Bài 13: Công dân với cộng đồng

Con người ai cũng sống, cũng học tập và làm việc trong những cộng đồng nhất định. Không ai có thể tách rời cộng đồng. Song mỗi thành viên cần phải sống và ứng xử như thế nào trong cộng đồng. Bài học dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ vấn đề đó.

Bài 13: Công dân với cộng đồng

A. Kiến thức trọng tâm

1. Cộng đồng và vai trò của cộng đồng đối với cuộc sống của con người.

a. Cộng đồng là gì

  • Cộng đồng là toàn thể những người cùng sống, có những điểm giống nhau gắn bó thành một khối trong sinh hoạt xã hội.

b. Vai trò của cộng đồng đối với cuộc sống của con người.

  • Chăm lo cuộc sống của cá nhân
  • Đảm bảo cho mọi người có điều kiện phát triển
  • Giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa quyền lợi và nghĩa vụ.
  • Cá nhân phát triển trong cộng đồng và tạo nên sức mạnh cho cộng đồng.

2. Trách nhiệm của công dân đối với cộng động

a. Nhân nghĩa

  • Nhân nghĩa là lòng thương người và sự đối xử với người theo điều phải, là tình cảm, thái độ, việc làm đúng đắn, phù hợp với đạo lí của dân tộc Việt Nam.
  • Biểu hiện nhân nghĩa:
    • Nhân ái thương yêu giúp đỡ nhau
    • Nhường nhịn đùm bọc nhau,
    • Vị tha bao dung độ lượng
  • Ý nghĩa nhân nghĩa:
    • Giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp
    • Con người thêm yêu cuộc sống, có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn.
    • Là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
  • Rèn luyện lòng nhân nghĩa:
    • Kính trọng, biết ơn hiếu thảo với ông bà cha mẹ
    • Quan tâm giúp đỡ mọi người
    • Cảm thông, bao dung, độ lượng vị tha
    • Tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa.

b. Hòa nhập

  • Sống hòa nhập là sống gần gũi, chan hòa, không xa lánh mọi người, không gây mâu thuẫn, bất hòa với người khác, có ý thức tham gia các hoạt động chung của cộng đồng.
  • Rèn luyện sống hòa nhập:
    • Tôn trọng, đoàn kết, quan tâm, gần gũi, vui vẻ, cởi mở, chan hòa với thầy cô giáo và mọi người xung quanh.
    • Không lánh xa, bè phái, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết  với người khác

c. Hợp tác

  • Hợp tác là cùng chung sức làm việc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong một công việc, một lĩnh vực nào đó vì mục đích chung.
  • Nguyên tắc: Dựa trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng các bên cùng có lợi và không làm phương hại đến lợi ích của những người khác.
  • Hình thức: Song phương, đa phương, toàn diện từng lĩnh vực.

B. Bài tập và hướng dẫn giải

Câu 1: Hãy nêu ý nghĩa của các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao dưới đây:

Môi hở răng lạnh

Máu chảy ruột mềm

Nhường cơm sẻ áo

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Câu 2: Hãy tìm hiểu về những hoạt động của lớp, trường, địa phương em thể hiện truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta.

Câu 3: Em hãy cùng các bạn lập kế hoạch giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp, trong trường hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Câu 4: Thế nào là sống hòa nhập? Điều gì sẽ xảy ra đối với người sống không hòa nhập với cộng đồng, xã hội? Vì sao?

Câu 5: Em tán thành hay không tán thành với từng ý kiến dưới đây? Vì sao?

a.     Biết hợp tác với nhau cùng nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc chung.

b.     Chỉ nên hợp tác với người khác khi mình cần sự giúp đỡ của họ.

c.     Chỉ những người có năng lực yếu kém mới cần phải hợp tác.

d.     Việc của ai, người nấy biết

e.     Hợp tác trong công việc giúp mỗi người học hỏi được nhiều điều hay từ những người khác.

Câu 6: Hãy tìm và giới thiệu  về một thành quả của sự hợp tác giữa các bạn trong lớp, trong trường hoặc địa phương em với các địa phương khác.

Nội dung quan tâm khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác