Câu lạc bộ truyền thông của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ, đăng những bài viết đề xuất giải pháp cho các vấn đề mà học sinh thường gặp phải...

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương trình Tiếng Việt lớp 9 bộ chân trời . Có nhiều bài viết hay khác nhau để các em tham khảo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Câu lạc bộ truyền thông của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ, đăng những bài viết đề xuất giải pháp cho các vấn đề mà học sinh thường gặp phải. Em hãy chọn một vấn đề mà mình quan tâm, viết bài nghị luận để gửi đăng ở diễn đàn này.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Bài mẫu 1: Tình trạng học tủ, học vẹt của học sinh 

Mỗi chúng ta là chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì thế việc học tập của ta có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nước nhà. Tuy nhiên, hiện nay hiện tượng học sinh học tủ, học vẹt đang diễn ra ngày càng nhiều.

Ta không khó để bắt gặp các bạn học sinh chép sách giải để hoàn thiện bài tập về nhà. Lại có nhiều trường hợp các em học sinh không chủ động học tập, ghi nhớ kiến thức mà học ngẫu nhiên một vài bài để chuẩn bị cho bài thi, bài kiểm tra,… Nhiều bạn chỉ biết chép bài trong sách vở, bài giảng của thầy cô không cần hiểu nó nói gì. Lúc mới học có thể thuộc lòng nhưng rồi lại quên ngay và khi cần thì chữ nghĩa cũng không cánh mà bay.

Nguyên nhân của hiện tượng này đầu tiên phải kể đến là do ý thức chủ quan của các bạn học sinh: ý thức học tập của một số bạn còn kém, các bạn chưa nhận ra được tầm quan trọng của việc học mà chỉ quan tâm đến kết quả thi. Bên cạnh đó còn là do bản tính còn ham chơi, muốn học cho nhanh để làm việc khác hoặc muốn được điểm cao mà lười học của nhiều học sinh. Nguyên nhân khách quan không thể không nhắc đến là do các thầy cô cho khối lượng bài tập rất nhiều và khó khiến các bạn không làm kịp nhưng vẫn phải nộp; bố mẹ kỳ vọng cao, muốn con mình học nhiều hơn nữa, đạt nhiều thành tích hơn nữa…

Để cải thiện tình trạng này, trước hết, mỗi học sinh cần có tinh thần tự giác trong học tập, cố gắng tìm tòi học hỏi, không dựa dẫm vào người khác, hạn chế tối đa những hành vi không tốt trong học tập và thi cử. Bên cạnh đó, gia đình không nên bắt em con em mình học tập quá sức hoặc quá đặt nặng thành tích lên con mình. Ngoài ra, nhà trường và các thầy cô giáo cần ra lượng bài tập hợp lý, không quá nhiều đồng thời có những biện pháp nghiêm khắc đối với những trường hợp đối phó trong học tập của học sinh.

Quãng thời gian học tập ngồi trên ghế nhà trường là khoảng thời gian tốt nhất để trau dồi bản thân, hãy trở thành một người con ngoan trò giỏi, cống hiến nhiều điều tốt đẹp cho đất nước ngay từ hôm nay.

 Bài mẫu 2: Tình trạng chống đối, đối phó của học sinh 

"Sự thiếu kiến thức không đáng xấu hổ bằng việc từ chối học hỏi". Quả đúng như vậy, nếu bạn không sẵn lòng học hỏi, chắc chắn bạn sẽ bị tụt lại phía sau trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, hiện tượng học đối phó đang trở nên phổ biến đối với học sinh ở mọi cấp và đã để lại nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống giáo dục của quốc gia.

Học tập là nền tảng vững chắc nhất để đưa bạn tới thành công. Học tập không chỉ đơn thuần là nhận thông tin từ sách vở, mà còn là quá trình kết hợp giữa "học" và "hành". Nếu bạn chỉ coi việc học là cách để đạt điểm cao, mà không quan tâm đến việc hiểu và thực hành, thì đó là một điều đáng tiếc vì đó chính là học đối phó. "Học đối phó" là học với thái độ chống đối, chỉ đơn thuần học để hoàn thành, không có đam mê hay hứng thú với việc học. Học đối phó khiến học sinh trở nên lười suy nghĩ và ảnh hưởng đến khả năng tư duy. Vì vậy, khi đối mặt với các bài thi khó, những người có thói quen học đối phó thường trở nên bối rối và không thể tập trung để làm bài, dẫn đến kết quả thi khác hoàn toàn so với kết quả kiểm tra hàng ngày.

Một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học chống đối là do ý thức tự giác trong học tập của một số học sinh chưa cao. Họ thiếu mục tiêu học tập rõ ràng, dễ nản chí khi gặp phải những bài tập khó mà không nỗ lực tìm giải pháp. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khách quan từ phía gia đình và nhà trường góp phần tạo ra sự chống đối trong học tập. Áp lực về điểm số từ gia đình đã trở thành rào cản khiến học sinh cảm thấy chán nản, bởi vì các bậc phụ huynh đều mong muốn con cái của mình thành công, nhưng lại ép buộc con học mà không để thời gian nghỉ ngơi. Đối với nhà trường, việc không xử lý triệt để khi học sinh chống đối hoặc giao quá nhiều bài tập về nhà cũng làm nhiều học sinh nản chí và chỉ muốn chép bài để hoàn thành nhanh.

Vì vậy, để khắc phục tình trạng học chống đối và đưa Việt Nam trở thành một cường quốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mỗi học sinh cần có thái độ nghiêm túc trong học tập, xác định mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng. Họ cần nhận thức về tầm quan trọng của việc tự học để đạt hiệu quả học tập tối đa, không chỉ là những điểm số trên giấy. Chúng ta cần tự chuẩn bị và làm bài tập trước khi đến lớp để tự tin thể hiện kết quả của mình. Sự quan tâm, giám sát và sự hỗ trợ từ gia đình và nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để giúp học sinh cảm thấy học không còn là gánh nặng mỗi khi đến trường.

Tại sao quá trình "trồng người" lại mất hàng thế kỷ? Bởi vì con người là những chủ nhân xây dựng đất nước. Một quốc gia phát triển phụ thuộc vào hệ thống giáo dục phát triển nhằm đào tạo nhiều tài năng ở nhiều lĩnh vực. "Cây trồng kiến thức có mùi vị đắng nhưng quả ngọt ngào" nên chúng ta cần cố gắng trau dồi kiến thức, chăm chỉ học tập để thu hoạch những thành tựu ngọt ngào trong cuộc sống.

Bài mẫu 3: Tình trạng thiếu kỹ năng sống của học sinh 

Muốn hiểu biết về thế giới và con người xung quanh, chúng ta cần nỗ lực học tập để có được tri thức. Nhưng muốn có được cuộc sống hạnh phúc và sự tương tác hài hòa với mọi người xung quanh, với chính mình, bên cạnh kiến thức, con người cần rèn luyện cho mình những kĩ năng sống. Có thể khẳng định, kĩ năng sống có vai trò quan trọng đối với con người bất kể ở thời đại nào và ở thời điểm nào trong cuộc đời.

Vậy kĩ năng sống là gì? Tại sao kĩ năng sống lại quan trọng đối với chúng ta? Có hay không có kĩ năng sống, cuộc đời của chúng ta có gì khác biệt? Thực ra, trên thế giới và ở Việt Nam, có nhiều tổ chức đưa ra những cách hiểu khác nhau về kĩ năng sống như cách hiểu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc Unicef, Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hợp quốc Unesco hay trong các đơn vị trường học ở Việt Nam cũng có cách hiểu cụ thể gắn với điều kiện của mình. Nhưng hiểu một cách đơn giản, kĩ năng sống là khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với mọi người xung quanh và khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống trong cuộc sống.

Những khả năng ấy được biểu hiện bằng lời nói và hành động cụ thể trước những tình huống cụ thể. Ví dụ, trong học tập, có hai nhóm cùng làm việc. Nhóm một, người này làm việc người khác lại ngồi chơi, khi tranh luận thì cãi vã và giận dỗi lẫn nhau. Nhóm hai, tất cả cùng làm việc, cách đưa ra ý kiến riêng thẳng thắn và thiện chí, tranh luận mà không cãi vã và đưa ra được kết quả làm việc tập thể. Với ví dụ trên, nhóm hai có kĩ năng sống quan trọng là kĩ năng làm việc nhóm. Ngoài ra, còn có hàng loạt các kĩ năng sống khác như kĩ năng ra quyết định, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thuyết trình…

Có nhiều lí do khiến kĩ năng sống chiếm vai trò quan trọng đối với con người, đặc biệt đối với các bạn học sinh. Lí do đầu tiên phải kể đến là cuộc sống luôn nảy sinh những tình huống cần chúng ta xử lí và kĩ năng sống là công cụ có những ưu điểm to lớn giúp ta giải quyết chúng. Mặt khác, chúng ta không sống một mình mà chung sống cùng gia đình và cộng đồng xung quanh với thầy cô, bạn bè, làng xóm,… Muốn có được niềm vui và sự hài hòa với mọi người, kĩ năng sống cũng có vai trò quan trọng giúp đem lại điều đó. Một lời nói, một cử chỉ, một nụ cười hay một hành động nhỏ cũng có thể giúp mọi người xung quanh ấm lòng và cuộc sống trở nên thú vị hơn.

Thái độ lễ phép, cử chỉ lịch sự, lời nói dễ nghe, hành động giúp, đỡ quan tâm tới mọi người xung quanh luôn giúp cho chúng ta được yêu quý. Không chỉ cần kĩ năng sống để ứng xử với mọi người xung quanh, chúng ta cần kĩ năng sống để ứng xử với chính mình. Khi nổi giận, khi tìm kiếm sự hỗ trợ, khi cần có được sự tự tin… mỗi người đều cần rèn luyện để có được sự cân bằng và vui vẻ.

Kĩ năng sống rất quan trọng với mỗi học sinh còn bởi đây là lứa tuổi hình thành nhân cách, tư duy, nhận thức, kinh nghiệm… Bởi vậy, càng được rèn luyện kĩ năng sớm, các bạn càng có nhiều thuận lợi khi bước vào đời. Chúng ta có thể học kĩ năng sống qua các chương trình truyền hình có liên quan, qua tấm gương đẹp của những người xung quanh, qua sách dạy kĩ năng… Kĩ năng sống không có sẵn trong mỗi chúng ta, mỗi người phải nhận thức được tầm quan trọng và ích lợi to lớn của kĩ năng sống đối với thực tiễn để trau dồi, rèn luyện bằng cách tự lựa chọn những lời nói, cử chỉ, hành động, quyết định phù hợp để xử lí tình huống một cách hiệu quả, khéo léo và vui vẻ.

Câu nói “Việc rèn luyện kĩ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức” đã khẳng định tầm quan trọng của kĩ năng sống đối với cuộc sống của con người. Do đó khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bên cạnh việc học tập tri thức, làm giàu cho vốn hiểu biết thì mỗi học sinh cần tích cực bồi dưỡng kĩ năng sống, kĩ năng mềm để thêm vững vàng trong cuộc sống hiện đại.

Bài mẫu 4: Tình yêu tuổi học sinh 

Có lẽ tình yêu tuổi học trò là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của chúng ta và ta cũng không thể tránh khỏi những rung động đầu đời ấy. Đó là những lần say nắng trước cậu bạn lớp bên, những lần tim đập nhanh khi nhìn thấy cậu ấy, mặt đỏ như quả táo khi cậu ấy trêu ghẹo. Thậm chí, chỉ là vô tình đi lướt qua nhau thôi cũng đủ để làm tim ta bồi hồi, rộn ràng biết bao.

