Tóm tắt kiến thức ngữ văn 11 chân trời bài 3: Tú Uyên gặp Giáng Kiều

Tổng hợp kiến thức trọng tâm ngữ văn 11 chân trời sáng tạo bài 3: Tú Uyên gặp Giáng Kiều. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

I. ĐỌC VĂN BẢN

1. Văn bản “Tú Uyên gặp Giáng Kiều”

- Văn bản Tú Uyên gặp Giáng Kiều được trích từ truyện Nôm Bích Câu kì ngộ (từ câu 305 đến câu 360).

- Truyện Nôm Bích Câu kì ngộ nguyên là truyện viết bằng chữ Hán, được cho là của Đoàn Thị Điểm, về sau được dịch ra truyện Nôm và phổ biến rộng rãi.

- Trước đây, nhiều người cho là tác phẩm này là của một tác giả khuyết danh nhưng theo các nhà nghiên cứu hiện nay thì người sáng tác thơ là Vũ Quốc Trân sống ở khoảng giữa thế kỉ XIX.

2. Điển tích, điển cố trong văn bản “Tú Uyên gặp Giáng Kiều”

- Sông Tương: tục truyền hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh – vợ vua Thuấn đã khóc chồng bên bờ sông Tương, ở đây chỉ nỗi tương tư của nhân vật.

- Chúa Đông: tức Đông Quân, vị thần coi về mùa xuân, ở đây chỉ mùa xuân.

- Bát trân: tám món ăn quý. Theo sách Chu lễ, tám món ăn ấy là: bột ngào, bánh mỡ, heo quay, dê thui, chả quết, thịt ướp, nem luộc và gan nướng, ở đây chỉ thức ăn ngon.

- Bếp trời: tức Thiên Trù, tên một ngôi sao chăm lo việc bếp nhà trời.

- Ba sinh: theo thuyết luân hồi của Phật giáo thì con người có ba kiếp.

- Tơ trăng: dây tơ hồng của Nguyệt Lão se duyên vợ chồng.

- Tác hợp duyên trời: theo câu “thiên tác chi hợp” trong Kinh Thi, ý nói cái duyên tự trời gây nên.

- Gieo cầu: chọn người để lấy làm chồng. Do tích vua Hán Vũ Đế cho công chúa ngồi trên lầu ném quả cầu xuống, ai cướp được thì lấy người ấy. Về sau, các nhà quyền quý cũng bắt chước cách này để kén rể. 

- Gieo thoi: ném cái thoi, chỉ người con gái phải biết giữ mình, bảo toàn tiết hạnh. Trong Tấn thư chép chuyện Tạ Côn đời Tấn ghẹo cô gái hàng xóm họ Cao lúc cô đang dệt cửi, bị cô lấy con thoi ném làm Tạ Côn gãy mấy hai cái răng.

- Mái Tây: chỉ Tây sương kí – một vở kịch của Vương Thục Phủ kể về câu chuyện tình yêu giữa nàng Thôi Oanh và thư sinh Trương Quân Thụy. Nàng Oanh Oanh chủ động gặp chàng ở mái Tây chùa Phổ Cứu.

- Túc trái: nợ từ kiếp trước, theo Phật giáo.

- Vũ y, Nghê thường: vũ u là quần áo múa, nghê thường là xiêm y của các nàng tiên, màu sắc sặc sỡ như cầu vồng. Dị Văn Lục chép: Vua Đường Minh Hoàng nhân đêm Trung thu được một đạo sĩ hóa phép đưa lên chơi cung trăng. Các tiên nữ trên cung trăng xiêm áp lộng lẫy, múa hát duyên dáng. Khi về lại cõi trần, nhà vua phóng theo điệu nhạc của các tiên nữ trên cung trăng mà tạo ra điệu “Nghê thường vu y khúc” cho các cung nhân múa hát. 

=> Nguồn gốc của những điển tích, điển cố trong văn bản “Tú Uyên gặp Giáng Kiều”: hầu hết đều mượn những điển tích, điển cố của Trung Quốc, ngoài ra còn mượn các quan niệm từ Phật giáo và Nho giáo (Kinh Thi), sách Chu lễ…

II. CỐT TRUYỆN VÀ CHI TIẾT CỦA VĂN BẢN TÚ UYÊN GẶP GIÁNG KIỀU

1. Mô hình cốt truyện và vai trò của chi tiết trong việc thể hiện nội dung.

- Bích Câu kì ngộ được xây dựng theo mô hình Gặp gỡ - Tai biến (Lưu lạc) – Đoàn tụ (Đoàn viên). 

- Mô hình: GV có thể gợi mở theo PHỤ LỤC 14 trang 173.

* Vai trò của chi tiết trong việc thể hiện nội dung

- Chi tiết có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thể hiện nội dung.

Ví dụ:

+ Chi tiết thể hiện nỗi nhớ nhung, si tình của Tú Uyên: Sớm khuya của bức họa đồ làm đôi; Từ phen giáp mặt đến giờ/ Những là ngày tưởng đêm mơ đã chồn; Để ai ruột héo, gan mòn vì ai?;...

+ Chi tiết gặp gỡ của Tú Uyên và người trong tranh, đồng thời cũng là người trong mộng: Khách tiên chưa dễ qua vòng ái ân; Sáng mai cứ buổi ra đi / Liệu chừng thoắt trở lại về thử coi / Bỗng đâu thấy sự lạ đời / Trong tranh sao có bóng người vào ra?...

+ Chi tiết về phép thần tiên: Nói thôi rút chiếc trâm đầu / Biến hình liền thấy đôi hầu theo ra; Bóng mây bỗng kéo quanh nhà / Thảo am thoắt đã đổi ra lâu đài;…

+ Chi tiết về mối duyên giữa Giáng Kiều và Tú Uyên: Nhân duyên đã định từ xưa/ Tơ trăng xe đến bây giờ mới thân; Nàng rằng: “Xin quyết gieo cầu/ Tấm son thề với trên đầu xanh xanh…

III. NHÂN VẬT TRONG VĂN BẢN TÚ UYÊN GẶP GIÁNG KIỀU

Đặc điểm của nhân vật Tú Uyên và Giáng Kiều được thể hiện trong đoạn trích.

* Đặc điểm của nhân vật Tú Uyên

- Nhân vật Tú Uyên là một trong những thành công của Bích Câu kì ngộ với hình tượng là đại diện cho tầng lớp Nho sĩ nghèo ở thành Thăng Long, chưa thành đạt trên con đường sự nghiệp. 

- Ngoại hình của Tú Uyên không được nhắc đến trong đoạn trích, nhưng tính cách chàng lại vô cùng rõ nét. 

+ Sự bồng bột, hấp tấp, cuồng nhiệt, cả nể thể hiện qua cách chàng si tình quên ăn, quên ngủ: vội vàng đánh tiếng ra chào và lập tức thổ lộ tình cảm: Sinh rằng: “Trong bấy lâu nay / Nhắp sây gối muộn có ngày nào nguôi”, qua cách chàng mượn rượu lần khân với người con gái vừa gặp mặt: Giọng tình sánh với quỳnh tương / Giả say sinh mới toan đường lần khân.

+ Những về sau, khi nàng khuyên can thì cũng thuận theo. Tính cách này của chàng Tú Uyên khá nhất quán, không chỉ trong trích đoạn mà còn xuyên suốt chiều dài của tác phẩm. 

* Đặc điểm của nhân vật Giáng Kiều

- Do chủ yếu lấy truyện xưa, tích cũ làm đối tượng miêu tả nên truyện thơ Nôm mang vào mình một số đặc trưng của truyện cổ tích hoặc truyện kể dân gian trong cách xây dựng nhân vật, miêu tả thời gian, không gian… 

- Cụ thể, nàng Giáng Kiều được xây dựng với yếu tố kì ảo, bởi nhìn chung nhân vật truyện thơ Nôm vẫn chưa thoát khỏi những khuôn mẫu của nhân vật truyện cổ tích, nàng vẫn là một nàng tiên từ trên trời xuống hạ giới và gặp gỡ, kết duyên với nam phàm trần.

- Yếu tố kì ảo còn thể hiện ở: 

+ Chi tiết Giáng Kiều bước ra từ trong tranh: Trong tranh sao có bóng người vào ra?. Vì quá nặng lòng với Tú Uyên, nàng đã thác hóa xuống trần gian thành bức tranh để âm thầm chăm sóc từng bữa cơm cho chàng. 

+ Giáng Kiều tự giới thiệu về nguồn gốc của mình: Vốn xưa thiếp khách thanh tiêu. – người nhà trời, người cõi tiên.

- Nhân vật truyện thơ Nôm bác học thường là một hiện tượng nghệ thuật có tính ước lệ, nhất là khi miêu tả ngoại hình. 

+ Hầu hết các nhân vật nữ của truyện thơ Nôm bác học đều rất xinh đẹp tuyệt vời, có tâm hồn trong sáng, Giáng Kiều cũng được miêu tả với sắc đẹp làm Tú Uyên mê đắm mà tương tư đêm ngày: Mày mặt liễu hoa – lông mày lá liễu, mặt xinh tựa như hoa, mấp máy miệng đào.

+ Giáng Kiều là một người thẳng thắn, nhiệt tình đồng thời cũng rất khéo léo, chừng mực: bồ liễu phận thường / Vì mang má phấn nên vương tơ điều…

+ Nàng là một người có tấm lòng thủy chung, son sắt bởi sau đêm hội mùa xuân gặp Tú Uyên, nàng cũng ngày đêm mong nhớ và khi trò chuyện nàng liên tục nhắc đến: Ba sinh đã nặng vì duyên, tơ trăng – dây tơ hồng của nguyệt lão đã se duyên vợ chồng, tác hợp duyên trời, tấm son thế với trên đầu xanh xanh – thề với trời nguyện giữ tấm lòng son sắt thủy chung. 

- Trong cách Giáng Kiều đối thoại với Tú Uyên, ta cũng thầy nàng là một người tài hoa, uyên bác, thông minh, tinh tế. 

IV. THÔNG ĐIỆP

* Dấu hiệu nhận biết “Tú Uyên gặp Giáng Kiều” là truyện Nôm bác học

- Bích Câu kì ngộ là truyện thơ Nôm bác học do nhà nho Vũ Quốc Trân sáng tác, có nội dung viết về giới trí thức và mang chất lượng nghệ thuật cao, thể hiện qua ngôn ngữ ước lệ tượng trưng, kết hợp tự sự với trữ tình, sử dụng nhiều biện pháp tu từ cùng nhiều điểm tích, điển cố, lời lẽ văn hoa, bay bổng…

* Thông điệp mà tác giả gửi gắm:

- Tình yêu trong Bích Câu kì ngộ  không mang vẻ đẹp đơn sơ chất phác như những câu chuyện trong cổ tích mà có cả những tình tiết eo le, những cảm xúc tinh tế và xáo trộn trong tâm trí nhân vật.

- Đoạn trích Tú Uyên gặp Giáng Kiều nói riêng và tác phẩm Bích Câu kì ngộ nói chung đã làm sống lại câu chuyện một mối tình thơ mộng và lãng mạn giữa chàng Nho sĩ nghèo ở góc thành Thăng Long và một nàng tiên, qua đó đã thể hiện được những vấn đề lớn của thời đại. 

- Xét về ý nghĩa nào đó, tình yêu của Tú Uyên – Giáng Kiều trong truyện Nôm của Vũ Quốc Trân đã thể hiện ở chừng mực nhất định sự phản ứng lại lễ giáo phong kiến, sự cởi mở trong nhận thức của con người thời đại về tình yêu tự do vượt ra ngoài sự sắp xếp của cha mẹ, về tính chủ động và ý thức cá nhân, và đồng thời cũng là một thách thức đối với ngòi bút nhà Nho.

V. KẾT LUẬN THEO THỂ LOẠI

- Hình thức: thể thơ lục bát viết bằng chữ Nôm.

- Cốt truyện: Hội ngộ - Tai biến – Đoàn tụ

=> Tú Uyên gặp Giáng Kiều thuộc phần Hội ngộ của cốt truyện.

- Nhân vật được xây dựng theo khuôn mẫu. có đan xen yếu tố hoang đường, kì ảo, tiên nữ lấy nam phàm trần với những nét tính cách được xây dựng thông qua ngôn ngữ, cử chỉ,…

- Ngôn ngữ:

+ Được viết bằng chữ Nôm, ngôn từ trau chuốt, đạt đến trình độ nghệ thuật cao.

+ Có sự kết hợp giữa tự sự và trữ tình.

+ Sử dụng nhiều điển tích, điển cố.

+ Sử dụng những biện pháp tu từ.

- Phản ánh về khát vọng tự do yêu đương, kết duyên giữa xã hội phong kiến cổ hủ, lạc hậu.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Tóm tắt kiến thức bài 3: Tú Uyên gặp Giáng Kiều, kiến thức trọng tâm văn 11 chân trời bài 3: Tú Uyên gặp Giáng Kiều, nội dung chính bài Tú Uyên gặp Giáng Kiều

Bình luận

Giải bài tập những môn khác