Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 11 kết nối bài 2: Tràng Giang (Huy Cận)

3. VẬN DỤNG (4 câu)

Câu 1: Hãy nhận xét về phong cách của bài thơ.

Câu 2: Vì sao nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc?

Câu 3: Tình yêu thiên nhiên ở đây có thấm đượm lòng yêu nước thầm kín không? Vì sao?

Câu 4: Cách cảm nhận không gian và thời gian trong bài thơ này có gì đáng chú ý?


Câu 1:

- Đi suốt bài thơ là một nỗi buồn triền miên vô tận. Nỗi buồn ở bài thơ này cũng như phần nhiều nỗi buồn của các nhà thơ mới, trước hết chính là nỗi buồn của cả thế hệ Huy Cận, cả dân tộc Việt Nam trong những năm ngột ngạt, dưới thời thuộc Pháp. Vả chăng, có lẽ nỗi buồn nói trên còn xuất phát từ chính quan niệm mĩ học của các nhà thơ lãng mạn đương thời. Theo họ, cái đẹp thường đi sóng đôi với cái buồn. Cái buồn của Huy Cận ở bài thơ này, trước sau vẫn là cái buồn trong sáng, góp phần làm phong phú thêm tâm hồn của bạn đọc.

- Bài thơ có ý vị cổ điển, tạo được những vang hưởng kì lạ do tác giả đã chọn được thể thơ thích hợp, vận dụng tự nhiên lối đối, sử dụng có hiệu quả với tần số cao hệ thống từ láy (10 lần trong 16 dòng thơ) và cách ngắt nhịp truyền thống. Chất cổ điển của bài thơ đặc biệt rõ ở câu kết. Thôi Hiệu nhìn khói sóng nhớ đến quê hương – Lầu Hoàng Hạc, Huy Cận không cần có khói sóng – tức là không cần có cái gợi nhớ – mà lòng vẫn dợn dợn nhớ nhà. Rõ ràng, nỗi nhớ của Huy Cận da diết hơn, thường trực hơn và cháy bỏng hơn. Vì thế, nó hiện đại hơn.

- Cổ kính, trang nghiêm, đậm chất Đường thi, nhưng Tràng giang vẫn là một bài thơ rất Việt Nam. Dòng sông sóng lượn, con thuyền xuôi mái chèo, cành củi khô bồng bềnh, cánh bèo lênh đênh, chợ chiều của làng quê, cánh chim trong buổi chiều tà, thật gần gũi với người Việt Nam chúng ta. Đọc bài thơ này, có người nhớ đến cái làng ở vùng sơn cước heo hút bên bờ sông Thâm, tỉnh Hà Tĩnh – nơi chôn nhau cắt rốn của Huy Cận.

Và xét ở một phương diện nào đấy, Tràng giang đúng là một bài thơ “ca hát non sông đất nước; do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc” (Xuân Diệu).

 

Câu 2: 

- Bài thơ tạo dựng một bức tranh thiên nhiên cổ kính, hoang sơ với tầm vóc mênh mang, vô biên, đậm chất Đường thi. Đó là một hệ thống hình ảnh ước lệ thường được dùng trong thơ cổ: tràng giang; thuyền về, nước lại; nắng xuống, trời lên; sông dài, trời rộng; mây cao đùn núi bạc; bóng chiều; vời con nước; khói hoàng hôn,...

- Tuy nhiên, bức tranh thiên nhiên ấy lại có nét quen thuộc, gần gũi, phảng phất cảnh vật sông nước trên khắp đất nước Việt Nam: một dòng sông mênh mang, một con thuyền xuôi dòng; một cành củi khô và những cánh bèo trôi dạt lênh đênh; những bờ cây xanh; những bãi cát vàng; một cánh chim nhỏ in trên trời mây,...

è Sự hoà quyện của hai hệ thống hình ảnh đó tạo nên cho bài thơ một vẻ đẹp độc đáo: đơn sơ mà tinh tế, cổ điển mà thân quen.

 

Câu 3: 

- Tình yêu thiên nhiên thấm đượm lòng yêu nước thầm kín: Đây là thời các nghệ sĩ bày tỏ lòng yêu nước một cách xa xôi, bóng gió (Gánh nước đêm của Trần Tuấn Khải, Thề non nước của Tản Đà, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân,...). Huy Cận từng viết về nỗi buồn sông núi – nỗi buồn của người dân thuộc địa trước giang sơn bị mất chủ quyền. Ở bài thơ này, nỗi buồn sầu ấy đã hoà vào nỗi bơ vơ trước tạo vật thiên nhiên hoang vắng và niềm thiết tha với thiên nhiên tạo vật ở đây cũng là niềm thiết tha với quê hương đất nước.

 

Câu 4: 

- Tràng giang khắc hoạ một không gian rộng lớn. Đó là không gian của dòng sông sóng nước mênh mang như đang chảy về vô tận, rồi từ chiều dọc không gian mở ra theo chiều ngang, lan toả đôi bờ. Chiều thứ ba của không gian vũ trụ mở ra với bầu trời sâu chót vót. Cả ba chiều của không gian đều không có giới hạn, tất cả thấm sâu nỗi sầu nhân thế, nỗi buồn cô đơn của nhà thơ.

- Tràng giang của đất trời, tràng giang của tâm tưởng nhà thơ không những trôi xuôi theo dòng nước mà còn trôi theo dòng thời gian từ hiện tại về quá khứ xa xôi. Rồi từ dòng sông thời tiền sử, nhà thơ lại trở về hiện tại để tìm điểm tựa tinh thần ở quê hương đất nước.

- Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật ở Tràng giang đã góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng, tình cảm của tác giả.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác