Câu hỏi tự luận mức độ nhận biết Ngữ văn 11 kết nối bài 1: Vợ nhặt ( Kim Lân)

1. NHẬN BIẾT (5 câu)

Câu 1: Hãy trình bày những hiểu biết của em về văn bản “Vợ nhặt” (tác giả, thể loại, nội dung,…)

Câu 2: Trình bày những thông tin cơ bản về tác giả Kim Lân.

Câu 3: Dựa vào mạch truyện, có thể chia tác phẩm thành mấy đoạn? Nêu ý chính của mỗi đoạn và cho biết mạch truyện đã được dẫn dắt như thế nào.

Câu 4: Vì sao người dân xóm ngụ cư lại ngạc nhiên khi thấy anh Tràng đi cùng với một người đàn bà lạ về nhà? Sự ngạc nhiên của dân làng, của bà cụ Tứ, và của chính Tràng nữa cho thấy tác giả đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo như thế nào? Tình huống truyện đó có tác dụng gì đối với nội dung, ý nghĩa của tác phẩm?

Câu 5: Dựa vào nội dung truyện, giải thích nhan đề Vợ nhặt. Qua hiện tượng “nhặt được vợ” của Tràng, anh (chị) hiểu gì về tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945?


Câu 1: 

- Tác giả: Kim Lân

- Thể loại: Truyện ngắn hiện đại

- Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập Con chó xấu xí (1962). Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết Xóm ngụ cư – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hoà bình lập lại (1954), ông dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này.

- Nội dung: Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Nội dung nhân đạo sâu sắc và cảm động đó được thể hiện qua một tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí khá tinh tế, dựng đối thoại sinh động.

 

Câu 2: 

- Kim Lân (1920 – 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hoá cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim).

- Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962).

- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê – những thú chơi và sinh hoạt văn hoá cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, được gọi là những “thú đồng quê”, “phong lưu đồng ruộng” như: chơi núi non bộ, thả chim, đánh vật, chọi gà,... Ông viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ – những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời; thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa. Năm 2001 Kim Lân được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

 

Câu 3:

- Tác phẩm có thể chia làm năm phần:

+ Phần 1: Từ đầu "Cái đói đã tràn đến xóm này [...]" đến câu "Hà! Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ [...] ấy thế mà thành vợ thành chồng...". Phần này nói về việc Tràng dẫn thị về nhà trong khung cảnh ngày đói.

+ Phần 2: Tiếp theo đến "đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về...". Phần này nói về câu chuyện nhặt vợ của Tràng.

+ Phần 3: Tiếp theo đến hết Lược một đoạn. Phần này nói về cuộc gặp gỡ giữa cụ Tứ và nàng dâu mới.

+ Phần 4: Tiếp theo đến "Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người". Phần này nói về sự thay đổi của nhà Tràng trong buổi sáng hôm sau và bữa cơm ngày đói.

+ Phần 5: Tiếp theo đến hết. Phần này nói về chuyện thuế má ngay trong cảnh đói khát và suy nghĩ của Tràng về hình ảnh đoàn người đi phá kho thóc.

- Mạch truyện: Truyện không đi theo trình tự thời gian thông thường mà có chút thay đổi về trật tự. Các cảnh được miêu tả trong truyện đều được xuất phát từ tình huống anh Tràng lấy được vợ giữa những ngày đói khủng khiếp nhưng tác phẩm lại mở đầu bằng cảnh: Tràng đưa người “vợ nhặt” về nhà gặp mẹ. Việc tác giả đưa phần 2 lên trước làm tăng sức hấp dẫn của truyện và thể hiện ý đồ nhấn mạnh vào câu chuyện “vợ nhặt” của tác giả. Việc Tràng có vợ giữa những ngày đói cùng cực khiến cho mọi người cảm thấy khó hiểu và bản thân anh cũng không ngờ đến. Đó là một câu chuyện đặc biệt, không ai nghĩ tới.

 

Câu 4: 

– Người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy Tràng đi cùng với một người đàn bà lạ về nhà (có vợ theo không) vì:

+ Người như Tràng mà lấy được vợ (một anh nhà nghèo xấu trai, lại là dân ngụ cư).

+ Thời buổi đói khát này, người như Tràng, đến nuôi thân còn chẳng xong mà còn dám lấy vợ.

Nhưng khốn nỗi, nếu không gặp tình cảnh này thì ai mà thèm lấy Tràng. Đau xót ở chỗ, đây là “vợ nhặt”, có cần ăn hỏi, cheo cưới gì đâu. Đói khát như thế, mọi việc đều có thể bỏ qua, cho nên Tràng mới lấy được vợ.

Trong tình cảnh như vậy, việc Tràng lấy được vợ, thậm chí có vợ theo, là một chuyện lạ, nên ai cũng ngạc nhiên. Cả người lớn lẫn trẻ con xóm ngụ cư ngạc nhiên. Bà cụ Tứ (mẹ Tràng) ngạc nhiên. Và ngay cả Tràng cũng ngạc nhiên: “Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?”.

– Kim Lân đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo. Tình huống này được gợi ra ngay từ nhan đề của tác phẩm: Vợ nhặt. Như trên đã nói, trong tình cảnh đói khát khủng khiếp, người ta chết đói đầy đường, bản thân Tràng cũng đang trong cảnh đến nuôi thân còn chẳng xong, bỗng nhiên lại có vợ theo không về.

Tình huống vừa lạ, vừa hết sức éo le nói trên là đầu mối cho sự phát triển của truyện, tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật. Qua tình huống độc đáo này, chủ đề của tác phẩm được bộc lộ.

 

Câu 5: 

– Nhan đề Vợ nhặt đã tạo được ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc. Đây không phải là cảnh lấy vợ đàng hoàng, có ăn hỏi, có cưới xin theo phong tục truyền thống của người Việt, mà là “nhặt được vợ”.

– Chỉ riêng hai chữ “vợ nhặt” cũng đã nói lên khá nhiều về cảnh ngộ, số phận của Tràng và cả của người đàn bà xa lạ nữa. Đúng là anh Tràng đã nhặt được vợ. Cái giá của con người chưa bao giờ lại rẻ rúng đến như vậy. Chuyện Tràng nhặt được vợ đã nói lên tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác