KHÁM PHÁ
1. Truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Em hãy đọc thông tin và trả lời câu hỏi
Thông tin 1. Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người, cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang.
(Theo Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 4, NXB Chính trị quốc gia, tr.280-281)
Thông tin 2. Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm giữa Thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Vườn bia tiến sĩ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám là biểu tượng lưu dấu quá trình hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam, những người đã tiếp thu và phát huy xuất sắc tinh hoa của các nền văn minh phương Đông để sáng tạo ra cả kho tàng văn hiến Hán Nôm giàu tinh thần yêu nước và bản sắc dân tộc. Bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài, thể hiện ở tư tưởng coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi Nhà nước tổ chức trao học hàm, học vị cho những trí thức tiêu biểu, khen tặng cho học sinh, sinh viên xuất sắc và tổ chức hội thơ hàng năm vào Rằm tháng Giêng.
(Lược theo Đoàn Thị Thanh Thuý, Di sản văn hoá Văn Miếu – Quốc Tử Giám với giá trị lịch sử, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 409, tháng 7-2018, tr.25-28)
Câu hỏi:
a) Em hãy cho biết những truyền thống nào của dân tộc Việt Nam được nói đến trong các thông tin trên?
b) Hãy chia sẻ về những truyền thống khác của dân tộc Việt Nam mà em biết.
c) Theo em, truyền thống của dân tộc Việt Nam có giá trị như thế nào đối với cá nhân, gia đình, quê hương, đất nước?
Bình luận