Câu hỏi tự luận mức độ vận dụng Ngữ văn 9 KNTT bài 4: “Người con gái Nam Xương” - một bi kịch của con người (Nguyễn Đăng Na)

3. VẬN DỤNG (3 câu)

Câu 1: Em có nhận xét gì về tấm bi kịch của Vũ Nương khi Trương Sinh đi lính?

Câu 2: Sau khi Trương Sinh về thì bi kịch gì đã xảy đến với Vũ Nương?

Câu 3: Phân tích một góc nhìn khác để chúng ta có thể thông cảm cho Trương Sinh?


Câu 1:

Cuộc đời Vũ Nương tuy ngắn ngủi, nhưng nàng đã kịp làm trọn nghĩa vụ của một kiếp đàn bà: làm con, làm dâu, làm vợ, làm mẹ. Mọi nỗi gian lao vất vả, nào khi sinh nở chẳng ai đỡ đần, nào một thân vừa nuôi con thơ, vừa chăm sóc thuốc thang cho mẹ chồng già yếu..., rồi khi mẹ chồng nằm xuống, lại một mình lo việc ma chay tế lễ, chôn cất... Tất cả những việc ấy, đối với nàng nào đáng kể chi, miễn sao có ngày hội ngộ, chồng sẽ trở về! Ngay như công danh, nàng cũng chẳng màng. Khi chồng ra đi, nàng giãi bày nỗi niềm của mình: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu [...] chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Mong mỏi bao trùm cả cuộc đời nàng là “cái thú vui nghi gia nghi thất”, vợ chồng sum họp, con cái đề huề, được làm vợ, làm mẹ!

Câu 2:

Sau ba năm đợi chờ, Trương Sinh trở về với hai chữ bình yên đúng như sở nguyện. Hạnh phúc đã mỉm cười, ước mơ đang đi vào hiện thực... Nhưng, oái oăm thay cho cuộc đời: Ngày sum họp cùng chồng, cũng là ngày nàng phải vĩnh viễn lìa xa tổ ấm. Và đau đớn hơn, kẻ đẩy nàng vào cái chết bi thảm không phải ai xa lạ, mà là chính người chồng nàng hằng “ba năm giữ gìn một tiết” đợi chờ và đứa con trai duy nhất mà nàng suốt ba năm nâng niu bú mớm. Hai người thân thương nhất, gần gũi nhất lại là kẻ gây ra oan trái cho đời nàng! Mà họ đâu phải là kẻ độc ác và nàng đâu có phải là kẻ phản bội chồng con! Đứa trẻ thì ngây thơ, chỉ kể lại những điều mà đêm đêm mẹ thường dạy khi cha vắng nhà; nó không thể phân biệt được giữa đùa với thật vì mới có ba tuổi đầu và tin lời mẹ. Còn người chồng thì cả ghen, hàm hồ và mù quáng.

Câu 3:

Ở đây ta cũng nên có một chút cảm thông với Trương Sinh. Ba năm đời lính làm chàng mệt mỏi chán chường. Về tới nhà, lại gặp cảnh đau lòng: “Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi”. Nỗi buồn tê tái đè nặng lên trái tim anh lính Trương Sinh. Nếu như đối với Vũ Nương, chỗ dựa để có thể tồn tại là con và chồng, thì đối với Trương Sinh, chỗ dựa để sống được là con và vợ. Thế mà, hình như có một người đàn ông thứ hai nào đó không rõ mặt mũi, họ tên đã len lỏi vào gia đình chàng, đã chiếm mất tình cha con của chàng: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”. Đứa bé đã có hai người cha: một người xuất hiện khi chàng vắng nhà và một người là chàng. Chỗ dựa thứ nhất không còn.

Tuy nhiên, sự sụp đổ ấy chưa quan trọng đối với chàng. Chỉ đến lúc đứa bé kia khẳng định: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến” thì cơn ghen mới thực sự bùng lên. Chỗ dựa thứ hai hoàn toàn sụp đổ! Sự nghi ngờ vợ “không có gì gỡ ra được”. Đứa bé không biết nói dối. Chàng tin con. Mọi chi tiết đứa bé cung cấp đều chứng tỏ người đàn ông kia hành tung hết sức mờ ám, bí hiểm: đêm nào cũng đến, chỉ nín thin thít, chẳng bao giờ bế Đản... Đã thế, họ lại xoắn xuýt bên nhau: “mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi”. Sự bí ẩn về người đàn ông đó như những mũi dao xoáy vào tâm can và khơi vào đúng chỗ yếu nhất của chàng: tỉnh đa nghi và cả ghen. Đã ghen, cần gì chứng cớ. Huống chi, nay chứng cứ đã rành rành ra đấy. Cái ly kì trong “vụ án” đẩy mâu thuẫn gia đình Trương Sinh đến cực điểm và châm ngòi cho quả bom ghen tuông bùng nổ.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác