Em hãy cùng các bạn xây dựng một tiểu phẩm về chủ đề phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.

Câu 3: Em hãy cùng các bạn xây dựng một tiểu phẩm về chủ đề phê phán những hành vi kì thị, phân biệt chủng tộc và văn hóa.


Tham khảo tiểu phẩm: Bình đẳng giữa các dân tộc trong lao động và việc làm

TIỂU PHẨM: QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỮA CÁC DÂN TỘC 

TRONG LAO ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM

PHẦN 1. DẪN NHẬP

- Người dẫn truyện (trình bày):

Thưa cùng các bạn!

Quyền bình đẳng giữa các dân tộc là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được ghi nhận trong các bản Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp luật, như: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động,…

Tiểu phẩm pháp luật “Bình đẳng dân tộc trong lao động, việc làm” dưới đây sẽ gửi tới Quý vị những thông tin về điều đó.

Tiểu phẩm có sự tham gia của các diễn viên sau:

- Bạn ……….. trong vai anh Giàng A Páo (người dân tộc H’mông).

- Bạn ……… trong vai bác Sơn (chủ nhà trọ)

- Bạn ……….. trong vai anh Hùng (nhân viên Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm)

Sau đây, tiểu phẩm xin được phép bắt đầu!

PHẦN II. NỘI DUNG TIỂU PHẨM

Người dẫn truyện (giới thiệu): Anh Giàng A Páo là người dân tộc H’mông, anh sinh ra và lớn lên ở một bản làng nghèo thuộc huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh tham gia làm việc tại một công ty chuyên về lắp ráp linh kiện điện tử tại địa phương. Đầu năm 2022, trước những biến động phức tạp của tình hình kinh tế thế giới, công ty của anh Páo bị thiếu đơn hàng, nên buộc phải cắt giảm nhân sự. Không may, anh Páo thuộc đối tượng “dôi dư”, phải nghỉ việc. Anh Páp đã xuống Hà Nội để tìm việc làm. Anh thường xuyên đọc báo, đăng kí các vị trí tuyển dụng nhưng chưa đâu vào đâu cả…

Cảnh 1. Tại phòng trọ của anh Páo

Người dẫn truyện (đọc): Cầm tờ báo trên tay, anh Páo chạy ngay ra ngoài sân, thấy bác Sơn đang chăm sóc cây cảnh, anh vui mừng thông báo với bác

Anh Páo: Bác ơi! Bác xem này, cháu vừa thấy có thông tin tuyển công nhân phù hợp với cháu, bác ạ!

Bác Sơn (đặt bình tưới nước xuống đất, lau nhanh tay, rồi đón lấy tờ báo anh Páo đưa, đọc to thành tiếng”:  “Công ty Công nghệ XYZ chuyên gia công lắp ráp linh kiện điện thoại cần tuyển công nhân, yêu cầu: Độ tuổi: 18-35 tuổi. Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp THPT trở lên. Tình trạng sức khỏe: Tốt. Người lao động sẽ được hưởng mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp và chế độ Bảo hiểm xã hội theo Bộ luật Lao động…

(bác Sơn ngẩng lên nhìn khuôn mặt đang tràn đầy hy vọng của anh Páo, rồi ngần ngại đọc tiếp): Nhưng… Páo ơi, bác bảo này, cháu không để ý à, họ ghi… “không tuyển đối tượng lao động người dân tộc thiểu số…”.

Anh Páo (không đợi bác Sơn nói hết câu, anh vội lấy tờ báo đọc lại, nét mặt buồn bã): Sao lại không tuyển lao động người dân tộc thiểu số nhỉ? Cháu có thâm niên 7 năm làm công nhân lắp ráp linh kiện điện tử rồi. Sao họ không cho thử việc đã rồi hãy quyết định nhận hay không nhận? Sao lại có thể…

Người dẫn truyện (đọc): Thấy anh Páo căng thẳng, bác Sơn nhẹ nhàng động viên

Bác Sơn: Còn nhiều việc phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của cháu mà. Mình cứ kiên nhẫn tìm kiếm nhất định sẽ tìm được việc làm như ý cháu ạ!

Người dẫn truyện (đọc): Nói rồi bác Sơn lại tiếp tục với công việc chăm sóc cây của mình, vừa làm, chị vừa thầm nghĩ: “Khổ thân, từ ngày Páo xuống đây ở trọ tại nhà mình, mình thấy nó cũng là người chăm chỉ, thật thà. Từ bản làng nghèo ở vùng biên giới, xuống đất Hà Nội này lập nghiệp, vậy mà,… Mà kể cũng lạ, thời đại nào rồi mà vẫn có công ty phân biệt đối xử giữa người dân tộc đa số với dân tộc thiểu số. Mình phải nghĩ cách gì giúp nó mới được”. Ngẫm nghĩ một hồi, bác chợt nhớ ra mình có người cháu đang làm việc tại trung tâm tư vấn việc làm A, bác Sơn ngừng tay, quay sang nói với anh Páo

Bác Sơn: Páo này, bác có người cháu đang làm việc tại trung tâm tư vấn việc làm A. Trung tâm ấy cách nhà bác không xa đâu, độ 4-3 km thôi. Hay mai cháu sắp xếp thời gian, đến đó, nhờ họ tư vấn xem thế nào

Anh Páo (nét mặt đầy hi vọng): Ôi, thế thì tốt quá, bác cho cháu xin địa chỉ của trung tâm ấy với ạ, với bác cho cháu xin thông tin liên hệ của cháu bác với, để cháu tiện liên lạc với bạn ấy ạ!

Bác Sơn (vỗ vai Páo): được rồi, để bác vào nhà lấy sổ ghi chép, bác tìm số điện thoại của nó cho cháu. Gớm khổ, bác già rồi, trí nhớ không được tốt!

Anh Páo: Dạ, cháu cảm ơn bác nhiều lắm ạ!

Cảnh 2. Tại văn phòng của trung tâm giới thiệu việc làm A

Anh Páo (rụt rè, hỏi một nhân viên): Dạ chào anh, tôi muốn gặp anh Trần Văn Hùng, mong anh có thể chỉ giúp tôi anh ấy ngồi làm việc ở vị trí nào ạ!

Người dẫn truyện (đọc): Người nhân viên ấy hơi ngạc nhiên, nhưng có vẻ nhớ ra điều gì đó, nên anh ấy ngay lập tức tươi vui nét mặt!

Anh Hùng: Chào anh! Tôi là Trần Văn Hùng đây, anh có phải là anh Giàng A Páo không ạ?

Anh Páo: Vâng, chính là tôi đây ạ, sao anh lại…

Anh Hùng (ngắt lời anh Páo, đưa tay mời anh Páo ngồi xuống ghế, rót nước mời): À, hôm qua tôi có nghe chú Sơn nói về trường hợp của anh rồi. Bây giờ, anh muốn tôi tư vấn hay giúp đỡ vấn đề gì ạ?

Anh Páo (vui mừng tình bày): Anh ạ, tôi là công nhân, có thâm niên 7 năm làm trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử. Hôm qua tôi đọc báo, thấy 1 công ty điện tử có tuyển dụng lao động, nhưng họ từ chối tiếp nhận hồ sơ của lao động người dân tộc thiểu số. Tôi… tôi muốn hỏi anh xem: các công ty làm như vậy có đúng luật hay không? Vì thực lòng, ngoài chuyện thất nghiệp phải lo miếng cơm manh áo, khi bị kì thị như thế, tôi cũng cảm thấy tổn thương. Dù là dân tộc đa số hay thiểu số, thì chúng ta đều là người Việt Nam mà!

Anh Hùng (nét mặt cảm thông, động viên): Tôi rất hiểu tâm trạng của anh! Xin trả lời câu hỏi của anh: công ty nào làm như vậy là trái quy định của pháp luật! Tại khoản 8 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định cụ thể về khái niệm phân biệt đối xử trong lao động như sau (vừa nói, anh Hùng vừa mở sách, chỉ cho anh Páo xem): “Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp”. Như vậy, việc công ty nào từ chối hồ sơ của anh vì lý do anh là người dân tộc thiểu số thì hành động đó có thể coi là phân biệt đối xử trong lao động. (Ngừng một chút, ngấp ngụm nước, anh Hùng nói tiếp), hơn nữa: căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Bộ luật lao động năm 2019, phân biệt đối xử trong lao động cũng là một hành vi bị nghiêm cấm.

Anh Páo (hồi hộp hỏi tiếp): Pháp luật đã nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử trong lao động, vậy tại sao các công ty vẫn làm như vậy nhỉ?

Anh Hùng (mỉm cười, đáp): Cũng có vài trường hợp đến đây nhờ chúng tôi tư vấn về vấn đề này rồi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: nhiều doanh nghiệp có tâm lí e ngại người lao động dân tộc thiểu số, vì họ cho rằng: trình độ nhận thức, khả năng tiếp cận với kĩ thuật, công nghệ của người dân tộc thiểu số còn hạn chế; hoặc họ cũng mang tâm lí e ngại một số vấn đề về phong tục, tập quán,… hoặc, xin lỗi, mong anh thông cảm, một số người tuyển dụng lao động còn nói với tôi rằng họ sợ bị bùa, ngải gì đó….

Anh Páo (tỏ thái độ bức xúc): Thật không công bằng, sự khác nhau về thành phần dân tộc không thể nào phản ánh về trình độ hiểu biết, nhận thức của con người. Rất nhiều người dân tộc thiểu số nhưng họ có trình độ hiểu biết cao, có cống hiến lớn cho sự phát triển của đất nước và xã hội. Về văn hóa, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng riêng; văn hóa của dân tộc nào cũng có cái hay, cái đẹp đáng để học hỏi; nhưng cũng có những nét văn hóa lạc hậu so với thời đại mới. Tôi thừa nhận là ở các dân tộc thiểu số như chúng tôi vẫn còn tồn tại một số phong tục không phù hợp, chẳng hạn như: tục tảo hôn, kết hôn cận huyết… Tuy nhiên, người dân tộc Kinh, dù là dân tộc đa số, nhưng cũng tồn tại các vấn đề như: mê tín dị đoan; tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình, gây tốn kém và lãng phí,… Anh thấy tôi nói vậy có đúng không?

Anh Hùng (vui vẻ đáp): Vâng, anh nói đúng. Sự phân biệt, kì thị dân tộc thiểu số chỉ xảy ra ở một số doanh nghiệp thôi, chứ không phải tất cả anh nhé! Vẫn có rất nhiều doanh nghiệp khác vẫn làm đúng quy định của pháp luật. Là do anh chưa có “duyên” gặp họ hoặc trong thời điểm này họ không có nhu cầu tuyển dụng lao động mà thôi…

Anh Páo (Gương mặt trông đã dễ chịu hơn rất nhiều, anh tươi cười nói): Cảm ơn anh đã cho tôi hiểu biết thêm các quy định của pháp luật. Khi biết được những quy định như anh vừa nói thì tôi có đủ tự tin để đi xin việc rồi. Tiện đây, cho tôi hỏi thêm mới đây có Công ty nào trên địa bàn thành phố ta đang tuyển dụng lao động trong lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện tử không ạ?

Anh Hùng (vui vẻ đáp): Có đấy anh ạ! Một số công ty vừa mới gửi Thông báo tuyển dụng về Trung tâm chiều hôm qua. Tôi đã dán ở bảng Thông báo ngoài kia, anh có thể ra tra cứu, tham khảo xem vị trí nào, công ty nào phù hợp với mình thì mình nộp hồ sơ nhé! Trong quá trình tìm việc làm và gửi hồ sơ ứng tuyển, nếu có vướng mắc gì cần tư vấn, anh cứ liên hệ với tôi. Tôi rất sẵn lòng giúp đỡ anh!

Anh Páo (mừng rỡ): Vâng, vâng, tôi cảm ơn anh ạ!

Người dẫn truyện (đọc): Anh Páo ra bảng thông báo của Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm, xem các thông báo tuyển lao động, trong lòng anh ngập tràn niềm tin, anh nghĩ mình sẽ xin được việc trong thời gian sớm nhất.


Trắc nghiệm Công dân 8 chân trời bài 2 Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc

Giải những bài tập khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác