Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Cánh diều bài 1: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 cánh diều bài 1: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ (Trích Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 1.5. THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU: TÌNH CẢNH LẺ LOI CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Xác định và phân tích được một số đặc điểm của thể thơ song thất lục bát như: số dòng, số chữ, vần và nhịp trong một khổ thơ; sự khác biệt so với thơ lục bát. 

- Biết vận dụng kiến thức lịch sử văn học để đọc hiểu văn bản

I. TÌM HIỂU CHUNG VỀ VĂN BẢN

1. Đọc

- Cách đọc: Khi đọc, HS cần chú ý các tên đất, tên người mang tính chất ước lệ tượng trưng, nhấn mạnh vào các điển tích, điển cố và chú ý đến phần giải thích nghĩa các từ khó.

- Câu hỏi trong hộp chỉ dẫn:

Câu hỏi/ kĩ năng đọc.

Câu trả lời của tôi

Chú ý cách diễn tả nỗi nhớ của người chinh phụ.

Nỗi nhớ được thể hiện qua không gian bằng các biện pháp điệp từ “non Yên” hay từ láy “thăm thẳm”. Điều đó thể hiện sự xa cách khôn nguôi và nỗi nhớ đau đáu thấm cả vào cảnh vật.

Nỗi lòng người chinh phụ đã được biểu hiện như thế nào qua việc tả cảnh?

Các từ “bổ mòn”, “xẻ héo” tạo cảm giác chia lìa tan tác và nỗi buồn hiu quạnh được thể hiện qua những sự vật như sương, bụi chim gù, tiếng chuông, tiếng dế, hàng cây chuối.

Hình ảnh gắn bó giữa “hoa” và “nguyệt” thể hiện điều gì?

Hình ảnh “hoa”, “nguyệt” gắn bó với nỗi cô đơn, nhằm miêu tả sự cô đơn lẻ loi, khao khát hạnh phúc lứa đôi của những chinh phụ còn son trẻ trong những đêm trăng đẹp lạnh lẽo.

2. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

a. Tác giả

- Đặng Trần Côn sống vào khoảng đầu thế kỉ XVIII, quê ở làng Nhân Mục (còn gọi là làng Mọc), nay thuộc Hà Nội. 

- Ông đỗ Hương cống, làm quan tới chức Ngự sử đài chiếu khám. 

- Tác phẩm của ông thường chú trọng thể hiện những tình cảm riêng tư, những nỗi niềm trắc ẩn của con người. 

- Ngoài Chinh phụ ngâm khúc, một số sáng tác khác của ông hiện còn được lưu lại như Tiêu Tương bát cảnh, ba bài phú Trương Hàn tư thuần lô, Trương Lương bố ý, Khấu môn thanh,...

b. Dịch giả

- Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, quê ở tỉnh Hưng Yên. 

- Nữ sĩ sáng tác văn thơ bằng cả chữ Hán và chữ Nôm, hiện còn lưu lại các tác phẩm như Truyền kì tân phả, Nữ trung tùng phận và một số bài thơ. 

c. Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

- Chinh phụ ngâm (Khúc ngâm của người phụ nữ có chồng ra trận) còn có nhan đề khác là Chinh phụ ngâm khúc, do Đặng Trần Côn sáng tác trong khoảng năm 1740 - 1742 bằng chữ Hán, giãi bày tâm sự của một người vợ có chồng ra trận, mong mỏi ngày chồng chiến thắng trở về, được nhà vua ban thưởng và cùng nàng sống hạnh phúc. 

- Bản dịch Chinh phụ ngâm nổi tiếng hiện đang lưu hành được nhiều học giả khẳng định là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

- Đoạn trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ gồm 20 câu thơ đã thể hiện những tình cảm đầy khắc khoải, nhớ nhung, sầu não của người chinh phụ khi phải xa cách người chinh phu.

II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Bố cục, đặc điểm thể thơ và đề tài của văn bản

a. Bố cục

+ Phần 1 (Từ đầu đến “tiếng trùng mưa phun”): Nỗi nhớ thương chồng nơi xa.

+ Phần 2 (Tiếp đến “gió thốc ngoài hiên”): Nỗi cô đơn lẻ loi của người chinh phụ.

+ Phần 3 (Còn lại): Khát vọng hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ.

b. Biểu hiện của thể thơ song thất lục bát trong bài thơ 

- Kết cấu gồm 2 cặp câu song thất và một cặp câu lục bát.

- Gieo vần: 

- Gieo vần:

+ Tiếng cuối dòng bảy trên bắt vần trắc xuống tiếng thứ năm của dòng bảy dưới.

Ví dụ:

Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

+ Tiếng cuối của dòng bảy dưới bắt vần với tiếng cuối của dòng sáu.

Ví dụ:

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong

Cảnh buồn người thiết tiết tha lòng.

+ Tiếng cuối của dòng sáu bắt vần với tiếng thứ sáu của dòng tám.

Ví dụ:

Lá màn lay ngọn gió xuyên,

Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm

+ Tiếng cuối của dòng tám lại bắt vần với tiếng thứ ba hoặc tiếng thứ năm ở dòng bảy đầu khổ thơ sau. 

Ví dụ:

Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi. / Vài tiếng dế, nguyệt soi trước ốc.

- Ngắt nhịp: Các dòng bảy có thể ngắt nhịp 3/4 hoặc 3/2/2, hai dòng sáu – tám ngắt theo thể lục bát.

c. Sự phù hợp của thể thơ khi thể hiện đề tài

- Cặp thất ngôn kể sự việc và cặp lục bát thiên về cảm thán, giãi bày nỗi lòng của người vợ có chồng đi chinh chiến.

- Thường chỉ có một nhân vật trữ tình là người chinh phụ trong khung cảnh thời gian và không gian hạn hẹp.

- Kết hợp được nhiều vẻ đẹp của tiếng Việt, dồi dào nhạc điệu, trong đó nổi bật ở âm điệu nhớ thương triền miên, phù hợp để ngâm ngợi – thể ngâm khúc.

2. Tâm trạng của người chinh phụ trong văn bản Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ.

a. Nỗi lòng của của người chinh phụ:

- Người chinh phụ vốn dòng dõi trâm anh. Nàng tiễn chồng ra trận với mong muốn chồng mình sẽ lập được công danh và trở về cùng với vinh hoa, phú quý. Nhưng ngay sau buổi tiễn đưa, nàng phải sống trong tình cảnh lẻ loi, ngày đêm xót xa lo lắng cho chồng. Thấm thía nỗi cô đơn, nàng nhận ra tuổi xuân của mình đang trôi qua vùn vụt và cảnh lứa đôi đoàn tự hạnh phúc ngày càng trở nên xa vời. Vì vậy mà nàng rơi vào tâm trạng cô đơn, sầu khổ triền miên. Khúc ngâm thể hiện rất rõ tâm trạng ấy.

=> Nguyên nhân dẫn đến tâm trạng ấy là do chiến tranh phi nghĩa. 

b. Mối quan hệ giữa cảnh vật và tâm trạng của người chinh phụ từ dòng 9 đến dòng 20.

Sương như búa, bổ mòn gốc liễu
Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô

=> Hình ảnh nào cũng đau đớn “sương như búa...”, “tuyết dường cưa...”; khi đau đớn nặng nề (búa bổ) khi thì đau đớn dai dẳng (cưa xẻ). “Gốc liễu”, “cành ngô” là những vật yếu mềm, hiện thân của người phụ nữ bị nỗi sầu muộn tàn phá cả thể xác lẫn tinh thần. Không còn phân biệt được những hình ảnh đó là bên trong hay bên ngoài, cũng như không còn phân biệt được những âm thanh cô đơn này là bên ngoài hay bên trong.

Giọt sương phủ bụi chim, gù
Sâu tường kêu vẳng, chuông chùa nện khơi.

=> Tiếng chim gù (gọi bạn) đơn phương trong bụi bị “sương phủ”, tiếng chim gù nghe lạnh thâu xương, sắc độ của âm thanh được phân biệt trong hai từ “vẳng” và “nện”. “Vẳng” là dành cho tiếng côn trùng “sâu tường”, và “nện” là dành cho tiếng “chuông chùa”, tiếng chuông chùa đã làm thổn thức trái tim cô quạnh của người chinh phụ. Không một âm thanh nào trong đêm trăng là không dội vang vào lòng người chinh phụ. Song để ý một chút ta có thể nhận ra sắc độ của âm thanh, có những âm thanh nỉ non, thê thiết của “tiếng trùng mưa phun”, của tiếng “chim gù” phủ sương, của tiếng dế não nùng, lại có những âm thanh dữ đội của “chuông chùa nện khơi”, của “gió thóc ngoài hiên” biểu hiện sức sống mãnh liệt của người chinh phụ. Chính sức sống mãnh liệt đó làm run rẩy cây cỏ, tiếng trùng trong đêm trăng, làm lay động lá màn đơn chiếc của nàng. 

Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng

Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau

=> Thiên nhiên đã bày ra một cuộc ái ân thật là mê li. Những ẩn dụ “hoa”, “nguyệt” đã tạo ra “trường liên tưởng” về một quá khứ tình cảm êm đẹp. Nhạc điệu cũng chuyển tha thiết hơn, nồng nàn hơn bằng những điệp ngữ, điệp từ, bằng sự hòa âm, hòa điệu tạo ra sự trùng điệp mê li. Bằng những hình ảnh “hoa”, “nguyệt” gợi cảm lạ lùng, bằng nhạc điệu đầy cám dỗ, tác giả đã họa lên nỗi lòng khao khát hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ.

=> Kết luận: Hình ảnh nào cũng là hình ảnh bên ngoài mà hình ảnh nào cũng là hình ảnh bên trong, âm thanh nào cũng là âm thanh của thiên nhiên mà âm thanh nào cũng là âm thanh của lòng người. Một hệ thống hình ảnh thiên nhiên đã họa lên nỗi lòng của người chinh phụ, nhớ thương mòn mỏi, héo hắt. 

4. Tổng kết

a. Nội dung

Đoạn trích nói lên sự nhớ nhung sầu muộn của người chịnh phụ khi cô đơn, lẻ loi ở nhà mong mỏi chờ chồng ở chiến trận. Sự chia cắt ấy là do các cuộc chiến tranh phi nghĩa của các thế lực phong kiến khiến họ phải xa rời nhau. Đoạn trích với những hình ảnh thời tiết, thiên nhiên, côn trùng tạo ra một bức tranh u sầu, tô đậm sự u ám sầu muộn khi phải cô đơn lẻ loi ở nhà một mình chờ người mình thương bình an trở về. 

b. Nghệ thuật

 Tác giả đặt nhân vật trữ tình trong khung cảnh không gian và thời gian có ý nghĩa phúng dụ.

- Bút pháp biến hóa, nhạc điệu thay đổi rất hay (âm điệu của từ láy ở hai khổ thơ đầu, âm điệu và thanh sắc ở khổ ba, bốn và điệp từ, điệp ngữ ở đoạn kết).

- Hình ảnh ước lệ, tượng trưng được tạo dựng bằng những từ ngữ có hồn đã khắc hoạ sâu sắc tâm trạng nhân vật bằng biện pháp tả cảnh, ngụ tình. 


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 CD bài 1: Tình cảnh lẻ loi của người, kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 cánh diều bài 1: Tình cảnh lẻ loi của người, Ôn tập Ngữ văn 9 cánh diều bài 1: Tình cảnh lẻ loi của người

Bình luận

Giải bài tập những môn khác