Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 11 kết nối bài 3: Cầu hiền chiếu

2. THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Bài chiếu thể hiện thái độ gì?

Câu 2: Đọc phần 1 và cho biết:

  1. a) Tác giả đặt ra vấn đề gì cho người hiền và để làm rõ vấn đề đó, người viết dùng hình ảnh nào?
  2. b) Việc mở đầu bài Chiếu cầu hiền bằng lời Khổng Tử có tác dụng gì đối với các nho sĩ thuở đó?

Câu 3: Hãy trình bày cách lập luận của tác giả thể hiện qua bài chiếu.

Câu 4: Hãy cho biết mối quan hệ giữa hiền tài với thiên tử và ý nghĩa của chúng trong bài chiếu.


Câu 1: 

- Vì lợi ích chung của đất nước đòi hỏi sự góp sức của nhiều hiền tài, vua Quang Trung đã tỏ rõ sự khiêm tốn, thái độ chân thành, thực sự mong muốn có sự cộng tác của bậc hiền tài. Hình tượng "trẫm" trong bài chiếu là một người lo lắng cho việc nước, thực sự cần có hiền tài hỗ trợ, giúp đỡ.

 

Câu 2: 

– Mở đầu, tác giả chỉ ra quy luật xử thế của người hiền:

+ Phải do thiên tử sử dụng;

+ Không làm như vậy là trái đạo trời, trái quy luật cuộc sống.

– Tác giả ví người hiền như sao sáng trên trời và quy luật của tinh tú là chầu về sao Bắc Thần. Tác giả không chỉ dùng hình ảnh so sánh (Thiên tử là sao Bắc Thần; người hiền là sao sáng; quy luật vận động của tinh tú là chầu về Bắc Thần,...) mà hình ảnh đó lại được lấy từ sách Luận ngữ của Khổng Tử – một trong bốn bộ sách kinh điển của nho gia ("Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần, cư kì sở, chúng tinh củng chi"). Dùng lời Khổng Tử để đặt vấn đề, để đưa ra cách ứng xử sẽ có sức thuyết phục mạnh trí thức Bắc Hà.

 

Câu 3: 

Bài chiếu có lập luận chặt chẽ thể hiện ở kết cấu gồm ba phần:

– Thiên tính của người hiền tài là để dùng cho đời.

– Thực trạng người hiền Bắc Hà khi Quang Trung ra Bắc. Từ thực trạng đó, tác giả chỉ ra tính chất của thời đại và vai trò của người hiền tài đối với đất nước, trong buổi đầu mới đại định thiên hạ.

– Con đường để người hiền tài cống hiến cho đất nước rõ ràng, dễ làm và ai cũng làm được.

 

Câu 4: 

– Nội dung đoạn 1 tác giả đặt ra vấn đề mối quan hệ giữa hiền tài với thiên tử. Người hiền như sứ giả của thiên tử phải do thiên tử sử dụng. Không làm như vậy là trái với đạo trời, trái với quy luật cuộc sống. Để làm rõ vấn đề, tác giả dùng phương pháp so sánh, ví người hiền "như sao sáng trên trời", thiên tử là sao Bắc Thần. Quy luật vận động của vũ trụ là tinh tú chầu về Bắc Thần, còn quy luật của con người là "người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử" để thiên tử sai khiến, sử dụng. Hình ảnh so sánh này được tác giả lấy từ lời Khổng Tử trong sách Luận ngữ: "Vi chính dĩ đức, thí như Bắc Thần, cư kì sở, chúng tinh củng chi" nghĩa là, dùng đức để cai trị đất nước cũng giống như sao Bắc Thần đứng đúng vị trí của mình mà các sao khác phải chầu về. Mở đầu bài chiếu bằng lời Khổng Tử có sức thuyết phục mạnh mẽ sĩ phu Bắc Hà, bởi các sĩ phu Bắc Hà vốn am hiểu kinh điển nho gia nên nghe đến là hiểu ngay. Hơn nữa, trong lòng họ, Khổng Tử là một vị thánh. Lời Khổng Tử là chân lí, ai cũng tin và tuân theo.

– Nếu mối quan hệ giữa hiền tài và thiên tử, tác giả đặt ra vấn đề vận mệnh đất nước và trách nhiệm của bậc hiền tài.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác