Lý thuyết trọng tâm Kinh tế pháp luật 12 Cánh diều bài 3: Bảo hiểm

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Kinh tế pháp luật 12 cánh diều bài 3: Bảo hiểm. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo

CHỦ ĐỀ 3: BẢO HIỂM VÀ AN SINH XÃ HỘI

BÀI 3: BẢO HIỂM

  1. YÊU CẦU CẦN ĐẠT CỦA BÀI HỌC

  • Nêu được khái niệm bảo hiểm.
  • Liệt kê được một số loại hình bảo hiểm.
  • Giải thích được sự cần thiết của bảo hiểm và vai trò của bảo hiểm.
  • Thực hiện được trách nhiệm của công dân về bảo hiểm bằng những việc làm cụ thể và phù hợp.
  1. NHỮNG NỘI DUNG CẦN GHI NHỚ TRONG BÀI HỌC

1. Bảo hiểm và các loại hình bảo hiểm

- Bảo hiểm là một dịch vụ tài chính thông qua đó người tham gia bảo hiểm đóng phí bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm để được bồi thường hoặc chỉ trả bảo hiểm cho những thiệt hại mà người tham gia bảo hiểm hoặc người thứ ba phải gánh chịu khi rủi ro hay sự kiện bảo hiểm xảy ra. Bảo hiểm bao gồm 4 loại hình: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thương mại.

+ Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

  • Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội bao gồm:
  • Bảo hiểm xã hội bắt buộc do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
  • Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm người lao động (công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn,...), người sử dụng lao động (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác,... ) và sẽ được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
  • Bảo hiểm xã hội tự nguyện do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đồng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội.
  • Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này và sẽ được hưởng các chế độ hưu trí và tử tuất.

+ Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc để chăm sóc sức khoẻ, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.

  • Theo quy định của Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc bao gồm nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng (người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên, cán bộ, công chức, viên chức,...), nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng (người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng,...), nhóm do ngân sách nhà nước đóng (người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ gia đình nghèo,...), nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (người thuộc hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên), nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này nếu không may xảy ra tai nạn, ốm đau, bệnh tật.

+ Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm người lao động (làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn,...), người sử dụng lao động (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác...) và được hưởng các chế độ trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.

+ Bảo hiểm thương mại (kinh doanh bảo hiểm) là hoạt động của tổ chức bảo hiểm chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để tổ chức bảo hiểm bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bảo hiểm thương mại bao gồm:

– Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. 

– Bảo hiểm phi nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho những thiệt hại về tài sản và những tổn thất khác hoặc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba.

– Bảo hiểm sức khoẻ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khoẻ.

- Bảo hiểm ra đời giúp con người chuyển giao rủi ro, chia sẻ rủi ro, khắc phục hậu quả tổn thất. Mỗi cá nhân, tổ chức cần nhận thức đúng đắn về quyền và nghĩa vụ khi tham gia thị trường bảo hiểm; tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo hiểm; xây dựng lối sống tiết kiệm, tích cực tham gia bảo hiểm và tuyên truyền đến cộng đồng xã hội về các lợi ích do việc tham gia bảo hiểm đem lại.

2. Vai trò của bảo hiểm

- Trong nền kinh tế thị trường, bảo hiểm có vai trò quan trọng cả về mặt kinh tế và xã hội.

- Về kinh tế: Bảo hiểm góp phần ổn định tài chính và đảm bảo an toàn cho các khoản đầu tư của các cá nhân; bên cạnh đó, bảo hiểm còn là một kênh huy động vốn để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; ngoài ra, bảo hiểm còn góp phần ổn định và tăng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

- Về xã hội: Bảo hiểm góp phần giảm thiểu tổn thất, đảm bảo an toàn cho cuộc sống của con người; việc tham gia bảo hiểm còn góp phần hình thành lối sống tiết kiệm trong xã hội; ngoài ra, bảo hiểm phát triển còn tạo công ăn việc làm, giảm thất nghiệp trong nền kinh tế.

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Kinh tế pháp luật 12 CD bài 3: Bảo hiểm, kiến thức trọng tâm Kinh tế pháp luật 12 cánh diều bài 3: Bảo hiểm, Ôn tập Kinh tế pháp luật 12 cánh diều bài 3: Bảo hiểm

Bình luận

Giải bài tập những môn khác