Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Công dân 8 CD bài 2: Tôn trọng sự đa dạng của dân tộc
3. VẬN DỤNG (4 câu)
Câu 1. Trường em tổ chức tham quan dã ngoại ở làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Ba Vì – Hà Nội) đúng dịp tại đây diễn ra giao lưu văn hóa các dân tộc. Em rất muốn tham gia chuyến tham quan dã ngoại dịp này nhưng bố mẹ không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc ôn thi lớp 9.
Em hãy sử dụng kiến thức trong bài: “Tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam” và bài “Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc” để thuyết phục bố mẹ.
Câu 2. Thời mở cửa, nhiều người Việt Nam thích dùng hàng ngoại, ăn diện theo “mốt” Tây, dùng tiếng Việt pha tiếng nước ngoài, đổ xô đi học ngoại ngữ, đưa nhau tổ chức sinh nhật tại nhà hàng sang trọng...
Theo em, những biểu hiện trên có gì đúng? Có gì sai?
Câu 3. Từ những thông tin trong SGK, em có thể rút ra được những gì để hành động theo cái hay, cái tốt, cái đẹp, cái tinh hoa của các dân tộc khác trên hành tinh chúng ta?
Câu 4. Em hãy giải thích vì sao khi tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới, chúng ta cần tiếp thu có chọn lọc. Hãy lấy ít nhất một dẫn chứng để làm sáng tỏ điều đó.
Câu 1.
- HS Trả lời được các khái niệm:
+ Truyền thống dân tộc là những giá trị tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
+ Tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc khác là tôn trọng chủ quyền, lợi ích và nền văn hóa của các dân tộc; Luôn tìm hiểu và tiếp thu những điều tốt đẹp trong nền văn hóa, kinh tế, xã hội của các dân tộc. Đồng thời thể hiện lòng tự hào dân tộc chính đáng của mình.
- Học sinh nêu được ý nghĩa của các bài học để làm cơ sở giải thích cho bố mẹ hiểu việc đi dã ngoại giao lưu là cần thiết:
+ Việc tham gia dã ngoại giao lưu là cần thiết vì đây là cơ hội để chúng ta tìm hiểu, khám phá những nét đẹp trong văn hóa của các dân tộc.
+ Truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vô cùng quý giá, góp phần tích cực vào quá trình phát triển của dân tộc và mỗi cá nhân. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam.
+ Tôn trọng học hỏi các dân tộc khác sẽ tạo được điều kiện để chúng ta tiến nhanh trên con đường xây dựng đất nước giầu mạnh và phát triển bản sắc dân tộc.
- Học sinh nêu lên trách nhiệm của học sinh với việc học hỏi, tôn trọng các dân tộc khác, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình để thuyết phục bố mẹ:
+ Là công dân Việt Nam, chúng ta có trách nhiệm phải thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị với bạn bè và với các dân tộc khác bằng thái độ, cử chỉ, việc làm và sự tôn trọng, thân thiện với họ trong cuộc sống hằng ngày.
+ Chúng ta cần tự hào, giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Lên án và ngăn chặn những hành vi làm tổn hại đến truyền thống Việt Nam.
+ Chúng ta phải tích cực học tập, tìm hiểu đời sống và các nền văn hóa của các dân tộc khác, tiếp thu một cách có chọn lọc, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh truyền thống của con người Việt Nam.
Câu 2.
- Biểu hiện trên đúng ở chỗ:
+ Thể hiện con người Việt Nam đã biết bắt kịp xu hướng và không lạc hậu với thời thế hiện đại.
+ Thể hiện tinh thần ham học hỏi của người Người Việt Nam. Học ngoại ngữ là cách để giúp chúng ta nâng cao kiến thức và dễ dàng giao lưu với người nước ngoài.
- Biểu hiện trên sai ở chỗ: Khi đã biết hiện đại thì con người không còn giữ được những truyền thống và nét văn hóa mà ông cha ta để lại.
Câu 3.
- Học thật tốt tiếng Anh để làm phương tiện để học hỏi những dân tộc khác.
- Tìm hiểu những phong tục tập quán của dân tộc khác phục vụ quá trình học hỏi.
- Tiếp thu một cách có chọn lọc nét đẹp của các nước khác.
- Học tập và phát triển nền khoa học kỹ thuật của các nước tiến bộ.
Câu 4.
- Chúng ta cần phải tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới có chọn lọc bởi vì không phải tất cả văn hóa trên thế giới đều phù hợp với thuần phong mỹ tục của nhân dân ta. Chúng ta nên tiếp thu những cái hay, cái tốt để làm giàu đẹp hơn, phong phú hơn cho văn hóa dân tộc những vẫn giữ gìn được bản sắc riêng.
- Dẫn chứng:
+ Học hỏi những công nghệ sản xuất hiện đại để ứng dụng vào Việt Nam.
+ Giao lưu văn hóa Việt – Nhật, Việt – Hàn.
+ Cách tân, cải tiến trang phục nước ngoài cho phù hợp với Việt Nam.
+ Học hỏi mô hình giáo dục từ các nước tiên tiến.
Bình luận