Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Kết nối bài 8: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 8: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết (trong đời sống xã hội). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT (TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI)

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Viết được bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết, trình bày được giải pháp khả thi và có sức thuyết phục.

- Thuyết phục người đọc đồng tình với ý kiến của người viết về một vấn đè cần giải quyết trong đời sống xã hội hiện nay để mỗi cá nhân thấy được trách nhiệm của mình. 

PHẦN I. TÌM HIỂU YÊU CẦU ĐỐI VỚI BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT (TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI)

1. Yêu cầu của bài văn nghị luận về một vấn đề cần giải quyết

- Nêu được vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội (liên quan đến sự phát triển đất nước, đời sống của cộng đồng, quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân,... ) để bàn luận.

- Trình bày được bản chất, phạm vi tác động của vấn đề đối với đời sống xã hội (theo hướng tích cực hoặc tiêu cực); tổ chức được hệ thống luận điểm chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực và tiêu biểu.

- Nêu được ý kiến trái chiều về vấn đề được bàn luận để phản bác một cách có cơ sở.

- Đề xuất được các giải pháp khả thi để giải quyết những bất cập trong phạm vi vấn đề.

2. Phân tích bài viết tham khảo

- Phần Mở bài: Người viết nêu các di sản văn hoá nổi tiếng của đất nước để dẫn dắt đến vấn đề nghị luận. Câu cuối phần Mở bài nêu vấn đề cần giải quyết.

- Phần Thân bài có các luận điểm: sự quý giá của di sản văn hoá, thực trạng của việc bảo vệ di sản văn hoá hiện nay, đề xuất giải pháp tăng cường bảo vệ di sản văn hoá.

- Mỗi luận điểm được triển khai bằng lí lẽ phù hợp, bằng chứng xác thực và tiêu biểu. Chẳng hạn với luận điểm 1, người viết đã sử dụng lí lẽ:

+ Di sản văn hoá đại diện cho những giá trị tinh thần, góp phần quan trọng tạo nên bản sắc của

quốc gia. Lí lẽ đó được làm sáng tỏ qua các bằng chứng: đất nước Kim Tự Tháp” (Ai Cập), “đất nước Chùa Tháp" Cam-pu-chia, "đất nước của tháp Ép-phen" (Pháp) ;...

+ Di sản văn hoa đã trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển ngành du lịch. Lí lẽ này được làm sáng tỏ qua các bằng chứng: nhiều người nước ngoài thích thú khi khám phá các di sản văn hoá của Việt Nam.

+ Những di sản độc đáo, có giá trị cao không chỉ là báu vật của quốc gia, mà còn trở thành vốn quý của cả nhân loại khi được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

=> Kinh nghiệm: Cần triển khai hệ thống luận điểm bằng những lí lẽ sắc bén, bằng chứng cụ thể, xác thực và tiêu biểu.

- Cách kết bài: Khái quát lại vấn đề nghị luận và đề xuất phương hướng hành động.

PHẦN II: THỰC HÀNH VIẾT

1. Trước khi viết

a. Lựa chọn đề tài

- Chú ý phạm vi nội dung mà phần Viết giới hạn.

b. Tìm ý

- Có thể trả lời những câu hỏi sau để tìm ý.

+ Vấn đề cần được giải quyết là gì?

+ Ý kiến của em về vấn đề như thế nào?

+ Có thể xuất hiện ý kiến nào để trái ngược với quan điểm của người viết?

+ Cần dùng những lí lẽ, bằng chứng nào để phản bác?

+ Cần có giải pháp nào để giải quyết vấn đề?

c. Lập dàn ý

- Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần giải quyết trong đời sống xã hội, nêu sự cần thiết phải bàn luận về vấn đề. 

- Thân bài:

+ Trình bày ý kiến của bản thân về vấn đề, triển khai thành hệ thống luận điểm.

+ Nêu ý kiến trái chiều về vấn đề để phản bác.

+ Đề xuất giải pháp khả thi để giải quyết vấn đè đời sống được bàn luận

- Kết bài: Khẳng định tầm quan trọng của việc nhận thức đúng đắn và giải quyết thỏa đáng vấn đề nêu ra.

2. Viết bài

- Bám sát yêu cầu của kiêu bài và dàn ý đã lập để triển khai các phần của bài viết. 

- Rút kinh nghiệm ở các bài trước, đọc và tìm hiểu các bài viết tham khảo, vận dụng linh hoạt kĩ thuật viết các phần của bài

- Chú ý việc sử dụng lí lẽ và bằng chứng để tăng sức thuyết phục của bài văn nghị luận. 

3. Chỉnh sửa bài viết. 

- Đọc bài viết thật kĩ, đặt câu hỏi để tự kiểm tra lại từng phần, từng khía cạnh và thao tác được sử dụng.

- Sau khi rà soát, nếu phát hiện thấy chỗ nào chưa đạt yêu cầu thì cần bổ sung, chỉnh sửa hoặc thay thế. 

* Có thể tham khảo bài viết dưới đây

Bảo vệ môi trường là một vấn đề cấp bách và quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Môi trường sống của chúng ta đang ngày càng bị đe dọa bởi nhiều tác nhân khác nhau như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, đất đai bị suy thoái và biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, việc bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là của toàn xã hội. Chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và cùng nhau hành động để giữ gìn và cải thiện chất lượng môi trường sống.

Trước hết, bảo vệ môi trường góp phần bảo vệ sức khỏe con người. Môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, nước uống tinh khiết sẽ giúp con người tránh được nhiều bệnh tật. Ngược lại, môi trường ô nhiễm là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về hô hấp, tiêu hóa và nhiều bệnh mãn tính khác. Những khu vực có mức độ ô nhiễm cao thường có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn so với các khu vực có môi trường trong lành. Do đó, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính chúng ta.

Thứ hai, bảo vệ môi trường giúp duy trì cân bằng sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Các hệ sinh thái tự nhiên cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng cho con người như cung cấp thực phẩm, nước sạch, và không khí trong lành. Khi môi trường bị hủy hoại, các hệ sinh thái này bị suy giảm, dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái và làm giảm khả năng cung cấp các dịch vụ này. Bảo vệ môi trường đồng nghĩa với việc bảo tồn các loài động, thực vật và các hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững của trái đất.

Thứ ba, bảo vệ môi trường còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Môi trường trong lành tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế bền vững. Ngược lại, môi trường ô nhiễm gây ra nhiều chi phí cho việc xử lý và khắc phục hậu quả, đồng thời làm giảm năng suất lao động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Việc đầu tư vào bảo vệ môi trường không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe và sinh thái mà còn có ý nghĩa kinh tế lâu dài.

Để bảo vệ môi trường, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của mình. Chúng ta có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như tiết kiệm điện, nước, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây, dọn dẹp rác thải. Các doanh nghiệp cũng cần thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, giảm thiểu chất thải và khí thải gây ô nhiễm. Nhà nước cần có chính sách và biện pháp quản lý chặt chẽ, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường.

Tóm lại, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, từ mỗi cá nhân đến các doanh nghiệp và nhà nước. Chúng ta cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và cùng nhau hành động để giữ gìn và cải thiện chất lượng môi trường sống. Chỉ khi môi trường được bảo vệ, con người mới có thể sống khỏe mạnh và hạnh phúc, và trái đất mới có thể phát triển bền vững.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 KNTT bài 8: Viết bài văn nghị luận về, kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 8: Viết bài văn nghị luận về, Ôn tập Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 8: Viết bài văn nghị luận về

Bình luận

Giải bài tập những môn khác