Tóm tắt kiến thức ngữ văn 11 chân trời bài 3: Lời tiễn dặn

Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 11 chân trời sáng tạo bài 3: Lời tiễn dặn. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo

I. TRI THỨC NGỮ VĂN

1. Giới thiệu bài học

- Chủ đề Khát khao đoàn tụ bao gồm các văn bản truyện thơ về những cuộc chia ly và đoàn tụ, qua đó thể hiện những thông điệp hết sức nhân văn, ý nghĩa.

- Tên và thể loại của các VB đọc chính và VB đọc kết nối chủ đề:

Tên văn bản

Thể loại

Lời tiễn dặn

Truyện thơ dân gian

Tú Uyên gặp Giáng Kiều

Truyện thơ Nôm

2. Tri thức ngữ văn

a) Đặc trưng của truyện thơ dân gian.

- Khái niệm: là một thể loại văn học dân gian, sáng tác dưới hình thức văn vần, thường xoay quanh đề tài tình yêu, hôn nhân; kết hợp tự sự với trữ tình, rất gần gũi với ca dao, dân ca; phát triển nhiều ở các dân tộc miền núi. 

- Cốt truyện: đơn giản, thường xoay quanh số phận của một vài nhân vật chính; có thể sử dụng yếu tố kì ảo hoặc không sử dụng.

- Nhân vật chính: thường là những con người có số phận ngang trái, bất hạnh trong cuộc sống, tình yêu.

- Ngôn ngữ trong truyện thơ dân gian: là ngôn ngữ truyền khẩu, giàu chất trữ tình và mang âm hưởng của các làn điệu dân ca Việt Nam.

b) Đặc trưng của truyện thơ Nôm.

- Khái niệm: là thể loại được sáng tác dưới hình thức văn vần (lục bát hoặc song thất lục bát), có cốt truyện, phát triển mạnh vào thế kỉ XVIII và thế kỉ XIX, dùng thơ tiếng Việt viết bằng chữ Nôm (thường là thơ của lục bát) để kể chuyện (trần thuật), có khả năng phản ánh về hiện thực xã hội và con người với một phạm vi tương đối rộng.  

- Phân loại: truyện thơ Nôm bình dân và truyện thơ Nôm bác học.

- Cốt truyện: sử dụng cốt truyện dân gian, cốt truyện trong văn học viết Trung Quốc hoặc cốt truyện lấy từ chính cuộc đời tác giả và thực tiễn đời sống. Cốt truyện thường được chia thành 2 mô hình:

+ Hội ngộ – Lưu lạc – Đoàn viên.

+ Nhân – quả.

- Nhân vật: thường được chia làm 2 tuyến rõ ràng.

+ Nhân vật chính diện.

+ Nhân vật phản diện.

=> Thường được xây dựng theo khuôn mẫu.

- Ngôn ngữ trong truyện thơ Nôm: có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình, có nhiều tác phẩm đạt tới trình độ điêu luyện.

+ Truyện thơ Nôm bình dân có ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày.

+ Truyện thơ Nôm bác học sử dụng nhiều biện pháp tu từ, điển tích, điển cố.

II. TÌM HIỂU CHUNG VỀ TÁC PHẨM

1. Xuất xứ và nội dung của văn bản “Lời tiễn dặn”

* Xuất xứ:

- Tiễn dặn người yêu (nguyên văn tiếng Thái là Xống chụ xon xao) là một trong những truyện thơ hay nhất trong khi tàng truyện thơ của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

- Văn bản Lời tiễn dặn được trích từ truyện thơ Tiễn dặn người yêu.

* Nội dung chính: Qua hai lời tiễn dặn của chàng trai dành cho cô gái, ta thấy được tâm trạng đau xót khi yêu nhau mà không thể bên nhau của chàng trai và cô gái, cùng với đó là tình yêu mãnh liệt, mãi đi cùng năm tháng, sánh ngang với “trời đất, thiên nhiên” của hai người.

b. Bố cục của văn bản

- Phần 1 (Từ đầu đến …góa bụa về già): Tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn dặn.

- Phần 2 (Còn lại): Cử chỉ, hành động, tâm trạng của chàng trai lúc ở nhà chồng cô gái.

III. ĐẶC TRƯNG TRUYỆN THƠ QUA VĂN BẢN LỜI TIỄN DẶN

Những dấu hiệu để nhận biết văn bản “Lời tiễn dặn” thuộc thể loại truyện thơ

- Đề tài: tình yêu, hôn nhân.

- Cốt truyện: đơn giản, không sử dụng yếu tố kì ảo. Truyện xoay quanh số phận của một đôi trai gái yêu nhau nhưng gặp trắc trở trong tình yêu, cuối cùng, vượt qua mọi thử thách, họ đã được đoàn tụ bên nhau, có cuộc sống hạnh phúc. 

- Vị trí và nội dung của đoạn trích:

+ Vị trí: lược trích từ dòng 1121 – 1406.

+ Nội dung: Lời dặn dò của chàng trai khi anh tiễn cô về nhà chồng và lời khảng định mối tình tha thiết, bền chặt của anh khi chứng kiến cảnh cô bị nhà chồng hắt hủi, hành hạ.

IV. NGÔI KỂ, NHÂN VẬT CỦA TRUYỆN THƠ QUA VĂN BẢN LỜI TIỄN DẶN

* Ngôi kể: ngôi thứ nhất (người kể xưng “anh yêu”).

* Những chi tiết quan trọng: 

- Lời dặn dò của chàng trai khi anh tiễn cô về tận nhà chồng: xin kề vóc mảnh, ủ lấy hương người; xin ẵm con cho người yêu; lời thề nguyền (Không lấy nhau được mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già) 

=> Thể hiện tình yêu tha thiết, cao thượng.

- Lời khẳng định mối tình tha thiết, bền chặt của anh khi chứng kiến cảnh cô bị nhà chồng hắt hủi, hành hạ: các hành động chăm sóc khi thấy người yêu bị chồng hành hạ (chải tóc, nấu thuốc), lời khảng định tình yêu bền chặt ngay cả khi chết đi (Chết thành sông…song song), cách so sánh, ẩn dụ được sử dụng để làm tăng tính khảng định mối tình tha thiết (tình Lú - Ủa, bán trâu, thu lúa, vàng, đá, gỗ cứng đời gió).

=> Thể hiện tình yêu tha thiết, bền chặt, không có gì có thể làm thay đổi được. Hơn nữa những điều này được chàng trai nói lên khi chứng kiến cảnh người yêu đã có chồng và bị nhà chồng hắt hủi (chứ không phải nói lúc mới yêu) lại càng làm tăng tính khảng định về một tình yêu bền chặt.

=> Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất đã làm tăng tính thuyết phục, tính truyền cảm cho lời dặn dò và lời khảng định mối tình chung thủy, tha thiết của chàng trai.

Nhân vật trong truyện thơ dân gian

* Tâm trạng của cô gái qua sự cảm nhận của chàng trai: đau khổ, tuyệt vọng

- Nhân vật được hình dung qua lời tiễn dặn của chàng trai nên không đầy đủ, chi tiết bằng các đoạn khác trong truyện thơ. Tuy nhiên, qua lời tiễn dặn cũng có thể thấy, cô là một cô gái xinh đẹp (người đẹp anh yêu) nhưng bị ép gả nên đau khổ khi phải về nhà chồng (cấu trúc trùng điệp: vừa đi vừa ngoảnh lại, vừa đi vừa ngoái trông thể hiện nỗi đau giằng xé, càng đi lòng càng đau nhớ).

- Cô còn bị nhà chồng phũ phàng, đánh đập (đầu bù, tóc rối, đau bệnh). 

* Tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn người yêu về nhà chồng: đau khổ, quyến luyến, không nỡ rời xa.

Qua lời tiễn dặn, có thể thấy:

- Chàng trai là người chung thủy, có tình yêu tha thiết sâu nặng:

+ Biết người yêu đã có chồng nhưng vẫn đi theo dặn dò.

+ Xin “kề vóc mảnh” để “mai sau lửa xác đượm hơi”.

+ Hẹn ước đợi chờ và mong ước đoàn tụ được thể hiện qua những hình ảnh so sánh đậm chất dân tộc; cấu trúc trùng điệp nhấn mạnh hơn lời hẹn ước không gì có thể lay chuyển này (không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông, không lấy được nhau khi trẻ, sẽ lấy nhau khi góa bụa về già), cả khi chết đi cũng vẫn bên nhau (bèo chung ao, muôi chung bát…).

+ Sự bền vững của tình yêu còn được so sánh với sự bền vững của thiên nhiên (vàng, đá, gỗ cứng…).

- Chàng trai còn là người có một tình yêu giàu lòng nhân ái, vị tha (chi tiết xin ẵm, bồng con của người yêu, gọi con của người yêu là con rồng, con phượng… cho thấy, vì yêu cô gái nên chàng trai yêu thương cả con của cô). Ngoài ra, chàng sẵn sàng chăm sóc khi thấy người yêu bị nhà chồng chà đạp, hắt hủi.

- Chàng trai thấu hiểu nỗi nhớ nhung, sự chờ đợi và đau khổ của cô gái.

=> Sự đồng cảm giữa hai người.

=> Chàng trai và cô gái là nhân vật chính trong truyện thơ. Họ là những người có số phận ngang trái, bất hạnh trong cuộc sống, tình yêu. Qua những lời tiễn dặn giàu chất thơ, tình cảnh ngang trái và tình cảm tha thiết của họ (đặc biệt là của chàng trai) đã được thể hiện một cách khéo léo, tinh tế.

V. THÔNG ĐIỆP

Lời "tiễn dặn" nói về tâm trạng đầy đau khổ, rối bời của chàng trai và cô gái. Khắc họa tình yêu tha thiết và thủy chung và khát vọng tự do yêu đương của các chàng trai, cô gái Thái.

V. KẾT LUẬN THEO THỂ LOẠI

* Yếu tố tự sự:

- Cốt truyện: 

+ Mô hình của cốt truyện: gặp gỡ - tai biến – đoàn tụ.

+ Đôi trai gái yêu nhau những chẳng thể chiến thắng được gia đình. Đoạn trích lời tiễn dặn tái hiện lại cảnh chàng trai bất chấp nguy hiểm vẫn chạy theo tiễn người yêu của mình về nhà chồng. 

- Bi kịch: bị kịch mà nhân vật phải trải qua là bi kịch tình yêu lứa đôi và bi kịch bị ép duyên. Qua đó, người đọc thấy được số phận đáng thương của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

- Nhân vật: là những người bình thường, không thần thánh hóa, không mang yếu tố kì ảo, mang tính đại diện cho một lớp người trong xã hội. Tâm lý nhân vật được biểu hiện qua lời nói, lời độc thoại nội tâm một cách rất tự nhiên, từ đó người đọc có thể hình dung ra tính cách nhân vật.

* Yếu tố trữ tình

- Đề tài: tình yêu vốn đã lãng mạn, trữ tình, đây là một đề tài hết sức quen thuộc không chỉ trong truyện thơ mà còn ở các thể loại văn học dân gian khác. 

- Ngôn ngữ: 

+ Ngôn ngữ Thái Đen, truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” là tinh hoa của tiếng nói dân tộc ta.

+ Đại từ nhân xưng “người đẹp anh yêu”, “anh yêu em”, “đôi ta yêu nhau” ; các hô ngữ, mệnh lệnh thức “xin hãy”, “dậy đi em”, “hỡi gốc dưa yêu”,… tăng tính trữ tình.

+ Bao thương nhớ, lời tự tình của trai gái vả lời vè, lời giễu của người dân tộc Thái đều hợp nhất vào nhưng không biến chất.

+ Đưa nhiều điển tích, điển cố, lời thơ sâu sắc mà vẫn gần gũi, dễ hiểu. 

+ Tác giả đã viết truyện bằng lời thơ tự nhiên, dễ nhớ, dễ thuộc.

+ Các cấu trúc câu lặp lại, lối sử dụng điệp từ, lấy thiên nhiên làm đối tượng biểu đạt, để so sánh, để giãi bày tâm trạng, thiên nhiên thân thuộc của núi rừng Tây Bắc tràn vào lời ca là đặc điểm nghệ thuật nổi bật trong đoạn trích. 

+ Truyện thơ của dân tộc Thái sử dụng phương pháp trùng điệp như một phương pháp phổ biến, đặc thù. Một hành động, một tâm trạng ít khi chỉ được diễn tả bằng một hình ảnh mà luôn có sự lặp lại của nhiều hình ảnh theo một cấu trúc ngữ pháp nhằm khắc hoạ sâu sắc nội dung diễn tả. Điều đó tạo tính chất phô diễn, giãi bày đậm chất trữ tình đồng thời tạo sự cân đối, nhịp nhàng, hài hoà về nhạc điệu.

=> Sự kết hợp hài hoà giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình. Hình ảnh cô gái được hiện lên rõ nét qua quan sát và tâm trạng của chàng trai trên đường tiễn dặn. Sự đan xen giữa kể sự kiện và miêu tả cảnh vật, tâm trạng nhân vật là ưu thế nổi bật của truyện thơ.

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức bài 3: Lời tiễn dặn, kiến thức trọng tâm văn 11 chân trời bài 3: Lời tiễn dặn, nội dung chính bài Lời tiễn dặn

Bình luận

Giải bài tập những môn khác