Tóm tắt kiến thức ngữ văn 10 cánh diều bài 3: Xúy Vân giả dại (Trích chèo Kim Nham)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 10 cánh diều bài 3: Xúy Vân giả dại (Trích chèo Kim Nham). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Thể loại chèo

- Chèo cổ (còn gọi là chèo sân đình, chèo truyền thống) thuộc thể loại sân khấu dân gian, ra đời từ xa xưa, phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

- Nội dung: Chèo cổ phản ánh đời sống vật chất, tâm hồn, tình cảm của con người trong xã hội phong kiến; ca ngợi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người; phê phán các thói hư tật xấu; thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn.

- Kịch bản chèo (tích chèo) là phần nội dung chính của vở diễn, thường lấy từ các truyện cổ tích, truyện Nôm, truyện cười, được các nghệ nhân hoặc nhà sưu tâm, nghiên cứu,... ghi chép lại thành văn bản, trong đó có cốt truyện, nhân vật kèm lời thoại và các chỉ dẫn về bối cảnh, trang phục, hoạt động trên sân khấu,...

2.  Diễn biến chính của tích trò Kim Nham

- Kim Nham là một học trò, kết duyên với Xúy Vân.

- Kim Nham tiếp tục lên kinh ứng thí, Xúy Vân sống trong cảnh cô đơn

-  Xúy Vân sống trong cảnh cô đơn, Trần Phương tán tỉnh Xúy Vân.

-  Xúy Vân giả điên để thoát khỏi Kim Nham.

- Kim Nham chạy chữ cho Xúy Vân.

- Chạy chữa không được, Kim Nham đành để Xúy Vân tự do.

- Xúy Vân tìm đến Trần Phương nhưng bị Trần Phương quay lưng.

- Xúy Vân hóa điên thật.

3. Đặc điểm của chèo Kim Nham

- Nêu cao bài học đạo lí khi thể hiện quan hệ gia đình, chồng vợ, đồng thời cũng bộc lộ sự cảm thông với thân phận của người phụ nữ trong xã hội nam quyền xưa.

- Hội tụ được những tinh hoa của nghệ thuật chèo, vừa giàu tính bi kịch, vừa đầy tiếng cười hài hước.

- Tích trò Kim Nham có một số dị bản, kể khác nhau ít nhiều về nguồn gốc gia đình Xúy Vân, nguyên cớ chính khiến Xúy Vân giả điên và đoạn kết thúc số phận bi kịch của nàng.

- Các lối nói, làn điệu, vũ điệu, chỉ dẫn sân khấu được sử dụng:

+ Lối nói: vỉa, nói lệch, nói điệu sử rầu

+ Làn điệu: điệu sa lệch, hát quá giang, hát ngược, hát điệu con gà rừng.

+ Vũ điệu: điệu bắt nhện, xe tơ, dệt cửi…

+ Chỉ dẫn sân khấu: đế

II. TÌM HIỂU CHI TIẾT

1. Cảnh ngộ và tâm trạng của Xúy Vân trong cuộc hôn nhân với Kim Nham

- Cảnh ngộ:

+ Cuộc hôn nhân không mong muốn, do cha mẹ sắp đặt (ức bởi xuân huyên).

+ Sống trong cảnh cô đơn, lẻ loi, không được như ý (càng chờ càng, đợi càng trưa chuyến đò).

+ Chịu đựng sự gò bó, tù túng (Con cá rô nằm vũng chân trâu/ Để cho năm bảy cần câu châu vào!)

- Tâm trạng:

+ Đau khổ, đắng cay, tấm tức, không thể bày tỏ cùng ai vì làm sao có thể nói về một điều do cha mẹ (xuân huyên) sắp đặt (đau thiết thiệt van).

+ Buông xuôi và phản kháng xen lẫn nhau:

  • Buông xuôi: Cách sông nên tôi phải lụy đò/ Bởi ông trời tối, phải lụy cô bán hàng
  • Phản kháng: Chả nên gia thất thì về,/ Ở làm chi mãi cho chúng chê, bạn cười.

-> Cảnh ngộ éo le và tâm trạng chán chường, muốn vùng vẫy thoát khỏi những kìm kẹp.

2. Tình cảm đối với Trần Phương và niềm mong ước của Xúy Vân

- Tình cảm đối với Trần Phương:

+ say đắm, điên cuồng, rồ dại

+ nhớ nhân tình, đêm năm canh tôi thức cả vừa năm

-> tình yêu thực sự, chân thành, mãnh liệt, thổn thức.

- Niềm mong ước của Xúy Vân: mong chờ hạnh phúc của tình yêu đôi lứa, vợ chồng (Chờ cho bông lúa chín vàng,/ Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.)

-> Khát vọng hạnh phúc lứa đôi chân chính và tình cảm chân thật, đến mức điên cuồng. Tình cảm với Trần Phương đã cho Xúy Vân thấy được tia hy vọng của hạnh phúc, chính vì vậy mà nàng đã muốn vùng vẫy để thoát khỏi Kim Nham -> giả điên.

3. Mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm nhân vật

- Mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm của Xúy Vân là mâu thuẫn giữa một bên phải giữ đạo vợ chồng, giữ trinh tiết, một bên là tiếng gọi, khát vọng tình yêu.

+ Đối với Kim Nham: Xúy Vân sử dụng lí lẽ để giữ bản thân ở lại với cuộc hôn nhân:

  • Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng.
  • Gió trăng thời mặc gió trăng,
  • Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên
  • Tôi thương nhân ngãi

+ Đối với Trần Phương: Xúy Vân yêu Trần Phương và thấy khát khao hạnh phúc được đong đầy:

  • Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương,
  • Nên đến nỗi điên cuồng, rồ dại.
  • Chờ cho bông lúa chín vàng,
  • Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.
  • […], tôi nhớ nhân tình,
  • Đêm năm canh tôi thức cả vừa năm.

- Nhận xét:

+ Trong lời nói lệch gọi đò, chờ đò: Xúy Vân tự thấy mình lỡ làng, dang dở, bẽ bàng, đau đớn vì duyên phận.

+ Trong lời hát điệu con gà rừng, XV thấy mình lạc lõng mà không thể thổ lộ cùng ai. Hình ảnh ẩn dụ “con gà rừng ăn lẫn với công” cho thấy nỗi hờn tủi, ngậm đắng nuốt cay, sự tự ý thức về thân phận của XV khi làm dâu. Lời hát điệu con gà rừng thể hiện tâm trạng thất vọng sâu sắc, hụt hẫng, cô đơn khi rơi vào tình cảnh “đồng sàng dị mộng” trong cuộc sống vợ chồng.

+ Lời than “Chị em ơi, tôi than thân tôi vài câu nhé” thể hiện qua lối nói điệu sử rầu, lời hát sắp mở ra một tâm trạng bế tắc, cảm giác bị bủa vây, săn đuổi tứ phía trong một không gian cạn hẹp, không lối thoát, bế tắc.

+ Lời hát ngược mở cả một thế giới của những sự đảo lộn, ngược đời, phi lí. Mọi thứ tưởng chừng “lộn tùng phèo” so với quy luật của sự vật, hiện tượng… và nhận thức, thông thường.

III. TỔNG KẾT

1. Nghệ thuật:

- Hình thức xưng danh, thể hiện nhân vật rất riêng biệt của sân khấu dân gian Việt Nam (bao gồm chèo và tuồng)

-> Khán giả bình dân nắm bắt nhanh chóng về loại, đặc điểm và vai trò của nhân vật trên sân khấu

-> Không cần bỏ nhiều công để suy đoán về tính cách nhân vật mà tập trung theo dõi nghệ thuật trình diễn (múa, hát) của diễn viên.

-> Nếu nhìn bằng con mắt hiện đại: cách tự giới thiệu (cả tốt lẫn xấu trong tính cách) là điều không logic, nhưng

nếu nhìn bằng con mắt của nghệ thuật truyền thống sẽ thấy đây là một quy ước nghệ thuật.

- Tiếng đế -> Không có khoảng cách không gian giữa diễn viên và khán giả

-> Sân khấu là một không gian được hình thành tự nhiên giữa vòng vây của khán giả, gây cảm tưởng diễn viên là người vừa bước tách ra khỏi đám đông để lên sàn diễn. Còn khán giả lại không hề giữ vai trò thụ động vì họ vẫn có thể tham gia vở diễn ở một số hoạt động nhất định.

- Ngôn ngữ chèo: lời thoại của nhân vật được thể hiện bằng hình thức của lời nói thường hoặc hình thức của thơ bốn chữ, lục bát, lục bát biến thể mang màu sắc ca dao được hát theo các làn điệu:

+ Bốn chữ: Đau thiết thiệt van,/ Than cùng bà Nguyệt,/ Đánh cho lê liệt,…

+ Lục bát: Gió trăng thời mặc gió trăng,/ Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên; Chờ cho bông lúa chín vàng,/ Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.

+ Lục bát biến thể: Chiếc trống cơm, ai khéo vỗ nên bông,/ Một đàn các cô con gái lội sông té bèo…

- Tích trò có chức năng làm điểm tựa cho hoạt động diễn xuất của diễn viên, cố định hóa lời thoại nhân vật nhưng không quyết định tất cả thành công của vở diễn.

2. Nội dung

- Vở chèo Kim Nham lấy nền tảng đạo lí về quan hệ gia đình, chồng vợ để nói lên sự cảm thông với thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa.

- Lớp chèo Xúy Vân giả dại đã thể hiện thành công sự mâu thuẫn trong tâm trạng của Xúy Vân, giữa một bên là đạo lí, nghĩa vợ chồng, một bên là khát vọng tình yêu mãnh liệt.

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức bài 3: Xúy Vân giả dại (Trích chèo Kim Nham), kiến thức trọng tâm ngữ văn cánh diều bài 3: Xúy Vân giả dại (Trích chèo Kim Nham), nội dung chính bài Xúy Vân giả dại (Trích chèo Kim Nham)

Bình luận

Giải bài tập những môn khác