Phân tích tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư
Câu hỏi 3. Phân tích tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư
Tác giả Chu Văn Sơn là một nhà nghiên cứu văn học hiện đại của Việt Nam. Ông được đánh giá là một người thầy, một nhà văn tài hoa, một nhà phê bình văn học sắc sảo. Trong những bài phê bình, ông có nhiều phát hiện tinh tế, sâu sắc, có cách viết bay bổng nghệ sĩ, và một giọng văn riêng, vừa gần gũi vừa thanh lịch. Ông đã xuất bản một số tác phẩm nhưng tiêu biểu nhất phải kể đến đó là tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Trong tác phẩm này Chu Văn Sơn đã phát hiện cái hài hoà của tiếng thơ và tiếng thu tạo nên một bản hoà âm độc đáo trong thơ Lưu Trọng Lư và làm nổi bật cấu trúc ngôn từ thi ca một cách tinh vi và đẹp đẽ nhất.
Tác phẩm Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư được tổ chức và triển khai vô cùng chặt chẽ và hợp lý. Mở đầu, tác giả dẫn dắt vào bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, sau đó so sánh quan niệm về thiên nhiên xôn xao và tĩnh lặng của những bậc thi nhân xưa và những nhà Thơ mới, từ đó làm nổi bật hồn thơ của Lưu Trọng Lư. Tiếp theo, tác giả đưa ra nhận định khái quát về tiếng thu và phân tích các khía cạnh của “tiếng thơ” và “tiếng thu”, từ đó chỉ ra sự hài hoà, gắn kết giữa “tiếng thơ”, “tiếng thu”.
Khi đọc tác phẩm ta có thể thấy rằng tác giả Chu Văn Sơn đi từ “tiếng thơ” đến “tiếng thu”. Tiếng thơ được thể hiện thông qua tính nhạc, cấu trúc của tác phẩm, cách gieo vần và nhịp điệu hài hòa. Còn tiếng thu được bộc lộ thông qua cảm xúc và âm hưởng của mùa thu như tiếng kêu xào xạc của lá mùa thu rơi hay sự thổn thức, rạo rực của nhân vật trữ tình trong tác phẩm “Tiếng thu”. Theo tác giả, “tiếng thu” trong bài thơ của Lưu Trọng Lư là cả một bản hoà âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hoà điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân. Tất cả như đã tạo nên một vẻ đẹp hài hòa không thể cưỡng lại.
Qua đây ta có thể được sự khác biệt rõ rệt của những nhà thơ cổ điển và nhà thơ mới. Trong tác phẩm Chu Văn Sơn đã khẳng định rằng con người cổ điển vốn xem tĩnh là gốc của động, là gốc của sự vận động trong tạo vật. Vì thế khi bước vào thơ thiên nhiên xưa cũng chính là bước vào một thiên nhiên yên bình, tĩnh lặng. Nó như một đặc tính của vẻ đẹp thiên nhiên trong nghệ thuật cổ điển, đó là cái tĩnh đầy an nhiên minh triết của thi nhân xưa. Và khác với những nhà thơ cổ điển thì những nhà thơ mới thiên về hướng miêu tả thiên nhiên ở trạng thái xôn xao. Họ muốn dò la cái sự sống tiềm tàng chất chứa bên trong tạo vật. Có thể thấy rằng mỗi tạo vật đều chất chứa những bí mật ở bên trong mà chỉ có thể cảm nhận bằng thi cảm. Ở thơ mới, tạo vật như đang ở trạng thái thăng hoa, vì vậy mà xôn xao đã thành âm điệu riêng của thơ mới.
Sau khi so sánh được sự khác biệt giữa những nhà thơ cổ điển và nhà thơ mới thì tác giả Chu Văn Sơn tiếp tục đi vào đánh giá những giá trị của bài thơ Tiếng thu. Tác giả đã nhận định rằng tiếng thu là cả một bản hòa âm vừa mơ hồ vừa hiển hiện của bao nỗi xôn xao ngấm ngầm trong lòng tạo vật đang hòa điệu với nỗi xôn xao huyền diệu của hồn thi nhân. Với những đặc sắc từ âm điệu đã khiến cho bài thơ từa tựa như một ca khúc mang giai điệu nhẹ nhàng mà êm ái. Sự thổn thức và rạo rực của lòng người đã cộng hưởng thành nỗi xôn xao mênh mang đang rung lên trong lòng trời đất.
Bằng những luận điểm chặt chẽ và logic của Chu Văn Sơn đã giúp cho tác phẩm của ông có sức thuyết phục cao hơn, cũng từ đó mà chúng ta dễ dàng thấy được sự hài hòa của tiếng tơ và tiếng thu được thể hiện rõ nét hơn. Cùng với giọng văn rành mạch, lưu loát, phù hợp với bài văn nghị luận nhưng vẫn ẩn chứa cảm xúc, truyền cảm hứng và có tác động mạnh mẽ tới người đọc, giúp người đọc không bị nhàm chán.
Qua đây, tác giả Chu Văn Sơn giúp chúng ta hiểu ra rằng ngôn ngữ thơ chính là phương tiện giúp người thi sĩ kết nối với bạn đọc, cùng khám phá cánh cửa nghệ thuật và những tư tưởng cảm xúc được nhà thơ gửi gắm. Chính vì vậy, khi khám phá một bài thơ, hãy cảm nhận lớp bề mặt ngôn từ và dần dần khai thác những khoảng trống ẩn sau được nhà thơ cất giấu sau lớp ngôn từ đó. Đó chính là “ vẻ đẹp của thơ ca”. Cũng như những ngôn từ hoa mĩ trong bài thơ Tiếng thu đã khiến bài thơ trở lên đặc sắc hơn trong lòng những người yêu thơ. Vì vậy, bài thơ như một bản hòa ca êm dịu mang âm hưởng nhẹ nhàng của mùa thu.
Bình luận