Tuổi học trò là lứa tuổi từ 18 trở lại, là lứa tuổi đẹp nhất vô tư nhất. Tuổi chúng ta đang còn cắp sách đến trường là tuổi xuân còn phơi phới, là lúc còn vui đùa cùng bạn bè, cùng hát hò, học tập cùng nhau. Tình cảm ấy có thể xuất phát từ sự ngưỡng mộ hoặc tình bạn thân thiết. Yêu ở lứa tuổi học trò nếu ta gặp đúng người, hợp thời điểm thì chắc chắn rằng đó sẽ là một mối tình vô cùng đẹp để lại kỉ niệm vô nghìn kỉ niệm sâu sắc.

Sau này dù kết quả ra sao có bền vững hay chia tay đi chăng nữa. Chúng ta cũng sẽ không nuối tiếc bởi vì những năm tháng ấy ta đã dũng cảm yêu hết mình, hết lòng hết dạ dành trọn con tim cho một người. Tình yêu tuổi học trò thật đẹp vì nó không vụ lợi, không toan tính cũng không có tham vọng. Tuy nhiên, tình yêu của ở lứa tuổi học trò cũng giống như con dao hai lưỡi vậy có mặt tích cực cũng có mặt tiêu cực.

Nếu như ta không đủ tỉnh táo, chín chắn, điều khiển đúng cách thì người chịu tổn thương sẽ là bản thân và sẽ gây ra những hậu quả khôn lường trước được. Tình yêu có thể giúp ta lấy đối phương là mục tiêu để hoàn thiện bản thân được hoàn hảo và tốt hơn, có thể cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn những áp lực trong cuộc sống chăm sóc lẫn nhau, vượt qua khó khăn, đưa ra những lời khuyên bổ ích và giúp đỡ nhau.

Để giảm tình trạng đau lòng ấy, đối với gia đình các bậc phụ huynh cần quan tâm, chia sẻ, giáo dục con em nhận định rõ ràng cẩn trọng với các mối quan hệ bên ngoài. Đối với trường học, cần mở ra diễn đàn giáo dục tình cảm để học sinh có thể nhận định rõ tình cảm của bản thân, tránh đi những ngộ nhận về tình cảm, tích cực rèn luyện kỹ năng sống giáo dục tâm lý: tỉnh táo để phân biệt đâu là sự ngưỡng mộ đâu là tình yêu đích thực.

Có lẽ do còn quá trẻ nên kinh nghiệm sống của chúng ta chưa nhiều, suy nghĩ còn dại dột nên đã dẫn đến những việc đau lòng . Yêu là không sai bởi vì tình yêu xuất phát từ sự rung động, đồng cảm giữa hai người, từ trái tim, tâm hồn nên ta không thể nào khống chế nó được. Nhưng ta hãy yêu một cách tỉnh táo và đủ thông minh, suy nghĩ thật sáng suốt để có được một tình yêu đẹp và trong sáng.

Bằng nhiều cách thức khác nhau, gia đình và nhà trường cần trang bị cho các em những kỹ năng sống cơ bản ở tuổi mới lớn. Trong đó bao gồm cả việc trao đổi, cung cấp những kiến thức cơ bản, cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản. Điều quan trọng là gia đình và các thầy, cô giáo trong nhà trường phải là chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy để giúp học sinh đang ở lứa tuổi dậy thì vượt qua được giai đoạn tâm lý có nhiều thay đổi, xáo trộn này.

Bài mẫu 5: Đôi bạn cùng tiến 

Mỗi chúng ta, ai cũng có những câu chuyện về riêng mình. Và cũng như thế, ai cũng có những người bạn của riêng mình để viết nên những tình bạn cao đẹp và chân chính cho đến suốt cuộc đời.

Bạn là người đồng trang phải lứa với ta, gắn bó thân thiết với ta. Bạn là người cùng ta học tập, cùng ta tiến bộ, cùng ta vượt qua những chặng đường nhất định trong cuộc sống. Bạn có thể là người đi cùng ta đến hết cuộc đời nhưng cũng có thể chỉ là người đồng hành cùng ta trên một quãng đường. Dù chặng đường chung ấy dài hay ngắn thì bạn vẫn phải là người hiểu ta và ngược lại, là người ta hiểu và có thể cùng nhau sẻ chia những niềm vui cũng như nỗi buồn trong cuộc sống. Có bạn cũng đồng nghĩa với việc ta đang xây đắp một tình bạn.

Một tình bạn đẹp là một tình bạn trong sáng , chân chính và cao hơn là thấu hiểu và tri kỉ. Bạn hay tình bạn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người nhưng không phải tình bạn nào cũng là tình bạn tốt đẹp và đáng quý. Một tình bạn đáng trân trọng phải là một tình bạn xuất phát từ tình cảm chân thành, từ sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau. Một tình bạn đẹp sẽ là chỗ dựa tinh thần vững chãi và là điểm tựa của mỗi con người trong những lúc gặp khó khăn hoạn nạn. Một tình bạn cao đẹp và chân chính còn cần sự lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Mỗi chúng ta là một vũ trụ không lặp lại, mỗi con người là một bản thể không giống ai. Việc gặp được một người hiểu ta và coi đó là bạn là một điều may mắn. Nhưng dù hiểu nhau đến thế nào đi chăng nữa, trong một số trường hợp nhất định vẫn có thể dẫn đến những hiểu lầm. Trong trường hợp ấy, điều cần thiết là mỗi người phải biết lắng nghe, phải biết đặt mình vào vị trí của bạn để thấu hiểu và cảm thông. Một tình bạn đẹp là khi thấy bạn lầm đường lạc lối , không bỏ mặc bạn và quay lưng đàm tiếu nói lời thị phi về bạn mà giúp bạn thức tỉnh, nhận ra lỗi lầm của của mình. Một người bạn đáng quý vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là sự giúp đỡ về vật chất mỗi khi ta gặp khó khăn và ngược lại. Trong bất cứ mối quan hệ nào cũng thế, sự trao đổi qua lại là một điều cần thiết. Vì bản chất của sự sống là cho và nhận. Ta không chỉ yêu cầu và đòi hỏi ở bạn mà còn cần phải là người bên cạnh bạn lúc khó khăn, lắng nghe và cảm thông cho bạn.

Để xây dựng một tình bạn cao đẹp và chân chính dài lâu, cần sự cố gắng và nỗ lực từ cả hai người chứ không phải là trách nhiệm của một mình ai cả. Tôi đã từng đọc ở đâu đó một câu nói: “ Trong tình bạn, nếu tớ và cậu giống như hai chiếc cốc thuỷ tinh, cậu cứng cỏi, tớ cứng cỏi, va vào nhau chắc chắn sẽ đứa này nứt đứa kia mẻ, ai cũng thương tích đầy mình, ai cũng sẽ chịu tổn thương.”

Hãy biết trân trọng những người bạn tốt mà mình đang có. Đừng để vì một sự hiểu lầm nhỏ nhoi hay phút trẻ con bốc đồng mà đánh mất đi những tình cảm quý báu mà có thể suốt cuộc đời còn về sau ta không thể nào tìm lại được nữa.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Câu lạc bộ truyền thông của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ, đăng những bài viết đề xuất giải pháp cho các vấn đề mà học sinh thường gặp phải. Em hãy chọn một vấn đề mà mình quan tâm, viết bài nghị luận để gửi đăng ở diễn đàn này tiếng việt 9 chân trời Câu lạc bộ truyền thông của trường tổ chức diễn đàn Giúp nhau tiến bộ, đăng những bài viết đề xuất giải pháp cho các vấn đề mà học sinh thường gặp phải. Em hãy chọn một vấn đề mà mình quan tâm, viết bài nghị luận để gửi đăng ở diễn đàn này.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác