Tìm hiểu thực tế địa phương/dân tộc của em và chỉ ra ít nhất một nét bản sắc văn hoá của địa phương hoặc cộng đồng dân tộc của em cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Để thực hiện nhiệm vụ đó, em có đề xuất giải pháp gì?

BÀI TẬP 7: Tìm hiểu thực tế địa phương/dân tộc của em và chỉ ra ít nhất một nét bản sắc văn hoá của địa phương hoặc cộng đồng dân tộc của em cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Để thực hiện nhiệm vụ đó, em có đề xuất giải pháp gì?


        Nét thanh lịch của người Hà Nội nói chung và của người con gái Hà Thành nói riêng, dường như đã trở thành một hình ảnh mang tính “định nghĩa” khi nhắc về người Tràng An, một hình ảnh khơi gợi cảm hứng sáng tác cho biết bao văn nghệ sĩ. Tuy nét đẹp thanh lịch không phải chỉ riêng người Tràng An mới có, nhưng ở người Tràng An, vẻ đẹp ấy toát lên một khí chất thật khác, thật ấn tượng, để rồi khách phương xa ai gặp cũng nhớ mãi. Có lẽ, vẻ đẹp ấy được tạo nên từ chính bởi hồn thiêng sông nước, từ văn hóa ngàn đời trên mảnh đất được coi là địa linh nhân kiệt. Khác hẳn với người phụ nữ Tây Bắc chất phác, hồn nhiên; người phụ nữ Huế đằm thắm, trữ tình; người phụ nữ Sài Gòn rắn rỏi, vui tươi; hay người phụ nữ miền Tây chịu thương chịu khó… thì người phụ nữ Tràng An lại dịu dàng, nhẹ nhàng, thanh tao, tinh tế và có trong họ cả chút kiêu kỳ. Cái duyên thầm của người con gái Tràng An khiến họ dù không đẹp lộng lẫy nhưng vẫn vô cùng cuốn hút. Chẳng thế mà nhà văn Chu Lai trong cuốn "Hà Nội – Con gái" đã nhận định rằng: "Niềm tự hào của Hà Nội chính là cây xanh và con gái. Con gái Hà Nội là thế, cuộc sống càng khó khăn hiểm nghèo thì vẻ đẹp con gái càng rạng rỡ, thách thức hoàn cảnh. Con gái giữa đời thường đã đẹp. Con gái trong chiến tranh càng đẹp. Đẹp mỏng manh, đẹp siêu thoát…”.

        Người con gái Hà Thành đẹp trong từng cử chỉ, từng lời ăn tiếng nói: Nhỏ nhẹ, khiêm nhường, nhã nhặn. Nét duyên dáng được thể hiện một cách ý nhị qua từng bước đi khoan thai, dáng ngồi kiêu sa, hay ở chính cách ăn vận của một người con gái: giản dị, không lòe loẹt nhưng trang nhã, vừa khéo léo khoe ra những nét đẹp trên cơ thể vừa thể hiện sự chỉn chu, tinh tế. Dù chỉ là manh áo vải bình thường nhưng khi khoác lên người vẫn phải phẳng phiu, gọn gàng và kín đáo. Từ cái nếp được cha mẹ uốn nắn trong gia đình, khi ra xã hội họ vẫn là người con gái, ý nhị, lịch thiệp, mềm mỏng và giàu lòng tự trọng. Họ có thể là những con người không được học hành nhiều nhưng nhất định phải hiểu biết, lo toan, họ giống bao người phụ nữ trên dải đất hình chữ S đều đảm đang, tháo vát, kiên cường, nhưng họ là những người không cam chịu mà luôn nỗ lực vượt lên số phận.

        Trong guồng quay phát triển của cuộc sống hiện đại, con người cũng có nhiều thay đổi. Quả thực, khó lòng tìm được những tà áo dài tay xách chiếc làn xinh xắn đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà. Thay vào đó là rất nhiều cô gái tân thời, ăn mặc phóng khoáng. Nhiều người đã thở dài lo lắng, nhiều người trăn trở vì dường như tiếng thơm chỉ còn trong dĩ vãng. Tuy nhiên, ở một số nếp nhà gia phong vẫn được gìn giữ. Tại những ngôi nhà ấy, các cô con gái được dạy dỗ tỉ mỉ và có phần nghiêm khắc từ nhỏ. Trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ, Chị T.Nga, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội, kể lại rằng “ …ngày xưa nếu chẳng may bước đi mà dép bị kêu “quẹt quẹt” là kiểu gì cũng bị mẹ cho cái roi vào chân. Hay lúc ngồi cũng vậy, hễ cong lưng xuống là mẹ sẽ mắng ngay…”. Chị Đ.T.Hà, Hà Nội cũng đồng tình: “Đúng thế, hồi bé mẹ mình còn kỹ cả chuyện cầm đũa, cầm bát...” . Rất nhiều câu chuyện đơn giản như thế nhưng chỉ có những cô gái Hà Nội đương thời mới hiểu và đồng cảm. Họ đều chung một suy nghĩ rằng “nhờ được giáo dục nghiêm khắc nên bây giờ họ mới được thành công trong cuộc sống”. Quả thật, nhìn các chị ai cũng ngưỡng mộ, không phải bởi sự thành đạt, mà chính bởi thần thái, phong cách và ứng xử. Các chị không hề “cũ kỹ” như người ta nghĩ, trái lại nhìn các chị vô cùng hiện đại, nói chuyện với các chị người ta như được tiếp cận với một kho tri thức. Các chị cư xử khiêm nhường bằng giọng nói nhỏ nhẹ khiến ai nấy đều nể phục. Chắc chắn, những người phụ nữ Hà Thành này sẽ truyền lại khí chất ấy cho con gái mình, để rồi trong sự hội nhập và hiện đại hóa, người ta vẫn tìm thấy những người con gái Tràng An thanh tao, lịch lãm, trang nhã và cao quý dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.

        Từng lớp người được sinh ra và lớn lên. Từng ngày qua đi cuộc sống cũng phát triển hơn. Làm sao để lưu giữ được những giá trị đẹp đẽ từ ngàn đời, có lẽ câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào giáo dục. Nền giáo dục nghiêm khắc khác hẳn với hà khắc, giáo dục các quy tắc quy chuẩn không phải là bảo thủ, là cổ hủ mà để các thế hệ sau này không mai một nếp sống văn hóa vốn là cốt cách của người Tràng An; giáo dục quy chuẩn kết hợp với điều kiện phát triển của cuộc sống hiện đại để vừa lưu giữ, phát huy được nét đẹp của người Tràng An, vừa theo kịp nhịp phát triển của xã hội. Từ đó, những cô gái Hà Thành sẽ luôn đẹp trong nét đẹp mà bao ngòi bút xưa nay không tả xiết, đồng thời đẹp trong sự hiện đại, thích nghi để phát triển cùng xã hội. Mỗi con người họ đều là những viên ngọc quý, hãy cùng phát huy để những viên ngọc ấy sáng mãi và sáng “muôn nơi” chứ không phải “tìm mới thấy”.


Từ khóa tìm kiếm Google: Giải SBT Lịch sử 10 kết nối tri thức; Lịch sử 10 kết nối tri thức, giải lịch sử 10 kết nối tri thức sách bài tập bài 13 Đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giải SBT lịch sử 10 kết nối tri thức

Bình luận

Giải bài tập những môn khác