Thảo luận nêu suy nghĩ của em về vấn đề gây tranh cãi Có nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số
Tuyển tập những bài văn mẫu hay lớp 7 chân trời sáng tạo. Những bài văn, đoạn văn hay của lớp 7 bộ sách chân trời sáng tạo sẽ được tổng hợp ở dưới đây. Bộ đề gồm nhiều bài văn tham khảo khác nhau. Mời các em học sinh tham khảo.
Thảo luận nêu suy nghĩ của em về vấn đề gây tranh cãi Có nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số.
Bài tham khảo 1 :
Đánh giá bằng điểm số được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học. Tuy nhiên sẽ không còn được dùng cách đánh giá bằng điểm số này một cách độc lập nữa. Mà hiện tại thì các môn như Toán, Lý, Hóa, Ngữ Văn, ... (ngoại trừ Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mĩ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp) thì sẽ được đánh giá giống như môn Giáo dục công dân trước đây, có nghĩa là đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số. Chúng ta đã từng trải qua rất nhiều đợt thi cử khác nhau. Nhưng tựu chung lại, tất cả các bài kiểm tra ấy đều có chung mục đích: lấy điểm để đánh giá học lực giỏi, khá hay yếu của học sinh. Vậy, có khi nào bạn tự đặt ra câu hỏi "Có nên xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số?" hay không? Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, vấn đề này lại trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. Em đồng tình với việc xếp loại, đánh giá học sinh bằng điểm số. Chúng mình thấy rằng điểm số sẽ giúp giáo viên dễ dàng phân loại lực học. Điểm số còn phản ánh quá trình học tập của mỗi người. Để đạt được kết quả cao, người đó phải chăm chỉ ôn luyện, tích lũy tri thức. Ngược lại, những người vừa hổng kiến thức vừa lười biếng sẽ mãi xếp hạng lẹt đẹt. Tiếp đến, việc thầy cô xếp loại và đánh giá bằng điểm sẽ thúc đẩy tinh thần ham học của học sinh. Để đạt được vị trí mà bản thân đề ra, các bạn phải cố gắng trau dồi, ôn luyện kiến thức. Ngày ngày, khi tích lũy được vô vàn tri thức, chúng ta càng thêm hăng say với việc học. Tuy nhiên, chúng ta không nên lấy điểm số để so sánh, phân chia cao thấp với nhau. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lí, cảm nhận của người học. Một vài người cảm thấy áp lực vì kết quả quá thấp. Số khác thì tìm cách gian lận để có điểm cao trong kì thi.
Bài tham khảo 2 :
Hiện nay, việc xếp loại và đánh giá học sinh bằng những con số vẫn được sử dụng thường xuyên. Trong bối cảnh nền giáo dục nước ta đang có sự thay đổi, vấn đề này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Theo các bạn, chúng ta có nên tiếp tục xếp loại, đánh giá bằng điểm số nữa hay không? Đầu tiên, mình không ủng hộ vấn đề này. Nếu thầy cô dùng các đầu điểm để phân loại học lực thì sẽ gây ra áp lực cho học sinh. Thấy bạn mình đạt kết quả tốt, một số người cảm thấy lo lắng, hoang mang và lao vào học tập chỉ để có điểm cao. Nhiều bạn không thể xác định phương hướng học tập rõ ràng: học để tích lũy kiến thức hay học vì thứ hạng. Có bạn phải chịu gánh nặng từ mục tiêu bản thân lẫn kỳ vọng của phụ huynh dẫn đến stress, ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lí, sức khỏe. Tiếp đến, đánh giá bằng điểm số không phải là phương thức đánh giá toàn diện. Ví dụ như một vài trường hợp hổng kiến thức lại đạt điểm cao trong thi cử nhờ "ăn may", khoanh bừa. Hay có những người vì muốn đạt kết quả cao nên bất chấp tất cả mà gian lận, quay cóp. Chính bởi vậy, thay vì chú trọng điểm số, chúng ta nên quan tâm đến toàn bộ quá trình học tập cùng khả năng vận dụng tri thức vào đời sống.
Bài tham khảo 3 :
Ngày nay, chúng ta thường xuyên phải tham gia các kì thi. Sau mỗi lần kiểm tra, điểm số sẽ được dùng để sắp xếp thứ hạng và phân loại học lực. Vậy, theo các bạn, việc xếp loại và đánh giá học sinh bằng điểm số có nên tiếp tục hay không? Mình nhận thấy điểm số không phản ánh toàn bộ quá trình học tập. Bên cạnh những người chăm chỉ nỗ lực ôn tập thì số khác nhờ khoanh bừa hay quay cóp mà đạt kết quả cao. Điều này dẫn đến sự thiếu công bằng khi người chăm chỉ học tập và không học có kết quả xếp loại giống nhau. Chính bởi vậy, dùng con số để đánh giá tuy là phương thức đơn giản nhưng hiệu quả mang lại không cao. Tiếp đến, điểm số còn gây ra áp lực vô hình cho học sinh. Khi thấy các bạn trong lớp đạt điểm cao, một số cá nhân có thành tích kém sẽ dễ chán nản, lo sợ. Họ phải chịu áp lực từ chính bản thân và gia đình, luôn "tâm niệm" học để lấy điểm đẹp như 9, 10. Cuối cùng, vì học không có mục tiêu, phương hướng rõ ràng nên họ cảm thấy stress, mệt mỏi. Có thể nói, điểm số không phải là yếu tố quyết định năng lực và tri thức của mỗi người. Chúng ta cần thay đổi tư duy, thái độ về vấn đề này. Hãy biết vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày. Mình đồng ý rằng: điểm số thường phản ánh quá trình học tập ở mỗi người. Chính bởi vậy, chúng ta không thể áp đặt kết quả học tập của người này lên người kia. Thay vì so sánh cao - thấp, giỏi - kém, chúng ta hãy cổ vũ, động viên và đưa ra những lời khuyên chân thành cho người học.
Bình luận