Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng cao Ngữ văn 11 kết nối bài 1: Vợ nhặt ( Kim Lân)

4. VẬN DỤNG CAO (2 câu)

Câu 1: Hãy trình bày nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của tác giả Kim Lân.

Câu 2: Hãy trình bày về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả Kim Lân.


Câu 1: 

– Tình huống độc đáo của truyện được bộc lộ ngay trong nhan đề: Vợ nhặt. Một thứ vợ do nhặt được, nhặt một cách ngẫu nhiên (chứ không phải vợ cưới). Đây là một tình huống vừa kì quặc, vừa oái oăm, vừa vui mừng, vừa bi thảm. Trong lúc mọi người đang đói quay quắt, lo nuôi thân còn chẳng xong mà Tràng lại còn dám “đèo bòng”. Một anh nông dân xấu trai, nghèo xác nghèo xơ, lại là dân ngụ cư (bị khinh bỉ), bỗng nhiên có vợ theo về. Không quen biết, cũng chẳng cần đến ăn hỏi, cheo cưới, chỉ cần có mấy lời tầm phào và vài bát bánh đúc mà có vợ. Cái giá của một con người thật là rẻ rúng.

– Tình huống nói trên của truyện đã làm nổi bật một sự thật thê thảm của người nông dân trước Cách mạng. Đó là nạn đói khủng khiếp năm 1945. Cái sự thực bi thảm đó hắt bóng đen lên từng trang viết, ám ảnh từ đầu đến cuối tác phẩm. Nhà văn Kim Lân, bằng tài năng của mình, đã miêu tả nạn đói có một không hai trong lịch sử dân tộc bằng những chi tiết cụ thể, chân thật, giàu ý nghĩa nghệ thuật.

– Cái đói đã tràn vào xóm chợ của những người ngụ cư tự lúc nào, làm đảo lộn cảnh sinh hoạt của xóm nhỏ tồi tàn ấy. Kim Lân đã dựng nên một bức tranh ảm đạm bao trùm lên xóm ngụ cư. Không còn tiếng trẻ con trêu đùa làm cho cái xóm chợ xôn xao lên vào lúc chạng vạng mặt người mỗi buổi chiều khi Tràng đi làm về. Thay vào đó là hình ảnh lũ trẻ con “ngồi ủ rũ dưới những xó tường không buồn nhúc nhích”. Và trên con đường “khẳng khiu” luồn qua xóm chợ vào trong bến, Tràng cũng không còn vừa đi vừa tủm tỉm cười nữa mà đi “từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tàng vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc nhẫn chúi về đằng trước”. Bao quát hơn, nhà văn đã miêu tả những kẻ đói khát, những người hành khất từ những vùng Nam Định, Thái Bình “đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”. Một không khí chết chóc thê thảm bao trùm lên xóm chợ: “Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẫn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Kim Lân cứ từ tốn, lặng lẽ miêu tả, vậy mà những dòng chữ của ông có sức tố cáo mãnh liệt. Tội ác tày trời ấy chính là do giặc Pháp, giặc Nhật, một mặt thi nhau vơ vét thóc gạo, mặt khác lại bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh.

– Nạn đói khủng khiếp năm 1945, qua ngòi bút Kim Lân, còn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và số phận của mỗi con người. Cái đói đã đẩy những người dân lao động bình thường, cực chẳng đã, phải từ bỏ lòng tự trọng và danh dự vốn có của mình. Người đàn bà là vợ theo của Tràng hiện lên như một con ma đói: “áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Chua xót hơn nữa, chuyện tỏ tình giờ đây chỉ còn trơ trọi là một câu chuyện sà vào miếng ăn:

“– Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

– Đấy, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi.

– Rích bố cu, hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

– Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

– Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

– Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”.

– Chỉ có bốn bát bánh đúc mà theo không một anh chàng xấu trai, gặp tầm phơ tầm phào ở giữa đường. Chỉ có hai hào dầu thắp tối chuẩn bị cho đêm tân hôn mà đã được gọi là “sang”, là “hoang” phí lắm lắm. Ngay cả đến bữa cơm đầu tiên sau ngày có nàng dâu cũng thật thê thảm: “Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo”. “Niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẫn”. Cực chẳng đã, bà mẹ chồng đành phải thết nàng dâu cái món cháo cám mà bà gọi là “chè khoán”. “Bữa cơm từ đấy không ai nói câu gì, họ cắm đầu ăn cho xong lần, họ tránh nhìn mặt nhau. Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”.

– Người đàn bà đói khát bỗng dưng có nơi nương tựa, và Tràng bỗng nhiên mà có vợ – trong cảnh ngộ cụ thể của họ – là một niềm vui, niềm hạnh phúc. Thế nhưng, cái đói và cái chết vẫn bám riết, đe doạ niềm vui và niềm hạnh phúc quá đỗi mong manh của vợ chồng Tràng. Không khí thê lương, ảm đạm, chết chóc như vẫn bao phủ căn nhà tuềnh toàng của họ: “Mùi đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt”. “Giữa sự im lặng của đôi vợ chồng mới, có tiếng ai hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ”. Và “trong đêm khuya tiếng hờ khóc tỉ tê nghe càng rõ”.

– Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện tài tình của tác giả đã tạo nên giá trị nhân bản cho truyện ngắn.

 

Câu 2: 

– Đặt nhân vật vào một tình huống vừa kì quặc vừa oái oăm, vừa mừng vui vừa bị thảm, Kim Lân đã theo dõi sự diễn biến tâm lí của nhân vật. Chính những trang phân tích và diễn tả tâm lí sắc sảo, hóm hỉnh và tinh tế đã đem đến cho thiên truyện một sức hấp dẫn thực sự.

– Người đàn bà “chao chát chỏng lỏn” là thế, khi lâm vào cái cảnh phải theo không Tràng, trong lòng vừa tủi phận, vừa e thẹn, ngượng ngập. Trước cái vẻ “phón phở”, “tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh” của Tràng, cái vẻ e thẹn, ngượng ngập của thị càng nổi bật hơn: “Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn”. Cái dáng vẻ ấy của thị không giấu nổi những cặp mắt tò mò của xóm ngụ cư. Người ta thấy thị “thèn thẹn hay đáo để”. Khi nhận thấy những người xung quanh đang nhìn dồn cả về phía mình, “thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia”. Cả đến khi gặp bà cụ Tứ, thị vẫn còn e thẹn và khép nép. Kim Lân, qua những chi tiết miêu tả này, đã chứng tỏ sự thấu hiểu tình cảnh tội nghiệp của người vợ nhặt. Hoàn cảnh tàn nhẫn xô đẩy chị có lúc thành ra kẻ cong cớn, trơ trẽn, trâng tráo, nhưng bản chất chị không phải là một người như vậy. Chị chưa mất đi cái e thẹn, ngượng ngập, tủi hổ khi bị rơi vào cảnh ngộ trớ trêu.

– Người đàn bà theo không Tràng trước hết là để có một nơi nương tựa để khỏi chết đói. Chính vì thế nên khi đã nhìn thấy cái nhà “vắng teo đúng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”, khi đã đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực “gầy lép” của thị “nhô hẳn lên, nén một tiếng thở dài”. Té ra, cái gia cảnh của anh chàng vừa mới ban chiều còn khoe là “rích bố cu” là thế này đây! Đáp lại lời thanh minh của Tràng, thị “nhếch mép cười nhạt nhẽo”. Đã chấp nhận theo không một người xa lạ, xấu trai, ế vợ mà vẫn không sao tránh khỏi cái đói. Nhưng ngòi bút nhân hậu của Kim Lân không nỡ khoét sâu vào cảnh trớ trêu ấy. Không tìm được sự no ấm nhưng người đàn bà đã tìm thấy sự đầm ấm của một gia đình. Và ngòi bút của Kim Lân đã miêu tả thật tinh tế và cảm động những bước chân ngượng ngập, e thẹn trên đường về nhà chồng, cái dáng điệu khép nép trước bà mẹ chồng của người vợ nhặt. Rồi tiếng chào u lúng túng, và cả những lời đối đáp, cái “phát đánh đét" vào lưng, cái củng vào trán Tràng kèm theo một tiếng “do” đã đem đến cho người đàn bà tội nghiệp cái hạnh phúc của một nàng dâu đích thực. Cái hạnh phúc ấy đã đem đến một sự đổi thay thật sự trong tính cách của người đàn bà, đến nỗi làm cho Tràng phải ngạc nhiên: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”.

– Giá trị nhân bản của Vợ nhặt sẽ giảm đi rất nhiều nếu thiên truyện thiếu vắng nhân vật bà cụ Tứ. Đặt nhân vật vào hoàn cảnh hoàn toàn bất ngờ trước tình huống đứa con trai vào giữa những ngày đói khủng khiếp, bỗng dưng nhặt được vợ về, nhà văn đã theo dõi, phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật, qua đó, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.

