Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 11 kết nối bài 1: Vợ nhặt ( Kim Lân)

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Hãy cho biết giá trị nhân bản của văn bản.

Câu 2: Đoạn văn nào, chi tiết nào của tác phẩm gây xúc động và để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho anh (chị)? Vì sao?

Câu 3: Đặc điểm của người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật được thể hiện như thế nào trong văn bản?

 


Câu 1:

– Miêu tả cảnh nhặt vợ diễn ra âm thầm, buồn tủi, thiên truyện ngắn này đã làm nổi bật số phận bi thảm của người nông dân trước Cách mạng. Lấy vợ, lấy chồng là một sự kiện vui mừng lớn lao trong đời mỗi con người, nhưng trong trường hợp của Tràng, niềm vui đó diễn ra dưới sự rập rình đe doạ của cái nghèo, cái đói.

– Song, giá trị nhân bản của Vợ nhặt không chỉ nằm ở lời kết tội đanh thép giặc Pháp và Nhật. Qua ngòi bút của Kim Lân, những con người đói khát đến mức gần kề cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, khao khát tổ ấm gia đình, vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau và vẫn không bao giờ cạn kiệt niềm tin vào tương lai, hi vọng. Người đàn bà đói rách sở dĩ tự nguyện theo không Tràng, một phần vì tìm thấy ở anh một cử chỉ hào hiệp: sẵn lòng cho một người xa lạ một miếng ăn giữa lúc người chết đói như ngả rạ. Và chính Tràng cũng không ngờ người đàn bà lại theo mình một cách dễ dàng như vậy. “Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chọn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng rồi sau một cái “tặc lưỡi”, Tràng đã đánh đổi tất cả để có được một người vợ, có được hạnh phúc. Cái quyết định có vẻ liều lĩnh ấy nói lên rằng, từ trong sâu thẳm của tiềm thức, con người vẫn khao khát hạnh phúc, bất chấp sự đe doạ của cái đói, cái chết. Niềm khao khát đầy tính nhân bản ấy là trường tồn, là bất diệt, và chính nhờ nó mà con người mãi mãi tồn tại trên cõi đời này.

 

Câu 2: 

Hãy trả lời theo suy nghĩ của em.

Tham khảo:

Tác phẩm có nhiều chi tiết rất thật, hiện lên dưới nhiều góc độ phong phú, nhiều sắc độ tình cảm. Trong đó, đặc biệt nổi bật là chi tiết về người đàn bà ăn bốn bát bánh đúc.

Thị ở đâu sầm sập chạy đến... đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói: “Điêu! Người thế mà điêu!”. Thái độ sưng sỉa của thị như muốn quát vào mặt Tràng: Tôi đói quá nhưng không xin ăn. Anh bảo tôi cùng đẩy xe bò để có ăn, vậy mà chẳng có, người thế mà điêu. Tôi mắng anh là điêu nhưng tôi vẫn đứng trước mặt anh đây, hy vọng, trông cậy và... “cong cớn”! “Đấy, muốn ăn thì ăn... Rích bố cu, hở!" Chỉ chờ có vậy, “Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả: Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn, sợ gì”. Đói đến mắt trũng hoáy, nhưng vẫn cứ là người, mà lại là người lương thiện: Ăn thật nhá! Anh không nói đùa đấy chứ, em ăn thật đây, không có gì phiền cho anh chứ? “Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền, chẳng chuyện trò gì. Ăn xong, thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở!” Cắm đầu ăn vì đói quá, còn một chữ thở mà nói lên bao điều: vừa mệt lại vừa sung sướng... Ai đã bao giờ đói lả mà được cho ăn chưa mới hiểu chữ thở hay đến mức nào, còn nếu chưa, chắc hẳn cũng cảm nhận được cái gì sẽ xảy ra khi người ta đói lả mà được cho ăn; chữ thở hay hơn chữ sáng mắt ở câu trên, tuy hai chữ sáng mắt cũng có giá. “Hà ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố." Sự thăm dò tự nhiên và khéo léo, cũng như nghĩ về một người đàn bà khác, nếu có sẽ bị thua thiệt vì mình... Những chi tiết đắt giá như vậy đầy ắp từ đầu tới cuối truyện.

 

Câu 3: 

- Người kể chuyện giấu mình trong Vợ nhặt bắt đầu kể chuyện Tràng dẫn vợ về từ bối cảnh chết chóc của làng quê, từ cặp mắt ngạc nhiên của những người dân trong xóm. Cảnh gặp người đàn bà được kể bởi điểm nhìn của Tràng, cảnh về nhà giới thiệu vợ với mẹ cũng được kể theo con mắt Tràng, tiếp đó chuyển sang kể theo con mắt quan sát và suy nghĩ của bà mẹ. Cảnh sáng hôm sau ngủ dậy được kể qua cảm giác tràn đầy hạnh phúc của Tràng, sự quan sát của anh về những biến đổi của người vợ. Đoạn kết cũng được kể qua ý thức của Tràng. Điểm nhìn trần thuật ấy đã di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, nhưng luôn dành cho Tràng một vị trí trung tâm, hé mở cho thấy từ khát vọng hạnh phúc lứa đôi, Tràng đã mơ hồ cảm thấy phải tham gia vào hành động chung của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Việt Minh để tự giải phóng.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác