Lý thuyết trọng tâm Địa lí 9 Chân trời bài 21: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Địa lí 9 chân trời sáng tạo bài 21: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

BÀI 21: VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

I. Mục tiêu bài học

- Trình bày được đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ của vùng.

- Phân tích được các thế mạnh và hạn chế về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng.

- Phân tích được đặc điểm dân cư, một số vấn đề xã hội của vùng.

- Trình bày được sự phát triển và phân bố một số ngành kinh tế thế mạnh của vùng.

- Trình bày được về vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

II. Bài học

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Diện tích tự nhiên hơn 40,9 nghìn km2, chiếm 12,3% diện tích cả nước (2021).

- Có vùng biển rộng lớn, phía tây là Vịnh Thái Lan, phía đông nam là Biển Đông với các đảo, quần đảo như đảo Phú Quốc, quần đảo Thổ Chu, hòn Khoai, hòn Đá Lẻ,… có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long ở phía tây nam của nước ta, tiếp giáp vùng Đông Nam Bộ và nước láng giềng Cam-pu-chia, tạo thuận lợi trong việc kết nối phát triển với các vùng khác và giao thương quốc tế.

2. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên

a) Thế mạnh

- Địa hình, đất: địa hình đồng bằng, độ cao trung bình so với mực nước biển khoảng 2 - 4 m, thuận lợi quy hoạch các khu vực cư trú và sản xuất. Đất là tài nguyên quan trọng với 3 loại đất chính là đất phù sa sông (1,2 triệu ha), đất phèn (1,6 triệu ha), đất mặn (750 nghìn ha). Tạo thuận lợi hình thành vùng chuyên canh cây lương thực, thực phẩm và cây ăn quả.

- Khí hậu mang tính chất cận xích đạo gió mùa, mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình năm cao và ổn định, từ 25 - 27°C, lượng mưa trung bình hàng năm lớn, từ 1300 - 2000 mm. Là cơ sở để phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới.

- Sông ngòi: nằm ở hạ lưu sông Mê Công, hai nhánh sông chính là sông Tiền, sông Hậu và nhiều sông khác như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây,… hệ thống kênh rạch chằng chịt, có ý nghĩa thủy lợi, cung cấp nguồn lợi thủy sản và diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy và du lịch.

- Sinh vật: tài nguyên sinh vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao với rừng ngập mặn ven biển; rừng tràm ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười. Có nhiều bãi cá, tôm và hơn nửa triệu ha mặt nước nuôi trồng thủy sản.

- Biển, đảo:  có vùng biển rộng, nhiều đảo và quần đảo với một số bãi tắm, nhiều mỏ dầu, khí tự nhiên trữ lượng lớn, nguồn lợi hải sản phong phú, bờ biển có một số nơi thuận lợi xây dựng các cảng biển.

- Khoáng sản: chủ yếu là đá vôi xi măng ở Kiên Giang, than bùn ở khu vực U Minh, Tứ giác Long Xuyên, dầu mỏ, khí tự nhiên ở thềm lục địa,…

b) Hạn chế: 

- Mùa khô kéo dài cùng với tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô, làm gia tăng xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông, ven biển lấn sâu vào trong đất liền.

3. Đặc điểm dân cư và một số vấn đề xã hội

a) Đặc điểm dân cư

- Là vùng đông dân với hơn 17,4 triệu người (2021), chiếm 17,7% dân số cả nước, đứng thứ 3, sau vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Gia tăng dân số ở mức thấp với tỉ lệ gia tăng tự nhiên khoảng 0,55% (2021).

- Cơ cấu dân số trẻ, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm khá cao, cung cấp nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu dân số vùng đang có sự chuyển dịch theo hướng già hóa, tỉ lệ dân số từ 0 - 14 tuổi giảm, tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên xu hướng tăng.

- Mật độ dân số trung bình là 426 người/km2 (2021). Dân cư tập trung khá đông ven sông Tiền, sông Hậu. Tỉ lệ dân thành thị còn thấp, chỉ đạt khoảng 26,4% (2021).

- Là nơi sinh sống của các dân tộc: Kinh, Khơ-me, Hoa, Chăm,…

b) Một số vấn đề xã hội: 

- Giáo dục đào tạo của vùng đạt được nhiều thành tựu, tỉ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 93,9% (2021). Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng từ 74,1 tuổi (2010) lên 75 tuổi (2021).

- Là nơi cư trú của nhiều thành phần dân tộc tạo nên nét đặc sắc về văn hóa như đờn ca tài tử, nghệ thuật cải lương, múa bóng rỗi, lễ hội truyền thống (Cầu ngư, Oóc Om Boóc, Chôl Chnăm Thmây,…) cùng với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

4. Sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế thế mạnh

a) Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản

Năm 2021, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm hơn 32% GRDP của vùng, tốc độ phát triển nhanh.

- Nông nghiệp: đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của vùng

+ Cây lương thực: cung cấp hơn 55% sản lượng lúa gạo và 80% lượng gạo xuất khẩu của cả nước (2021), năng suất lúa luôn cao hơn trung bình cả nước. Lúa gạo trồng nhiều ở Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh,… Vùng sản xuất gạo đặc sản với nhiều giống lúa chất lượng cao như ST 24, ST 25, nàng thơm Chợ Đào,…

+ Cây ăn quả: là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất cả nước, chiếm hơn 33,3% diện tích cây ăn quả cả nước (2021). Trồng nhiều ở các tỉnh trong vùng, đặc biệt ở Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ,… Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và được cấp chỉ dẫn địa lí như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), sầu riêng Ri 6 (Vĩnh Long),…

+ Cơ cấu vật nuôi đa dạng, chăn nuôi lợn, vịt phát triển mạnh với quy mô lớn.

- Lâm nghiệp: rừng chủ yếu là rừng ngập mặn với sự phong phú về hệ sinh thái, có ý nghĩa lớn trong bảo tồn và phát triển du lịch, việc khôi phục và bảo vệ rừng đang được chú trọng.

- Thủy sản: là ngành thế mạnh với sản lượng và diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước. Năm 2021, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 3,41 triệu tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 1,5 triệu tấn. Sản phẩm nuôi trồng chủ yếu là cá và tôm, phát triển mạnh ở các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp,… Các tỉnh đứng đầu về sản lượng thủy sản khai thác là Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre,…

Hiện nay ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đang phát triển theo hướng phát triển hàng hóa chất lượng cao, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất lúa, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics nâng cao giá trị nông sản.

b) Công nghiệp

- Cơ cấu ngành công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển gắn với thế mạnh đặc trưng của vùng.

- Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm: chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tốc độ tăng trưởng cao, sản phẩm chủ yếu là cá tra phi lê, tôm và mực đông lạnh,... Ngoài ra, còn phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm hoa quả, xay xát lúa gạo,..

- Công nghiệp sản xuất điện: Các nhà máy nhiệt điện khí: Cà Mau (1500 MW), Ô Môn 1, 2, 3, 4 (3 810 MW); nhiệt điện than: Sông Hậu 1 (1200 MW), Duyên Hải (3178 MW) là những nhà máy nhiệt điện lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, vùng còn phát triển điện gió ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và điện mặt trời ở Hậu Giang, An Giang....

- Công nghiệp dệt, sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép: luôn giữ mức tăng trưởng cao, đem lại giá trị kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động; phân bố ở hầu hết các tỉnh, thành phố của vùng.

- Các khu công nghiệp của vùng tập trung nhiều ở hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu và khu vực ven biển. 

c) Dịch vụ

Ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu GRDP của vùng (hơn 35,0% năm 2021).

- Giao thông vận tải: Vận tải đường thuỷ có nhiều lợi thế, mang tính liên tỉnh và quốc tế, khối lượng hàng hoá vận chuyển đường thuỷ của vùng chiếm hơn 29,6% cả nước (năm 2021). Các tuyến đường thuỷ Sài Gòn – Kiên Lương (kênh Lấp Vò), Sài Gòn – Tiền Giang (kênh Chợ Gạo), Sài Gòn – Cà Mau (kênh Xà No),... kết hợp với các cảng biển là đầu mối kết nối giao thương như cảng Bến Tre, cảng Kiên Giang, cảng Cà Mau,... Vận tải đường bộ của vùng cũng được đầu tư với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 60,...

- Du lịch: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái (miệt vườn sông nước, mùa nước nổi), du lịch biển. Các trung tâm du lịch trong vùng là Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Mỹ Tho (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang)....

- Tài chính, ngân hàng: đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng, cung cấp vốn đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất và khai thác tiềm năng tự nhiên của vùng. Cần Thơ là trung tâm tài chính, ngân hàng lớn nhất của vùng.

Hiện nay, thương mại điện tử, dịch vụ logistics với các trung tâm đầu mối như thành phố Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang,... cũng góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu nông sản.

5. Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng Bằng sông Cửu Long

a) Quá trình hình thành và phạm vi lãnh thổ

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích hơn 16,6 nghìn km², chiếm hơn 5% diện tích cả nước; số dân khoảng 6,1 triệu người, chiếm hơn 6,2% số dân cả nước (năm 2021). Vùng bao gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

b) Thế mạnh nổi bật để phát triển kinh tế

- Vùng có vị trí địa lí thuận lợi và quan trọng đối với an ninh quốc phòng đất nước: có vùng biển rộng lớn, tiếp giáp với Cam-pu-chia với nhiều khu kinh tế cửa khẩu.

- Vùng chiếm chủ yếu nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí tự nhiên và đá vôi của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Cơ sở hạ tầng, hệ thống đô thị khá phát triển, đặc biệt có Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, các cảng hàng không gồm Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc, cùng hệ thống các cảng Cần Thơ, Cà Mau,...

- Đây cũng là nơi tập trung nhiều tiềm lực khoa học và công nghệ, các cơ sở đào tạo, y tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- Vùng có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều loại hình du lịch như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,...

c) Vai trò của vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp gần 36,7% GRDP toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong cơ cấu GRDP, ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhất, đạt 42,4%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đứng thứ hai với 30,8%, công nghiệp và xây dựng đóng góp tỉ trọng nhỏ nhất, chiếm 21,7%.

- Đây là trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước, cầu nối hội nhập kinh tế khu vực và giữ vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

- Vùng dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản: chiếm 24% sản lượng lúa, 25,2% sản lượng thuỷ sản của cả nước (năm 2021).

- Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long là đầu tàu trong việc phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như chế biến thuỷ sản, công nghiệp năng lượng; đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ nông nghiệp cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Địa lí 9 CTST bài 21: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kiến thức trọng tâm Địa lí 9 chân trời sáng tạo bài 21: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Ôn tập Địa lí 9 chân trời sáng tạo bài 21: Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Bình luận

Giải bài tập những môn khác