–  Thấy Tràng “reo lên như một đứa trẻ”, vồn vã khác thường khi thấy mẹ “lọng khọng” đi vào ngõ, tâm trạng bà cụ Tứ cũng trở nên “phấp phỏng”. Có cái gì đó bất thường đang chờ đợi bà. “Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn”. Kim Lân đã khéo chọn ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả tâm trạng đầy ngạc nhiên của bà cụ: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đúng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa nhưng vẫn không nhận ra người nào. Sự ngạc nhiên ấy còn được bộc lộ qua bước chân “lập cập” của bà lão. Bà cụ Tứ càng ngạc nhiên hơn khi nghe thấy tiếng người đàn bà xa lạ chào mình bằng u. Và cho tới khi nghe Tràng phân trần, cắt nghĩa, bà cụ mới hiểu. “Bà lão cúi đầu nín lặng”. Một sự im lặng chất chứa biết bao suy nghĩ. “Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”.

– Ở đây, cần phải thấy cái tinh tế của ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của Kim Lân. Nếu như khi nhận rõ gia cảnh nhà Tràng, người đàn bà còn đủ sức “nén một tiếng thở dài”, thì bà cụ Tứ, khi đã thấu hiểu cơ sự của con đã không sao giấu nổi sự ngao ngán của mình. “Bà lão khẽ thở dài ngưng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà”. Và từ chỗ xót xa cho đứa con trai, bà lão chuyển sang thương xót người đàn bà. Người mẹ nghèo, nhân hậu, giàu lòng vị tha, rất mực nhạy cảm ấy đã thấu hiểu ngay cái cảnh ngộ của người phụ nữ xa lạ bỗng trở thành con dâu của mình. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật, lại một lần nữa, diễn tả chân thật và cảm động những suy nghĩ âm thầm của người mẹ: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?”.

– Diễn biến của truyện Vợ nhặt đến đây đã lên tới đỉnh điểm. Tất cả các nhân vật đều sống trong một tâm trạng căng thẳng. Người ta chờ đợi tiếng nói phán quyết của người mẹ.

– Sau khi khẽ dặng hắng một tiếng, bà lão ôn tồn, “nhẹ nhàng” nói với nàng dâu:

“Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng.” Nghe lời nói ấy, “Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi”. Lời nói ấy cũng trả lại danh dự nàng dâu cho người đàn bà là vợ nhặt.

– Người ta bảo người già cả nghĩ. Bà cụ Tứ vẫn không hết lo lắng, từ tốn dặn dò nàng dâu mới: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau...”.

– Tâm trạng bà cụ Tứ lẫn lộn buồn vui, lo lắng. Niềm vui của người mẹ nghèo khổ trong cảnh ngộ này thật tội nghiệp. Nó trở nên héo hắt vì không sao thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của sự buồn tủi, xót thương. “Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”. Song nổi bật hơn cả vẫn là tấm lòng thương xót của bà cụ Tứ. “Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót”. Và cũng như biết bao bà mẹ nhân từ khác, bà cụ Tứ những mong con dâu mình hoà thuận: “Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Bà cụ Tứ nghẹn lời không nói được nữa, “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.

– Vậy là, đặt nhân vật vào tình huống độc đáo, Kim Lân đã miêu tả thành công nhân vật với những tâm trạng khác nhau, mỗi người một vẻ. Tràng thì có vẻ phản phơ tự đắc, người đàn bà thì có vẻ ngượng ngập và tủi hổ, còn bà cụ Tứ thì vừa ai oán xót thương vừa lo lắng cho cảnh ngộ của dâu con.

– Theo lời của Kim Lân, viết Vợ nhặt, ông không muốn dìm người đọc trong cái buồn, cái khổ, cái đói. “Khi viết về cái đói thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Tôi định viết một số truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người”.

– Ý đồ nghệ thuật ấy đã khiến ngòi bút Kim Lân miêu tả diễn biến tâm trạng của các nhân vật chuyển biến theo một chiều hướng tích cực. Tâm trạng của bà cụ Tứ cũng diễn biến theo chiều hướng chung ấy. Sự xuất hiện của nàng dâu mới đã đem đến cho cái gia đình nghèo khổ này một không khí “đầm ấm, hoà hợp” chưa bao giờ có. Trong không khí ấy, bà cụ Tứ thấy “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Cùng với nàng dâu, bà cụ xăm xắn thu dọn, quét tước nhà cửa. Một ý thức về bổn phận và trách nhiệm sâu sắc hơn nảy sinh ở tất cả các thành viên của gia đình: “Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp của nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”. Người mẹ từng trải và nhân hậu ấy đã bằng mọi cách nhen nhóm một niềm vui, niềm hi vọng cho dâu con của mình. “Bà cụ nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau”. Chính niềm vui, niềm tin vào cuộc sống ngày mai ấy đã hướng con người vào những hành động thiết thực để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác