Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 11 kết nối bài 3: Cầu hiền chiếu

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Hãy trình bày về nghệ thuật viết văn nghị luận trong văn bản.

Câu 2: Trước việc Quang Trung đem quân ra Bắc diệt nhà Trịnh, nho sĩ Bắc Hà có thái độ như thế nào (phần 2)? Tại sao tác giả không kể trực tiếp những thái độ ấy mà lại dùng hình ảnh gõ mõ canh cửa, ra biển vào sông, chết đuối trên cạn...? Tìm những từ ngữ trong phần 3 để chứng minh rằng, Quang Trung thành tâm, khiêm nhường nhưng rất kiên quyết trong việc cầu hiền.

Câu 3: Con đường cầu hiền của Quang Trung hết sức rộng mở. Hãy chứng minh điều đó qua phần 4.

 


Câu 1:

- Bài văn nghị luận này có tính mẫu mực, thể hiện ở sự chặt chẽ và tính lôgíc của các luận điểm, trong sự thuyết phục khéo léo, trong cách bày tỏ thái độ khiêm tốn của người viết (cũng là của người có tư tưởng chỉ đạo – vua Quang Trung).

- Các từ ngữ nói về không gian đáng chú ý là: trời, trời đất, sao, gió mây (diễn tả không gian vũ trụ) hàm chứa ý nghĩa trọng đại của người hiền tài theo triết lí tam tài thiên – địa – nhân.

- Một nhóm từ ngữ khác cũng cần nhắc tới là triều đường, triều chính, dải đất văn hiến, trăm họ,... hàm nghĩa không gian xã hội, nơi cần người hiền tài thi thố tài năng, phụng sự cho triều đình và đất nước, nhân dân. Nói chung, các từ ngữ diễn tả không gian nói trên tạo cảm giác trang trọng, thiêng liêng cho lời kêu gọi hiền tài của bài chiếu.

- Cách sử dụng nhiều điển cố trong bài chiếu còn cho thấy ý thức tinh tế của người viết chiếu về đối tượng cần thuyết phục là những trí thức có học vấn uyên bác. Bằng những điển cố rút từ văn học Trung Quốc, người viết tỏ ra là uyên bác, đủ khả năng thuyết phục một đối tượng như thế. Nói cách khác, điển cố tạo ấn tượng tốt về vua Quang Trung, một con người văn võ kiêm toàn. Các điển cố chuyển tải được nội dung một cách hàm súc, cô đọng, tạo ấn tượng trang trọng.

 

Câu 2: 

– Khi Quang Trung ra Bắc diệt Trịnh, sĩ phu Bắc Hà có các cách ứng xử tuy khác nhau nhưng giống nhau ở chỗ không nhiệt tình với triều đại mới, như:

+ Bỏ đi ở ẩn, mai danh ẩn tích bỏ phí tài năng;

+ Những người ra làm quan với Tây Sơn thì, hoặc sợ hãi im lặng làm bù nhìn,

hoặc làm việc cầm chừng ("gõ mõ canh cửa");

+ Một số người đi tự tử uổng phí tài năng như người bị "chết đuối trên cạn".

– Tuy nhiên, tác giả không nói thẳng những điều đó bằng ngôn ngữ trực tiếp, mà dùng hình ảnh hoặc lấy trong kinh điển nho gia, hoặc mang ý nghĩa tượng trưng. Cách diễn đạt như vậy vừa tế nhị, vừa có tính chất phê phán nhẹ nhàng, lại tỏ ra người viết bài chiếu có kiến thức sâu rộng, có tài văn chương, khiến người nghe không những không tự ái mà còn nể trọng và tự cười về thái độ ứng xử chưa thoả đáng của mình.

– Sau khi chỉ ra thực tế về cách ứng xử của sĩ phu Bắc Hà, người viết đặt câu hỏi theo thế lưỡng đao, khiến người nghe không thể không thay đổi cách ứng xử. Bởi vì, hoặc coi Quang Trung "ít đức", không xứng để phò tá; hoặc bây giờ đang thời loạn lạc. Hai điều ấy đều không đúng với hiện thực bấy giờ. Vậy thì chỉ còn một cách là phải ra phục vụ và phục vụ hết lòng cho triều đại mới.

– Đoạn 3 lập luận chặt chẽ có lí có tình. Đầu tiên, tác giả chỉ ra tính chất của thời đại và nhu cầu của đất nước bấy giờ: trời còn tăm tối, buổi đầu của nền đại định và cũng thẳng thắn tự nhận những điều bất cập của triều đại mới do mình đứng đầu: giềng mối triều đình còn nhiều thiếu sót, việc biên ải chưa yên, dân chưa hồi sức sau chiến tranh, đức hoá chưa thấm nhuần,... Trong khi đó, công việc nhiều và nặng nề đòi hỏi phải có sự trợ giúp của nhiều bậc hiền tài. Để nói về điều đó, tác giả dùng hình ảnh "Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn" và nêu ra một sự thực là "mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình".

– Kết thúc đoạn 3, tác giả lại dẫn lời Khổng Tử trong sách Luận ngữ để khẳng định rằng, hiện nay nhân tài không những có, mà còn có nhiều. Vậy tại sao "trên dải đất văn hiến rộng lớn như thế này, há trong đó lại không có lấy một người tài danh nào ra phò giúp cho chính quyền buổi ban đầu của trẫm hay sao?". Câu hỏi đó, buộc sĩ phu Bắc Hà phải thay đổi cách ứng xử.

– Lời lẽ đoạn 3 khiêm nhường, tha thiết, lập luận chặt chẽ khiến người hiền tài không thể không ra giúp triều đại mới.

 

Câu 3: 

Đường lối cầu hiền của vua Quang Trung đúng đắn và rộng mở:

– Trước hết, tất cả mọi tầng lớp nhân dân từ quan viên lớn nhỏ đến dân chúng trăm họ đều được phép dâng sớ tỏ bày việc nước, nghĩa là toàn dân ai ai cũng có quyền tham gia đóng góp vào việc xây dựng đất nước.

– Cách tiến cử cũng rộng mở và dễ làm, gồm ba cách: tự mình dâng sớ tỏ bày việc nước, do các quan tiến cử và bản thân dâng sớ tự cử.

– Cuối cùng, tác giả kêu gọi mọi người có tài đức hãy cùng triều đình chung vai gánh vác việc nước để cùng nhau hưởng phúc lâu dài.

è Tóm lại, các biện pháp cầu hiền của vua Quang Trung cụ thể và dễ thực hiện.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác