta cần phải có kiến thức và kĩ năng gì?

Câu 2: Hãy nêu một số hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường trong sáng tác văn học và cho ví dụ.

Câu 3: Chỉ ra hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường trong các trường hợp sau:

  1. a) Dù ai nói ngả nói nghiêng / Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
  2. b) Mấy ông bà này rất tiết kiệm nụ cười và lời nói đùa.
  3. c) Năm nay, ta lại nhớ bốn câu thơ của Bác Hồ, vừa rất thơ, vừa rất thép.
  4. d) Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Câu 4: Chỉ ra hiện tượng phá vỡ những quy tắc ngôn ngữ thông thường trong các trường hợp sau:

  1. a) Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám, / Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
  2. b) Người con trai đầu của cô Hiền vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mỹ. Tháng 4 năm 1965, lên Thái Nguyên huấn luyện. Tháng 7 rời Thái Nguyên vào Nam.
  3. c) Không ai nói gì, người ta lảng dần đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có...
  4. d) Chập tối. Gió ở bến sông Châu thổi quằn quặn.

Câu 5: Chỉ ra nét độc đáo, khác lạ trong kết hợp từ “buồn điệp điệp” ở câu mở đầu bài thơ Tràng giang:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song.


Câu 1:

- Để nhận ra những hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường trong sáng tác văn học, phải nắm vững những quy ước ngôn ngữ có tính chuẩn mực của tiếng Việt, đồng thời biết thực hiện việc đối chiếu, so sánh các phương án sử dụng ngôn ngữ khác nhau.

 

Câu 2:

Một số hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường trong sáng tác văn học:

- Tạo ra những kết hợp từ trái logic nhằm “lạ hoá” đối tượng được nói tới. Ví dụ:

+ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

+ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em.

- Sử dụng hình thức đảo ngữ để nhấn mạnh một đặc điểm nào đó của đối tượng miêu tả, thể hiện. Ví dụ:

+ Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc

+ Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái

- Cung cấp nét nghĩa mới cho từ ngữ nhằm đưa đến phát hiện bất ngờ về đối tượng được đề cập. Ví dụ:

+ Vừa thoáng tiếng còi tàu / Lòng đã Nam đã Bắc

+ Cột đèn rớm điện / Là chiều Bích Câu

- Bổ sung chức năng mới cho dấu câu (khi trình bày văn bản trên giấy). Ví dụ:

+ Ngẩng đầu ngắm mãi chưa xong nhớ / Hoa bưởi thơm rồi: đêm đã khuya

+ Non xanh ngây cả buồn chiều

- Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia.

 

Câu 3: 

  1. a) Tách rời các tiếng trong từ: Dù ai nói ngả nói nghiêng / Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
  2. b) Kết hợp từ bất bình thường: Mấy ông bà này rất tiết kiệm nụ cười và lời nói đùa.
  3. c) Chuyển từ loại: Năm nay, ta lại nhớ bốn câu thơ của Bác Hồ, vừa rất thơ, vừa rất thép.
  4. d) Thay đổi trật tự từ trong cụm từ: Củi một cành khô lạc mấy dòng.

 

Câu 4: 

  1. a) Thay đổi trật tự từ trong câu: Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám, / Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
  2. b) Tỉnh lược thành phần chính của câu: Người con trai đầu của cô Hiền vừa tốt nghiệp trung học, tình nguyện đăng kí xin đi đánh Mỹ. Tháng 4 năm 1965, lên Thái Nguyên huấn luyện. Tháng 7 rời Thái Nguyên vào Nam.
  3. c) Tách một bộ phận câu thành câu: Không ai nói gì, người ta lảng dần đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có...
  4. d) Sử dụng câu đặc biệt: Chập tối. Gió ở bến sông Châu thổi quằn quặn.

 

Câu 5: 

- Theo cách kết hợp thông thường thì từ “điệp” chỉ kết hợp với từ ngữ về cảnh vật như ta thường thấy trong cụm từ “núi rừng trùng điệp” nhưng ở đây tác giả dùng từ “điệp” để khắc hoạ nỗi buồn, hình thành nên một kết hợp độc đáo, khác lạ. Hiện tượng phá vỡ quy tắc ngôn ngữ thông thường ở đây giúp tác giả miêu tả nỗi buồn tràn ngập của mình và tạo nên sự liên kết về nhạc điệu với “nước song song” ở dòng 2.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác