Giải Công dân 8 Cánh diều bài 10 Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân

Giải bài 10: Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân, sách Giáo dục công dân 8 Cánh diều. Phần đáp án chuẩn, hướng dẫn giải chi tiết cho từng bài tập có trong chương trình học của sách giáo khoa. Hi vọng, các em học sinh hiểu và nắm vững kiến thức bài học.

B. Bài tập và hướng dẫn giải

MỞ ĐẦU

Em hãy chia sẻ ý nghĩa câu ca dao sau đây:

Muốn no thì phải chăm làm

Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi

KHÁM PHÁ

1. Tầm quan trọng của lao động đối với đời sống của con người

Em hãy quan sát hình ảnh, đọc trường hợp và trả lời câu hỏi

Giải Công dân 8 Cánh diều bài 10 Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân

Giải Công dân 8 Cánh diều bài 10 Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân

     Trường hợp. Sau khi về thăm quê, anh M nhận thấy cuộc sống của người dân địa phương có nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp. Do đó, anh M đã quyết định mở công ty sản xuất sợi ở quê hương mình. Công ty của anh M không chỉ thu mua nguyên liệu mà còn ưu tiên tuyển lao động là người địa phương. Nhờ có việc làm trong công ty, người dân có thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng cao.

Câu hỏi:

a) Em hãy cho biết hoạt động của con người trong từng hình ảnh, trường hợp trên đã tạo ra những sản phẩm nào? Các sản phẩm đó có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của con người

b) Theo em, lao động có ý nghĩa gì đối với cá nhân và xã hội?

2. Pháp luật về quyền, nghĩa vụ lao động của công dân và lao động chưa thành niên

a. Một số quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ lao động của công dân Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi

Thông tin

Hiến pháp năm 2013

Điều 15 (trích)

1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.

Điều 35 (trích)

1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

2. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.

3. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

     Trường hợp 1. Sau khi tốt nghiệp đại học, K không về làm cho công ty của gia đình mà đi làm ở công ty khác với mục đích học hỏi để phát triển bản thân. Công ty đã đảm bảo cho K được hưởng một mức lương cao, được hưởng các chế độ bảo hiểm và nghỉ ngơi. Khi K chia sẻ với gia đình về lựa chọn của mình, bố mẹ K đã đồng ý và ủng hộ quyết định của con.

      Trường hợp 2. Tốt nghiệp đại học, nhưng M không đi làm mà vẫn phụ thuộc vào bố mẹ. Hằng ngày. M thường ở nhà xem ti vi, lướt mạng xã hội, khi bị bố mẹ nhắc nhở tìm công việc thi M thường lẩn tránh với lí do không muốn đi làm vì sợ áp lực.

Căn cứ vào thông tin trên, em hãy nhận xét ở trường hợp 1 và 2, K và M đã thực hiện quyền, nghĩa vụ lao động của mình như thế nào.

b. Một số quy định của pháp luật về lao động chưa thành niên

Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi

Thông tin

Bộ luật Lao động năm 2019

Điều 143. Lao động chưa thành niên (trích)

1. Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.

Điều 144. Nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên (trích)

1. Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách.

2. Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khoẻ, học tập trong quá trình lao động.

3. Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

4. Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hoá, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kĩ năng nghề.

Điều 146. Thời giờ làm việc của người chưa thành niên (trích)

1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

Điều 147. Công việc và nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (trích)

1. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc sau đây:

a) Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên,

b) Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác;

c) Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hoá chất, khí gas, chất nổ;

2. Cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm việc ở các nơi sau đây:

a) Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm,

b) Công trường xây dựng,

c) Cơ sở giết mổ gia súc,

d) Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử.

     Trường hợp 1. Do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, D (16 tuổi) đã đi làm cho một công ty. Biết D vừa làm vừa học, lại nhanh nhẹn, chăm chỉ nên giám đốc công ty đã tạo điều kiện, bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của D.

      Trường hợp 2. M (14 tuổi) đã xin vào công ty của ông H để làm việc. Hằng ngày, ngoài việc hoàn thành công việc đan lát từ mây, tre, M còn bị ông H giao làm các công việc khuân vác nặng nhọc, tiếp xúc với hoá chất và phải làm thêm 02 giờ.

      Trường hợp 3. Được sự đồng ý của bố mẹ và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đang cư trú, T (12 tuổi) đã tham gia biểu diễn nghệ thuật cho chương trình chào xuân của Công ty P. Do đó, Công ty P đã trả cho T một khoản tiền nhất định và bảo đảm các điều kiện về sức khoẻ, an toàn lao động cho hoạt động của T.

Căn cứ vào thông tin, em hãy nhận xét việc thực hiện quy định của pháp luật về lao động chưa thành niên của các chủ thể trong từng trường hợp trên.

3. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia hợp đồng lao động và nội dung của hợp đồng lao động

a. Một số quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên tham gia hợp đồng lao động

Em hãy đọc thông tin, trường hợp, tình huống và trả lời câu hỏi

Thông tin

Bộ luật Lao động năm 2019

Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của người lao động (trích)

1. Người lao động có các quyền sau đây:

b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kĩ năng nghề trên cơ sở thoả thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

2. Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận hợp pháp khác;

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động (trích)

1. Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

a) Tuyển dụng, bố trí, quản lí, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lí vi phạm kỉ luật lao động;

2. Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và thoả thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động,

Điều 13. Hợp đồng lao động (trích)

1. Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động (trích)

1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,... và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.

2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kĩ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

      Trường hợp. Sau phỏng vấn, bà N đã quyết định tuyển dụng chị G và anh C vào làm nhân viên của siêu thị. Qua trao đổi các nội dung về hợp đồng lao động, chị G nhận thấy các điều kiện về làm việc của mình không được đảm bảo như anh C nên đã thắc mắc nhưng không nhận được giải thích của bà N.

     Tình huống. Để hoàn thành thủ tục kí hợp đồng lao động, Công ty X yêu cầu anh A phải cung cấp chính xác các thông tin liên quan đến nơi cư trú và tình trạng sức khoẻ. Anh A băn khoăn, không biết có cần cung cấp các thông tin đó cho Công ty X không?

Câu hỏi:

a) Em hãy xác định quyền và nghĩa vụ lao động của các chủ thể trong trường hợp trên.

b) Nếu là bạn của anh A trong tình huống trên, em hãy giải đáp băn khoăn của anh A?

c) Theo em, khi tham gia hợp đồng lao động, các bên có quyền và nghĩa vụ nào?

b. Một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động

Em hãy đọc thông tin, trường hợp và trả lời câu hỏi

Thông tin

Bộ luật Lao động năm 2019

Điều 21. Nội dung của hợp đồng lao động (trích)

1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kĩ năng nghề.

     Trường hợp. Theo thông báo tuyển dụng, Công ty A do anh T làm giám đốc, đang cần tuyển lao động lắp ráp linh kiện điện tử, làm việc 8 giờ/1 ngày với mức lương ban đầu là 5 triệu đồng/1 tháng và được hưởng các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Qua trao đổi, thoả thuận với anh T, anh K (20 tuổi) đã đồng ý kí kết hợp đồng lao động với Công ty A theo những nội dung của thông báo tuyển dụng.

Dựa vào thông tin trên, em hãy giúp anh K lập được hợp đồng lao động với Công ty A. 

4. Trách nhiệm của học sinh trong tham gia lao động

Em hãy đọc tình huống và trả lời câu hỏi

    Tình huống 1. Suy ngẫm về trách nhiệm của học sinh trong tham gia lao động, bạn Hà cho rằng, mỗi học sinh tùy theo năng lực của mình nên lựa chọn các công việc phù hợp với lứa tuổi.

     Tình huống 2. Với mục đích làm cho khuôn viên nhà trường ngày càng sạch đẹp, lớp của D đã tổ chức hoạt động lao động tập thể vào ngày chủ nhật. Các bạn trong lớp rất hào hứng tham gia và chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ lao động. Tuy nhiên, bạn B lại không tham gia với lí do còn bận việc nhà.

Câu hỏi:

a) Em có đồng tình với ý kiến của bạn Hà trong tình huống 1 không? Vì sao?

b) Em hãy nhận xét thái độ, hành vi của các bạn trong lớp D và bạn B ở tình huống 2. Nếu là D em sẽ giải thích như thế nào để B tích cực tham gia các hoạt động lao động.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1: Khẳng định nào sau đây không đúng về tầm quan trọng của lao động đối với đời sống của con người? Vì sao?

A. Lao động tạo ra thu nhập góp phần nâng cao đời sống của con người.

B. Lao động không phải là yếu tố quyết định sự phát triển của xã hội.

C. Lao động tạo ra các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của con người.

D. Lao động chỉ mang lại giá trị cho mỗi bản thân mỗi con người.

Bài tập 2: Theo em, hành vi nào sau đây là thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân? Vì sao?

A. Bố mẹ bắt T phải làm việc ở nhà máy gần nhà.

B. Công ty cho anh P được nghỉ phép hằng năm.

C. Chị H luôn tích cực lao động để tăng thu nhập cho bản thân.

D. Bạn M luôn chủ động tham gia các công việc lao động cùng gia đình.

E. Anh G bị phân công làm làm các công việc nặng với lí do là lao động mới.

Bài tập 3: Bố mẹ V kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài thời gian học tập, tham gia các hoạt động của trường, V thường phụ giúp bố mẹ bán hàng và giao đồ ăn cho khách. Là con trong gia đình, V nhận thức được bổn phận giúp đỡ bố mẹ các công việc trong nhà. Nhờ chăm chỉ làm việc, V đã góp phần làm cho kinh tế gia đình ổn định hơn.

Em hãy nhận xét thái độ, hành vi của V trong trường hợp trên.

Bài tập 4: Từ khi thuê được G (15 tuổi) vào làm trong xưởng cơ khí của mình, ông D luôn bắt G đứng ở khu vực máy kéo nguy hiểm, không trang bị đồ bảo hộ lao động và thậm chí bắt G làm thêm giờ mà không trả lương.

a) Theo em, ông D đã vi phạm quy định nào của pháp luật về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân?

b) Nếu là G, em sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Bài tập 5: Trong quá trình trao đổi về hợp đồng lao động, anh Q yêu cầu Công ty C phải cung cấp rõ các thông tin về địa điểm làm việc. Tuy nhiên, công ty lại từ chối với lí do công ty có nhiều chỉ nhánh nên không cần cung cấp cụ thể.

a) Em có đồng ý với việc làm của Công ty C không?

b) Nếu là anh Q, em có tiếp tục tham gia hợp đồng lao động với Công ty C không? Vì sao?

Bài tập 6: Em hãy tự mình lập một bản hợp đồng lao động về một công việc phù hợp với lứa tuổi và chia sẻ với các bạn.

VẬN DỤNG

Bài tập 1: Em hãy lập kế hoạch thực hiện các hoạt động lao động của bản thân ở gia đình và nhà trường theo gợi ý sau:

Bài tập 2: Em hãy tham gia hoạt động tuyên truyền của địa phương về quyền và nghĩa vụ lao động của công dân. Từ đó, ghi lại ý nghĩa của hoạt động đó đối với bản thân và mọi người xung quanh.

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Giải công dân 8 cánh diều bài 10, Giải công dân 8 cánh diều bài 10 Quyền và nghĩa vụ lao động của công dân, Giải GDCD 8 cánh diều bài 10

Bình luận

Giải bài tập những môn khác